Ba không khi ăn rau muống
27/07/2024 13:14
Rau muống là thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm của người dân Việt Nam. Bạn có thể ăn loại thực phẩm bổ dưỡng này mỗi ngày nhưng có một số cấm kỵ cần chú ý.
Tác dụng
Được trồng cả trên cạn và mặt nước, rau muống mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe với hàm lượng calo và chất béo thấp. Rau cũng có lượng vitamin A cao (6.600 IU/100g) cùng với nhiều chất chống oxy hóa và khoáng chất.
Chỉ với 19 calo trên 100g lá tươi, rau muống là lựa chọn ưa thích của các chuyên gia dinh dưỡng để kiểm soát cholesterol và giảm cân. Rau còn chứa nhiều chất chống oxy hóa như carotene, lutein, xanthin và cryptoxanthin.
100g rau muống cung cấp 55mg tương đương 92% lượng vitamin C cần thiết hằng ngày. Chất chống oxy hóa mạnh mẽ này giúp loại bỏ các gốc tự do, bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh. Thường xuyên tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin C sẽ hỗ trợ quá trình sửa chữa mô liên kết, tóc và da.
Hơn nữa, rau muống góp phần ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt, làm chậm quá trình lão hóa và chống lại ung thư.
Giống như các loại rau lá xanh khác, rau muống cũng giàu vitamin A (100g rau cung cấp 210% giá trị vitamin A cần thiết mỗi ngày). Vitamin A hỗ trợ sức khỏe của tóc, da, thị lực và chống lão hóa ở cấp độ tế bào. Rau xanh còn chứa nhiều loại vitamin B, quan trọng cho chức năng trao đổi chất.
Ngoài ra, rau muống còn là nguồn cung cấp dồi dào các khoáng chất thiết yếu như sắt, canxi, kali, magie, mangan và phốt pho. Những khoáng chất này đóng vai trò quan trọng trong quá trình khoáng hóa xương và răng, điều hòa nhịp tim.
Lưu ý khi ăn rau muống
Không ăn sống
Theo Medical Health Guide, rau muống nhìn chung là loại thực phẩm an toàn và có thể ăn hằng ngày. Tuy nhiên, bạn không nên ăn rau sống bởi trong thực phẩm này chứa fasciolopsis buski - một loại ký sinh trùng gây bệnh sán lá ruột. Đặc biệt với rau muống nước, nguy cơ nhiễm các loại chất độc hại càng cao hơn.
Người bệnh có thể khó tiêu, dị ứng và đau bụng khi ăn phải rau chứa loại sán trên. Vì vậy, bạn nên nấu chín, hạn chế ăn rau sống hoặc mới chần sơ qua.
Không ăn rau muống khi có vết thương hở
Khi có vết thương hở, mới phẫu thuật, người bệnh cần hạn chế ăn rau muống trong vài ngày. Loại rau này tăng sinh collagen, thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào có thể gây thừa da, hình thành sẹo lồi.
Không ăn rau muống khi mắc một số bệnh
Những người đau khớp, mắc bệnh gout không nên ăn nhiều rau muống. Trong 100g rau muống có tới 57mg purin khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acid uric. Lượng acid uric dư thừa có thể tăng viêm, gây ra các cơn đau xương khớp, gout cấp tính.
Ăn nhiều rau muống cũng không tốt cho người có sỏi thận bởi đây là loại thực phẩm chứa lượng lớn oxalate. Khi dư thừa, oxalate sẽ lắng đọng trong nước tiểu kết hợp với canxi hình thành sỏi thận canxi oxalat.
Nguồn vietnamnet.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Nhặt da, sơn sửa nhiều có làm móng tay nhanh hỏng?
Vinh danh tài năng trẻ xuất sắc trong lĩnh vực Tâm lý - Giáo dục
Loại rau nào bổ dưỡng nhất?
Thêm hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị di sản
Những bản đúc trên Chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế
Thời gian đứng vững 1 chân tiết lộ sức khỏe của bạn
Đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên
Đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đến gần với giới trẻ TP Hồ Chí Minh
Khai mạc Festival Ninh Bình với chủ đề 'Dòng chảy di sản'
Rừng Đỗ Quyên cổ thụ trên núi PuTaLeng lập kỷ lục có diện tích lớn nhất Việt Nam