Cách làm chân giò nấu giả cầy chuẩn vị miền Bắc
29/09/2024 17:44
Chân giò nấu giả cầy là món ăn được nhiều người ưa chuộng. Hôm nay, VietNamNet giới thiệu cách làm chân giò nấu giả cầy chuẩn vị miền Bắc.
1. Nguyên liệu làm chân giò nấu giả cầy chuẩn vị miền Bắc
1kg chân giò lợn
200g sả
100g nghệ
90g hành tím
70g mắm tôm
60g đậu xanh
1/3 bát cơm mẻ
150g củ riềng
Vài cọng húng quế
2. Cách làm chân giò nấu giả cầy chuẩn vị miền Bắc
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Với chân giò lợn, bạn đem cạo sạch lông rồi rửa sạch với nước. Sau đó, đem nướng sơ trên lửa hoặc dùng bình khò lửa khò sơ qua. Bước này giúp chân giò có độ giòn, mềm và không còn mùi hôi khó chịu.
Tiếp đó, bạn dùng dao cạo lớp bụi bên ngoài da lợn rồi chặt chân giò thành miếng vừa ăn (dày khoảng nửa gang tay) rồi đem rửa sạch lại.
Tiếp theo, bạn bóc vỏ hành tím, củ sả, rửa sạch rồi thái thành lát nhỏ. Với gừng, nghệ, bạn cạo vỏ bên ngoài, rửa sạch và cắt thành lát nhỏ. Riềng đem cạo qua vỏ, rửa sạch và thái lát.
Sau đó, cho nghệ, riềng cắt lát vào cối và giã nhuyễn. Húng quế đem rửa sạch và thái nhỏ.
Bước 2: Ướp chân giò
Bạn cho chân giò đã sơ chế vào nồi, thêm riềng, nghệ giã nhuyễn, nửa lượng hành tím đã băm, mắm tôm, cơm mẻ, bột ngọt, dầu ăn và một chút rượu trắng vào trộn đều. Ướp trong 20-30 phút cho ngấm gia vị.
Bước 3: Nấu chân giò giả cầy
Bắc chảo lên bếp rồi cho 1 muỗng dầu ăn vào đun nóng, sau đó cho số hành tím còn lại vào phi thơm, cho chân giò đã ướp vào đảo đều cho đến khi săn lại.
Tiếp theo, đổ thêm nước lọc, đậu xanh vào nồi và đun với lửa lớn. Ninh cho đến khi đậu xanh nở bung, chân giò chín mềm, nước trong nồi sệt lại thì nêm nếm gia vị cho vừa ăn và tắt bếp.
Bước 4: Hoàn thành
Bạn múc chân giò nấu giả cầy ra bát, rắc thêm cọng húng quế lên trên để tăng hương vị và đẹp mắt rồi thưởng thức.
3. Một số lưu ý
Để làm món chân giò nấu giả cầy ngon, bạn nên chọn mua chân giò trước của lợn, vì chân trước hoạt động nhiều nên phần thịt mỏng, mềm, ngọt và có nhiều gân hơn chân sau.
Chân giò ngon thường sẽ săn chắc, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều, phần móng còn nguyên vẹn không bị long ra.
Bạn nên mua những miếng chân giò có màu hồng tươi, không có mùi hôi bất thường. Tránh mua chân giò có ứ nước bên trong, có lớp màng bên ngoài, khi cắt thịt chảy dịch vàng và có các nốt sần màu trắng trên thịt vì đây có thể là lợn đã bị bệnh sán gạo rất nguy hiểm nếu ăn phải.
Nên mua riềng bánh tẻ, nghệ tươi tự giã để ra tinh dầu thơm, ướp giả cầy sẽ ngon hơn. Không nên mua riềng xay sẵn ngoài chợ vì chất lượng không đảm bảo.
Cơm mẻ tự nuôi có vị chua dịu dùng nấu giả cầy giúp cân bằng độ mỡ màng của thịt móng giò. Không nên mua mẻ làm sẵn không rõ nguồn gốc vì có thể là cháo pha axit cho nhanh chua, khi nấu giả cầy có vị chát.
Món giả cầy cần ướp kỹ mới đượm vị, đượm hương. Nếu ướp qua loa sẽ nhạt nhẽo, kém ngon.
Yêu cầu thành phẩm là từng miếng giả cầy ngả màu nâu vàng óng hấp dẫn, khi ăn bên ngoài bì giòn sần sật mà bên trong thịt mềm, nước sóng sánh vàng, đượm mùi thơm của mắm tôm, riềng mẻ.
Món chân giò giả cầy dùng kèm với bún hoặc cơm trắng đều ngon. Nên thưởng thức món ăn ngay khi còn nóng để cảm nhận trọn vẹn hương vị.
Trên đây là cách làm chân giò nấu giả cầy chuẩn vị miền Bắc. Bạn còn chần chừ gì nữa mà không vào bếp thực hiện ngay món ăn này để chiêu đãi cả gia đình.
Chúc bạn thành công!
Nguồn vietnamnet.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Khai mạc Festival Ninh Bình với chủ đề 'Dòng chảy di sản'
Rừng Đỗ Quyên cổ thụ trên núi PuTaLeng lập kỷ lục có diện tích lớn nhất Việt Nam
5 phần thịt lợn khoái khẩu của nhiều người nhưng tiềm ẩn độc hại
Loại rau nào bổ dưỡng nhất?
Cố đô Huế - Nơi di sản thăng hoa
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Lan toả giá trị tốt đẹp từ những dự án "Hành động vì cộng đồng"
Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia
Vì sao không nên đi bộ hay chạy trên thang cuốn?
Khánh thành tôn tạo Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Dominica