50 năm Thống nhất đất nước: Văn học nghệ thuật góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa

29/03/2025 07:54

Năm mươi năm kể từ Ngày Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên đã trải qua một hành trình dài với những dấu ấn sâu đậm.

Chú thích ảnh
Triển lãm tranh, ảnh do văn nghệ sỹ tỉnh Phú Yên sáng tác. 

Không chỉ là vùng đất với vẻ đẹp hài hòa của thiên nhiên, Phú Yên còn là nơi của những tâm hồn sáng tạo, những con người không ngừng cống hiến để xây dựng nền văn học nghệ thuật ngày càng phát triển.

Trong hành trình 50 năm, văn học nghệ thuật Phú Yên đã từng bước ghi dấu ấn trong nền văn học nghệ thuật cả nước. Các tác phẩm văn học nghệ thuật không chỉ phản ánh đời sống người dân mà còn tái hiện vẻ đẹp đa dạng của thiên nhiên, lịch sử, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của đất và người Phú Yên. Các cá nhân và tập thể văn nghệ sỹ Phú Yên đã vượt qua khó khăn, kiên trì với đam mê và tinh thần đổi mới đã giúp họ sáng tạo, cống hiến cho xã hội.

Những gương mặt tiêu biểu cho văn học nghệ thuật Phú Yên trong 50 năm qua có thể kể đến: Các nhà thơ Văn Công, Giang Nam, Liên Nam, Trúc Chi, Phan Hoàng, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Phong Việt…; các nhà văn Võ Hồng, Khuất Quang Thụy, Thanh Quế, Ngô Phan Lưu, Tô Phương, Y Điêng, Đào Minh Hiệp, Trần Quốc Cưỡng, Huỳnh Thạch Thảo, Huỳnh Văn Quốc, Phương Trà...

Cùng với đó là các nhà nghiên cứu văn hóa Trần Sĩ Huệ, Nguyễn Đình Chúc...; nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Thu Trang, Phạm Ngọc Hiền, Võ Nguyễn Bích Duyên...; nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Quang, Cao Hữu Nhạc; họa sỹ Lê Đức Huỳnh, Nguyễn Đăng Ý, Lê Đức Thắng...; nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Khả Quang, Dương Thanh Xuân, Lê Minh, Huỳnh Lê Viễn Duy…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên khẳng định: Văn học nghệ thuật Phú Yên trong suốt nửa thế kỷ qua được bắt đầu bằng dấu mốc hòa bình, thống nhất nên đã phát triển cân đối, mạnh khỏe hơn. Không còn bị chia cắt vì chiến tranh, bỏ bớt định kiến, mở rộng tinh thần dân chủ nên văn nghệ sĩ thuận lợi hơn trong việc tiếp nhận các trường phái, khuynh hướng sáng tác hiện đại, tiến bộ. Lực lượng sáng tác tương đối đều, có kế thừa và đồng thuận trong môi trường chung là giá trị lớn nhất mà văn học Phú Yên có được.

Năm 1981, một nhóm yêu thơ ở Thư viện Hải Phú (thuộc thị xã Tuy Hòa, nay là thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đã đứng ra tổ chức Đêm thơ Nguyên tiêu đầu tiên vào Rằm tháng Giêng. Đêm thơ được duy trì liên tục hằng năm cho đến nay và lan toả vào đời sống người dân trong tỉnh, thu hút bạn bè văn chương trong khu vực và trở thành một ngày hội truyền thống hằng năm của địa phương, sự kiện văn hóa độc đáo hiếm có trong cả nước.

Chú thích ảnh
Trưng bày tác phẩm văn học nghệ thuật của văn nghệ sỹ tỉnh Phú Yên qua các thời kỳ. 

Nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, đêm thơ Nguyên tiêu tại Phú Yên diễn ra trên Núi Nhạn - nằm trong lòng thành phố Tuy Hòa có địa thế thuận lợi và tháp Chăm cổ rêu phong huyền ảo. Người dân Phú Yên đến với đêm thơ như đến với một lễ hội văn hóa truyền thống. Đội ngũ văn nghệ sỹ luôn hướng về đêm thơ như một niềm tự hào và trách nhiệm.

Từ cảm hứng Đêm thơ Nguyên tiêu núi Nhạn, Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập Ngày Thơ Việt Nam vào Rằm tháng Giêng hằng năm kể từ năm 2003 và đã nhiều lần đề xuất tỉnh tổ chức Festival Thơ Nguyên tiêu núi Nhạn để trở thành một sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá xứ sở “hoa vàng cỏ xanh”.

Từ 40 hội viên đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh (năm 1989), đến nay Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Phú Yên đã có gần 400 hội viên. Hiện nay, các chuyên ngành của Hội là: Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Âm nhạc, Điện ảnh - Truyền hình, Văn nghệ Dân gian đều có chi hội hoạt động. Hội luôn quan tâm đến tất cả các chuyên ngành nên hoạt động khá đồng đều, tạo sự đoàn kết trong hội viên, khuyến khích sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị.

Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên Huỳnh Văn Quốc khẳng định: Hội đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn học nghệ thuật của công chúng. Hội cũng chú trọng định hướng tư tưởng, quan điểm sáng tác nhằm nâng cao nhận thức của văn nghệ sĩ. Qua đó, nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật đã đến với công chúng, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần ngày càng cao và đa dạng của các tầng lớp nhân dân.

Các tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện quan điểm, tư tưởng của Đảng đã góp phần định hướng, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết đến người dân. Những tác phẩm văn học nghệ thuật có tính giáo dục, nhân văn, góp phần định hướng tư tưởng chính trị, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, lên án cái xấu, góp phần phòng chống tội phạm, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh phản bác quan điểm sai trái để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện.

Bài, ảnh: Tường Quân (TTXVN)
Nguồn baotintuc.vn
Viết bình luận mới