Bà Rịa - Vũng Tàu: Công bố điểm đến trung hòa Carbon-Net Zero Station
09/09/2024 07:50
Ngày 8/9, tại thôn 2, xã Suối Rao, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu du lịch sinh thái Suối Rao Ecolodge tổ chức đón nhận Chứng nhận điểm đến du lịch trung hòa carbon-Net Zero Station và công bố điểm đến trung hòa carbon. Đây là điểm du lịch đầu tiên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt chứng nhận điểm đến Net Zero.
Net Zero là một khái niệm phản ánh cam kết giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính xuống mức bằng 0, hoặc bù trừ toàn bộ lượng phát thải bằng cách hấp thụ hoặc giảm thiểu các nguồn phát thải tương đương.
Suối Rao Ecolodge là đơn vị tiên phong trong hành trình tiến tới trung hòa carbon. Theo đó, để đạt được mục tiêu trung hòa carbon, Suối Rao Ecolodge đã áp dụng một loạt các biện pháp nhằm giảm thiểu và bù đắp lượng phát thải CO2. Các biện pháp này bao gồm trồng cây, quản lý rừng và cải thiện chất lượng đất nhằm tăng cường khả năng lưu trữ carbon.
Lễ ra mắt "Điểm đến trung hòa carbon-Net Zero Station tại Suối Rao Ecolodge Bà Rịa-Vũng Tàu" là một cột mốc quan trọng đánh dấu quá trình lưu giữ và bảo tồn thực vật đặc hữu tồn tại hàng trăm năm từ thảm rừng nhiệt đới nguyên sinh. Sự kiện này khẳng định quá trình đi tiên phong của Suối Rao Ecolodge trong việc kiểm kê khí nhà kính, đo đạc trữ lượng carbon trong hệ sinh thái rừng và tạo ra một môi trường du lịch xanh, cân bằng bền vững, đồng thời giới thiệu một điển hình giúp chuyển đổi nhận thức của cộng đồng trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Số liệu công bố của Viện Nghiên cứu ứng dụng và Đổi mới sáng tạo Doanh nghiệp cho biết, sau khi nghiên cứu, đo đạc, tính toán lượng CO2 phát thải, theo dõi diễn biến động lượng carbon theo thời gian, tổng lượng CO2 lưu trữ trong cây và đất tại Suối Rao Ecolodge 1.558,86 tấn/6 năm (tương đương 260 tấn CO2/năm), trong khi lượng phát thải CO2 đo được là 19 tấn/năm. Như vậy, kết quả này cho thấy, các hoạt động tại Suối Rao Ecolodge chỉ tiêu thụ hết khoảng 7% carbon lưu trữ mỗi năm.
Bà Lê Thị Nga, Chủ đầu tư dự án Khu du lịch Suối Rao Ecolodge cho biết, xuyên suốt hành trình phục hồi và tái tạo các giá trị tự nhiên nguyên sơ, Suối Rao Ecolodge ngày càng thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc bảo tồn và đa dạng sinh học. Hơn 95% diện tích của Suối Rao Ecolodge được bao phủ bởi cây xanh, bảo tồn các hệ sinh thái rừng nguyên sinh và thứ sinh, bảo vệ các loài và quần thể, thực hiện quản lý tài nguyên bền vững, nghiên cứu sinh học, giám sát môi trường, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Đồng thời, khu vực này cũng tuân thủ các chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đến năm 2025, Suối Rao Ecolodge phấn đấu cán mốc trồng và duy trì 1.000 loài động, thực vật trong nước và những loài cây bản địa.
Từ một vùng đất hoang sơ, cằn cỗi mỗi năm chỉ có 2 mùa trồng ngô, sắn, đến nay, Suối Rao Ecolodge đã được các nhà khoa học, chuyên gia, kiến trúc sư cảnh quan đến làm việc một cách bài bản, khoa học. Qua đó, đã định danh được hơn 1 triệu cây xanh với khoảng 700 loài. Trong đó có nhiều cây gỗ bản địa thuộc dòng quý, hiếm của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ngoài ra, Suối Rao Ecolodge còn có khoảng 300 loại dược liệu cùng nhiều loài hoa được ươm trồng. Hiện khu rừng nhỏ này có rất nhiều Chim cắt, Đại bàng, Bồ chao, Quành quạch, Vàng anh… về làm tổ. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đến đây để nghiên cứu, tìm hiểu về đa dạng sinh học.
Ông Paul Rowe, du khách đến từ Úc cảm nhận, đây là lần đầu tiên tôi tới đây. Tôi thực sự ấn tượng bởi sự yên bình của nơi đây. Chúng tôi cũng đạp xe hoặc băng rừng đi bộ, ngắm cảnh sắc thiên nhiên, thưởng thức không gian trong lành và được trải nghiệm những văn hóa và bản sắc của người dân bản địa.
Mỗi lần Suối Rao Ecolodge chỉ nhận tối đa 50 khách để bảo đảm không gian riêng biệt và yên tĩnh, du khách có thể hòa mình vào không gian văn hóa bản địa với đàn Đá, đàn T’rưng, đàn Guitar; cùng nhau đốt lửa trại, múa sạp, ném còn, thi thời trang Eco.
Anh Phạm Ngọc Đức Trí, du khách đến từ thành phố Vũng Tàu chia sẻ, nơi đây rất gần gũi với thiên nhiên. Gia đình trẻ như tôi rất thích những không gian như thế này.
Quá trình Suối Rao Ecolodge trở thành một trong những điểm đến trung hòa carbon đầu tiên tại Việt Nam mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững, cải thiện chất lượng sống của người lao động trong ngành du lịch. Đồng thời, nâng cao trải nghiệm du lịch xanh, có trách nhiệm của du khách khi đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong chiến lược phát triển du lịch của Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 chú trọng đến phát triển du lịch gắn với sinh thái, hướng đến Net Zero. Ngành Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xây dựng Chương trình du lịch Xanh trình UBND tỉnh thông qua để triển khai.
Sau sự kiện này, ông Trịnh Hàng mong muốn, Suối Rao Ecolodge sẽ lan tỏa mô hình du lịch sinh thái này với các khu du lịch quanh vùng và hình thành bộ tiêu chí du lịch Xanh như một hình mẫu nhân rộng toàn tỉnh để du khách có điều kiện tiếp cận với các điểm đến du lịch xanh, cũng như tuyên truyền với du khách đến trải nghiệm tại đây xu hướng sống xanh, giảm thiểu phát thải ra môi trường.
Các bài viết cùng chuyên mục
Những bản đúc trên Chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế
Thời gian đứng vững 1 chân tiết lộ sức khỏe của bạn
Đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên
Đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đến gần với giới trẻ TP Hồ Chí Minh
Khai mạc Festival Ninh Bình với chủ đề 'Dòng chảy di sản'
Rừng Đỗ Quyên cổ thụ trên núi PuTaLeng lập kỷ lục có diện tích lớn nhất Việt Nam
5 phần thịt lợn khoái khẩu của nhiều người nhưng tiềm ẩn độc hại
Loại rau nào bổ dưỡng nhất?
Cố đô Huế - Nơi di sản thăng hoa
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)