Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, chất lượng cao
06/11/2024 09:37
Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được triển khai 15 năm. Thực hiện nghị quyết nền tảng này, số lượng đội ngũ trí thức của tỉnh tăng nhanh; đa số có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, năng lực tiếp thu khoa học - công nghệ (KHCN) mới, nhiệt tình, tâm huyết, sáng tạo.
Những kết quả tích cực
Nghị quyết 27-NQ/TW đi vào cuộc sống, giúp nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội ngày càng đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn. Các cơ chế, chính sách từng bước được đổi mới để tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức được cống hiến, sáng tạo, phát triển. Từ đó, nhiều đề án, đề tài khoa học có giá trị, được ứng dụng vào sản xuất và đời sống.
Thời gian qua, đội ngũ trí thức đóng góp quan trọng, tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) địa phương. Trí thức ở cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội phát huy tốt vai trò, trách nhiệm; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị các cấp. Toàn tỉnh có gần 28.000 người trình độ cao đẳng trở lên (hơn 25.163 người có trình độ đại học và sau đại học), 2.682 cán bộ khoa học - kỹ thuật trình độ sau đại học.
Điển hình, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hầu hết đạt chuẩn và trên chuẩn. Kỹ năng giảng dạy, trách nhiệm nghề nghiệp của họ được nâng lên. Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) có đội ngũ cán bộ, giáo viên trình độ sau đại học chiếm 81,5%. Nhiều công trình nghiên cứu, chuyển giao KHCN được ứng dụng vào sản xuất, mang lại giá trị trong cuộc sống, đóng góp tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh và khu vực. Đội ngũ trí thức ngành y tế nỗ lực, trách nhiệm chăm sóc sức khỏe Nhân dân, thực hiện thành công nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao. An Giang là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa qua hệ thống robot.
Tổ chức họp mặt đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ
Tỉnh từng bước hoàn thiện môi trường, điều kiện hoạt động của đội ngũ trí thức; thực hiện khá tốt chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức. Hoạt động của các hội trí thức tiếp tục có nhiều tiến bộ, nhất là tập hợp và phát huy trí tuệ của đội ngũ hội viên. Lãnh đạo tỉnh định kỳ gặp gỡ, tiếp xúc đại biểu tri thức hàng năm, tạo sự gắn bó giữa Đảng và trí thức khoa học, văn hóa, văn học - nghệ thuật.
Bên cạnh kết quả đạt được, nguồn nhân lực của tỉnh còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Một số trí thức chưa phát huy hiệu quả sau đào tạo; đào tạo nhân lực chưa gắn với khởi nghiệp và giải quyết việc làm. Tỉnh thiếu chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành; trình độ ngoại ngữ của trí thức còn hạn chế…
Phát triển đội ngũ trí thức chất lượng
Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, thời gian tới, tỉnh xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, đất nước; quan tâm chăm lo trí thức ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho nghiên cứu KHCN và đổi mới sáng tạo. An Giang hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát huy năng lực trí thức, nhất là chuyên gia và nhà khoa học trên các lĩnh vực tỉnh có ưu thế; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận; thúc đẩy KHCN, nâng cao năng suất và cạnh tranh của nền kinh tế; đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức.
Nguồn nhân lực chất lượng cao được tập trung phát triển, để triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, kinh tế số. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 phát triển đội ngũ trí thức chất lượng cao trong các lĩnh vực then chốt; nâng cao chất lượng đào tạo tại trường đại học, cao đẳng. Cùng với đó, thực hiện cơ chế, chính sách đồng bộ để nâng cao năng lực và đóng góp của trí thức vào sự nghiệp phát triển của địa phương, đất nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Đến năm 2045, đội ngũ trí thức có bước đột phá trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Tỉnh có cơ chế, chính sách phát huy vai trò của trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tham gia đóng góp vào quá trình phát triển KTXH của tỉnh; có những công trình KHCN tiêu biểu được công nhận, mang giá trị hỗ trợ cộng đồng, nâng cao đời sống, góp phần phát triển KTXH, đảm bảo môi trường, chăm sóc sức khỏe và phục vụ đời sống Nhân dân.
Để thực hiện đạt những mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ trí thức; đổi mới đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài; tăng cường quản lý Nhà nước và thực hiện chính sách đối với đội ngũ trí thức; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội trí thức…
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới
Phê chuẩn ông Ngô Công Thức giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Lang thang núi Dài Năm Giếng
Châu Đốc khai thác tiềm năng, vươn mình phát triển
Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội
Học tập Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân
Trả giá đắt vì bản tính côn đồ
Ơn thầy!