“Vị ngọt” Tết quê!
17/01/2025 07:33
Trong ký ức nhiều người, Tết không chỉ là những ngày nghỉ lễ, mà còn là hành trình trở về, trở về với gia đình, với những giá trị truyền thống tốt đẹp. Và trong hành trình ấy, “vị ngọt Tết quê” luôn là điều đọng lại sâu sắc nhất, không lẫn vào đâu được. Đó không chỉ đơn thuần là vị giác, mà còn là sự hòa quyện của nhiều cung bậc cảm xúc, từ những điều giản dị, thân thương nhất.
“Tết quê là những kỷ niệm đẹp trong lòng tôi. Mỗi dịp Tết đến, tôi lại háo hức được về quê ngoại. Hương thơm từ nồi bánh tét bà gói, vị ngọt của mứt dừa quyện trong không khí se lạnh đầu xuân. Cảnh vật quê hương cũng khoác lên mình một tấm áo mới tươi tắn. Những cánh hoa mai vàng rực rỡ khoe sắc, tiếng cười nói rộn rã của trẻ con, tiếng trống hội rộn ràng... tất cả tạo nên một bức tranh Tết quê thật sinh động và ấm áp, làm cho ai đi xa cũng nhớ về” - chị Nguyễn Ngọc Ngân (ngụ phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) bày tỏ.
Tết là dịp để mọi người trong gia đình gác lại những bộn bề của cuộc sống, quây quần bên nhau, cùng nhau chuẩn bị đón Tết, cùng nhau thưởng thức bữa cơm tất niên ấm cúng. Trong không gian ấm áp của gia đình, những câu chuyện rôm rả được kể, những tiếng cười nói vui vẻ vang lên, những lời chúc tốt đẹp được trao nhau. Đó là những khoảnh khắc sum vầy quý giá, là “vị ngọt” chân thành nhất của ngày Tết, mang tên “vị ngọt tình thân”. Gia đình, nơi luôn có vòng tay chào đón những người con bôn ba trở về, dù thành công hay thất bại. Nơi ta nhận được những cái ôm ấm áp và nụ cười sẻ chia ngọt ngào, mà dù có đi bất cứ đâu cũng không thể nào quên.
Vị ngọt Tết quê còn là miếng bánh mứt thơm lừng mẹ đang sên trên bếp, là bữa cơm sum vầy với bao món ăn truyền thống. Với những bậc cao niên, bàn ăn ngày Tết luôn là tâm điểm của sự sum họp. Ở đó, những món ăn truyền thống được bày biện một cách trang trọng, đẹp mắt, mỗi món ăn đều chứa đựng tâm huyết và tình cảm của người chế biến. Bánh chưng xanh, bánh tét dẻo thơm là biểu tượng của sự no ấm, đủ đầy. Những dĩa mứt dừa, mứt gừng cay nồng, với vị ngọt ngào, ấm áp, là lời chúc cho một năm mới an lành, hạnh phúc. Nồi thịt kho tàu đậm đà hương vị quê nhà gợi nhớ bao kỷ niệm xa xưa… Tất cả những món ăn ấy đã tạo nên một “vị ngọt” đặc biệt, không thể thiếu trong mỗi dịp Xuân về.
Tết quê mang đến bao “vị ngọt” và hoài niệm...
“Tết quê gắn liền với nhiều phong tục, tập quán truyền thống. Việc cúng ông bà, tổ tiên thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với những người đã khuất. Vì vậy, mâm cơm chiều 30 Tết luôn thể hiện lòng thành của con cháu. Với tôi, Tết quê là những ngày rộn ràng với bao hoạt động thú vị. Từ sáng sớm, các bà, các mẹ đã tất bật chuẩn bị mâm cơm tất niên. Trẻ con háo hức được mặc quần áo mới. Chiều 30 Tết, nhiều gia đình cùng nhau gói bánh tét, tiếng cười nói rôm rả vang vọng khắp xóm. Đón giao thừa bên nồi bánh mẹ đang nấu, dù có khuya đến mấy, bọn trẻ chúng tôi cũng nhất quyết không đi ngủ” - bà Hoàng Oanh (50 tuổi, ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) bồi hồi nhớ về những cái Tết xưa.
Tết quê còn là mùa của các loài hoa, được vun trồng cùng bao ước mơ, dự định của người nông dân. Những cánh hoa mỏng manh, tinh khiết như tô điểm thêm cho ngày Tết. Những ngôi nhà được trang hoàng lộng lẫy với câu đối đỏ, đèn lồng. Trên những con đường làng, người dân tấp nập đi lại, khuôn mặt ai nấy đều rạng rỡ. Cái chợ Tết ở quê vì vậy cũng náo nhiệt hẳn khi tháng Chạp vừa sang. Người tất bật mua vật dụng về trang trí nhà cửa, người hối hả mua các loại rau, củ cần thiết về chuẩn bị làm món dưa chua để ăn và biếu người thân, bạn bè. Cũng ở chợ Tết ấy, tiếng chào mời, hỏi thăm nhau, xen lẫn tiếng trả giá khi mua hàng, làm rộn vang cả một góc quê.
Tết đến mang theo không khí se lạnh của mùa Xuân, những cơn mưa Xuân nhẹ nhàng làm ẩm ướt đất trời, đơm thêm những chồi non, lộc biếc. Đó là “vị ngọt” của sự sống, của hy vọng về một năm mới an lành, hạnh phúc. Thế đó, hương vị của những món ăn truyền thống, tình cảm gia đình ấm áp, những hoài niệm về tuổi thơ ngọt ngào khi đất trời vào Xuân… Tất cả hòa quyện tạo nên “vị ngọt” đặc trưng, không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến. “Vị ngọt” ấy không chỉ là ký ức, mà còn là hành trang theo ta suốt cuộc đời, là động lực để ta luôn hướng về quê hương, về cội nguồn.
Tết quê ngày xưa và bây giờ có nhiều khác biệt. Ngày xưa, cuộc sống còn khó khăn, nhưng tình người lại rất ấm áp. Bây giờ cuộc sống đã đủ đầy hơn, nhưng không khí Tết có phần vội vã hơn. Tuy nhiên, những giá trị truyền thống của ngày Tết vẫn được gìn giữ và phát huy. Bởi, “vị ngọt” của Tết luôn là đều mỗi người hướng đến.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Chúc Tết chi hội trưởng phụ nữ khóm, ấp huyện Tri Tôn
An Giang tiễn quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự
Ấm áp bữa cơm đoàn viên những ngày cuối năm
Chiến dịch thần tốc xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nông dân tất bật vụ Tết
Khám phá 3 cây cầu thay đổi diện mạo An Giang
Thưởng thức món ngon ở Bảy Núi
Phổ biến pháp luật, kỹ năng chữa cháy cho các trường mầm non
Mô hình “Yên lòng người ra đi - Ấm lòng người ở lại”
Truyền thống, văn hóa quê hương An Giang