Cần sản phẩm độc đáo để đón khách du lịch cao cấp

18/11/2024 17:39

Sản phẩm du lịch cao cấp không chỉ đòi hỏi chất lượng dịch vụ cung ứng, mà cần phải chạm cảm xúc của khách hàng.

“Giá tiền đi đôi với cảm xúc”

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng, liên kết rất sâu sắc, xã hội hóa cao. Làm du lịch là trách nhiệm của xã hội, các chủ thể làm du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam giữ vai trò quản lý Nhà nước, dẫn dắt, tạo điều kiện tốt nhất để tập hợp những người làm du lịch, thúc đẩy tạo ra những giá trị lớn đóng góp chung vào kinh tế xã hội, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

   

 

Chú thích ảnh

Dòng khách tàu biển có khả năng chi trả dịch vụ cao cấp.

Tính chung 10 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 14,1 triệu lượt, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu đặt ra đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế có thể đạt được, trở lại với thời kỳ tăng trưởng ấn tưởng trước dịch COVID-19.

“Quan trọng hơn các con số là chất lượng khách đến Việt Nam, làm sao để khách chi tiêu cao hơn, lưu trú dài hơn…”, Thứ trưởng Hồ An Phong nhận xét.

Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, xây dựng sản phẩm du lịch cao cấp cần chú ý đến sự khác biệt, cảm xúc của du khách, mang đến trải nghiệm cao cấp cho du khách. Trong sản phẩm dịch vụ cao cấp không thể thiếu được chất lượng dịch vụ cung ứng, không thể thiếu được sự tỉ mỉ cẩn thận sắp xếp và chuẩn bị dịch vụ một cách thực sự chu đáo, để khách có thể cảm nhận được sự khác biệt và chạm tới cảm xúc. Đối với dòng khách cao cấp, giá tiền đi lền với cảm xúc.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng cho rằng, cần phát triển các sản phẩm du lịch xanh, hướng về môi trường, chú trọng đào tạo chất lượng nhân lực, quan tâm đến yếu tố văn hóa bản địa trong xây dựng sản phẩm.

Đồng quan điểm, bà Ngô Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh và marketing Công ty Vinpearl cho biết, muốn tiếp cận được phân khúc khách hàng cao cấp thì cần phải hiểu khách hàng là ai, khách hàng muốn gì. Vinpearl luôn tiếp cận khách hàng theo từng phân khúc khách, từ đó phát triển sản phẩm phù hợp. Phương châm phát triển của Vinpearl là “Một điểm đến, đa trải nghiệm” với tổ hợp khách sạn, nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, mua sắm, sân golf, trường học, bệnh viện… Việc nắm bắt tâm lý khách hàng là điều dễ dàng để khách hàng sẵn sàng chi tiêu cao hơn trong chuyến đi của mình. Bà cho rằng du lịch Việt Nam cần chú trọng xây dựng những sản phẩm về chăm sóc sức khoẻ, du lịch xanh, du lịch bền vững…

Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chua Me Đất (Oxalis) cho biết, hiện đơn vị đang khai thác và kinh doanh tour khám phá hang Sơn Đoòng. Đây là tour du lịch dành cho du khách đam mê khám phá du lịch mạo hiểm và có thu nhập cao. Du khách quốc tế ưa thích tour này và lượng khách đăng ký đã kín đến hết năm 2025.

Theo nghiên cứu của Oxford Economics, khách cao cấp quan tâm đến chất lượng dịch vụ độc đáo, mang tính cạnh tranh cao, những điểm đến được yêu thích trên thế giới. Ông Liam Cordingley, nhà kinh tế trưởng Oxford Economics cho biết, chỉ riêng trong lĩnh vực ẩm thực, du khách sẵn sàng chi trả thêm 10% phí dịch vụ cho những dịch vụ cao cấp. Thực tế, du khách có thể chi 250 USD/ngày cho những phục vụ trải nghiệm dịch vụ cao cấp. Đây là loại hình dịch vụ các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng có thể khai thác để thu hút khách chi tiêu.

Theo Giám đốc Công ty du lịch Wildtour Nguyễn Hoài Bảo, khách du lịch cao cấp thường quan tâm đến những loại hình dịch vụ du lịch mang tính riêng biệt, chẳng hạn như du lịch lặn biển, du lịch golf, du lịch MICE, du lịch tàu biển…; đôi khi là những loại hình du lịch mang tính cá nhân hoá như khám phá thiên nhiên hoang dã, thám hiểm hang động…

Hình thành hệ sinh thái cung cấp sản phẩm, dịch vụ cao cấp

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đánh giá: “Phân khúc khách quốc tế cao cấp có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch Việt Nam. Việt Nam có tiềm năng lớn trở thành điểm đến du lịch chất lượng với nhiều tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Cơ sở hạ tầng xã hội, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch được hoàn thiện, đầu tư đồng bộ. Nguồn nhân lực được đào tạo đáp ứng nhu cầu chất lượng phục vụ chuyên nghiệp. Ngành du lịch Việt Nam luôn xác định ưu tiên phát triển du lịch chất lượng cao, du khách chi tiêu cao”.

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc phát triển du lịch chất lượng cao tại Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu khách du lịch cao cấp; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch cao cấp, chú trọng yếu tố độc đáo, nguyên bản, cá biệt/cá nhân hóa, tinh tế gắn với văn hóa, hài hòa với thiên nhiên, môi trường trong các sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm; nâng cấp chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, mang lại những trải nghiệm trọn vẹn cho khách du lịch cao cấp; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ khách du lịch cao cấp; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá có chiều sâu, tập trung vào phân khúc thị trường, sản phẩm, dịch vụ, điểm đến và thương hiệu du lịch cao cấp, tận dụng những người nổi tiếng để quảng bá Việt Nam.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch cao cấp như: Du lịch tàu biển cần đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, cảng tàu, nhà chờ, tour tuyến đa dạng kéo dài thời gian lưu trú của du khách; du lịch golf cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những người chơi golf là khách du lịch quốc tế (từ 20% xuống 10% hoặc 5%); du lịch MICE cần đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế với nhiều ưu đãi; du lịch mua sắm, giải trí cần thu hút các nhà đầu tư lớn xây dựng các trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm cao cấp; du lịch sự kiện cần tăng cường khai thác các sự kiện ngoại giao, thương mại, kinh tế đầu tư, hội chợ... mang tầm quốc tế.

Bên cạnh đó, ngoài các chính sách vĩ mô của Chính phủ, các doanh nghiệp cần chủ động liên kết chặt chẽ với nhau, với chính quyền địa phương để phát huy thế mạnh từ xây dựng cơ chế chính sách, phát triển sản phẩm dịch vụ, quảng bá, xúc tiến, đến phục vụ khách du lịch cao cấp, trong đó đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao, có sự chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm. Qua đó, hình thành hệ sinh thái cung cấp sản phẩm dịch vụ cao cấp cho khách du lịch hạng sang.

Với vai trò là cơ quan du lịch quốc gia, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục kết nối, quảng bá, đồng hành cùng các doanh nghiệp du lịch và toàn ngành để thúc đẩy phát triển du lịch cao cấp, coi đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp ngành du lịch bứt tốc trong thời gian tới; đồng thời mang lại doanh thu lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các điểm du lịch.

Bài, ảnh: XM/Báo Tin tức
Nguồn baotintuc.vn
Viết bình luận mới