5 không khi ăn cơm nguội
23/03/2025 15:22
Bạn không nên để cơm nguội quá 3-4 ngày, không hâm nóng nhiều lần, không trộn cơm nguội với cơm mới nấu…
Cơm nguội thường được các gia đình tận dụng để ăn trong các bữa sau, chế biến thành cơm rang, cơm trộn. Tuy nhiên, xử lý cơm thừa không đúng cách có thể dẫn đến những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng do vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, trong đó đáng chú ý nhất là vi khuẩn Bacillus cereus. Loại vi khuẩn này có thể chịu được nhiệt độ cao và có khả năng phát triển mạnh khi cơm nguội để ở nhiệt độ phòng.
Dưới đây là 5 điều nên lưu ý khi ăn cơm nguội để đảm bảo sức khỏe:
Không để cơm nguội ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ
Theo Real Simple, sau khi nấu, không nên để cơm ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Các bào tử Bacillus cereus có thể sống sót qua quá trình nấu chín và nếu không cất cơm trong tủ lạnh, chúng có thể sinh sôi, tạo ra độc tố gây ngộ độc thực phẩm. Triệu chứng của ngộ độc do vi khuẩn này bao gồm buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy, xuất hiện từ 1 đến 6 giờ sau khi ăn. Do đó, sau khi nấu xong, bạn hãy để cơm nguội nhanh chóng và bảo quản trong tủ lạnh.

Làm nguội cơm không đúng cách
Một sai lầm phổ biến là để cơm nguội từ từ ở nhiệt độ phòng, tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Để làm nguội cơm nhanh chóng và an toàn, hãy chia nhỏ cơm vào các hộp nông, trải đều cơm rồi đặt ngay vào tủ lạnh. Tuy nhiên, cần tránh đậy kín cơm khi còn nóng, vì hơi ẩm bị giữ lại có thể khiến cơm nhanh hỏng.
Không bảo quản cơm quá 3-4 ngày
Cơm đã nấu nên được ăn trong vòng 3 đến 4 ngày khi bảo quản trong tủ lạnh. Sau thời gian này, nguy cơ vi khuẩn phát triển tăng lên, khiến cơm không còn an toàn để ăn. Nhiều người có thói quen giữ cơm thừa trong tủ lạnh quá lâu, thậm chí cả tuần. Điều đó rất nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu.
Không hâm nóng cơm nhiều lần
Theo Cnet, việc hâm nóng cơm nhiều lần không chỉ làm giảm chất lượng và hương vị của cơm mà còn làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Mỗi lần hâm nóng, cơm sẽ trải qua sự thay đổi nhiệt độ lớn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh. Tốt nhất, chỉ nên hâm nóng phần cơm đủ để ăn và tránh hâm nóng quá một lần.
Khi hâm nóng cơm thừa, cần đảm bảo cơm đạt đến nhiệt độ bên trong là 74 độ C để tiêu diệt vi khuẩn có thể còn sót lại.
Không nên trộn cơm nguội với cơm mới nấu
Cơm nguội đã để qua đêm, nếu không bảo quản đúng cách, có thể bị vi khuẩn xâm nhập và gây hại cho sức khỏe. Trộn cơm mới với cơm cũ dễ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Ngoài ra, cơm mới và cơm nguội có kết cấu và độ ẩm khác nhau. Cơm mới thường dẻo và mềm trong khi cơm nguội khô và cứng hơn. Khi trộn hai loại cơm này, món ăn có thể không đồng đều về chất lượng và hương vị.
Bằng cách tuân thủ các nguyên tắc trên, bạn có thể an tâm hơn khi sử dụng cơm nguội, tận dụng hiệu quả nguồn thực phẩm mà không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mình và gia đình.
Nguồn vietnamnet.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Lịch truyền hình trực tiếp Lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Đảm bảo an toàn cho du khách trong mùa cao điểm du lịch
21 loại thuốc tân dược, trị xương khớp giả trong đường dây thu lợi 200 tỷ đồng
Mạch sống du lịch trên Cao nguyên đá
Khám phá nghi thức tắm Phật trong dịp Tết Chol Chnam Thmay
Nhiều hoạt động đặc sắc trong Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025
Di tích Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98 đang xuống cấp, cần nhanh chóng khắc phục
Uống nước dừa tốt nhất vào buổi sáng, 4 nhóm người phải kiêng
Quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục (Bắc Giang) đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt
Hào khí Đồng khởi bất diệt của 'Đội quân tóc dài'