Về Thoại Sơn nghe chuyện Thoại Ngọc Hầu
25/04/2018 07:06
Danh thần Thoại Ngọc Hầu (tên thật Nguyễn Văn Thoại), người mà tên tuổi đã gắn liền với cư dân vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là trên vùng đất Thoại Sơn. Bởi, ông là người đã “thay trời mở đất mênh mông”. Công đào kênh Thoại Hà và lập làng, dựng bia Thoại Sơn của danh thần Thoại Ngọc Hầu trải qua 200 năm vẫn còn nguyên giá trị.
Chuyện đào kênh, lập làng
Kênh Thoại Hà tạo ra bước ngoặt lớn đưa Thoại Sơn phát triển
Thuở xưa, vùng đất Thoại Sơn vẫn còn là nơi hoang địa, rừng thiên nước độc, hang ổ của muôn thú. Sinh mệnh của con người luôn bị đe dọa bởi sự khắc nghiệt của môi trường sơn lâm chướng khí, hiểm họa đói nghèo bệnh tật, thú dữ và sự cướp bóc của bọn thảo khấu.
Và rồi, sự xuất hiện của vị danh tướng lẫy lừng Nguyễn Văn Thoại đã làm đổi thay tất cả, mở ra trang sử mới cho vùng đất nơi đây. Do giao thông, thương mại gặp nhiều khó khăn, việc trao đổi hàng hóa thời bấy giờ đều phải đi vòng đường biển, rất bất tiện, cần phải khơi nguồn, tháo bớt 1 phần nước lũ của sông Hậu ra biển Rạch Giá nên mùa xuân năm Mậu Dần 1818, được sự chuẩn tấu của vua, Nguyễn Văn Thoại đã chiêu tập dân binh, phát lệnh đào kênh: “Hôm nay, tại chân núi Sập bên bờ kênh Lạc Dục, trong tiết trời đầu xuân, lão thần vâng chỉ triều đình tuyên cáo, khởi đào nối kênh Đông Xuyên ra bờ biển phía Tây, tạo đường giao thông thuận tiện, hầu trị yên biên cương giữ vững bờ cõi...”. Vậy là, “Tháng ngày bao quản thân sành sỏi/Mưa nắng càng bền dạ sắt son”, hơn 1.500 nhân binh luân phiên đào kênh dưới sự chỉ huy của danh tướng lẫy lừng Thoại Ngọc Hầu.
Qua 1 tháng đào đắp, với việc phát hoang cỏ rậm, nạo vét cát, bùn, mở rộng rạch cùng Lạc Dục (từ Ba Bần vào Núi Sập), từ đó đào thẳng hướng Núi Sập - Kiên Giang mà hình thành kênh mới. Con kênh rộng 20 tầm (51,2m), dài 12.410 tầm (31,744km), nghiễm nhiên trở thành 1 con sông to, ghe thuyền tấp nập. Vị tướng của dân được triều đình khen ngợi và ban dụ cho lấy tên tước Thoại Ngọc Hầu đặt tên con kênh là Thoại Hà và Núi Sập thành Thoại Sơn. Năm 1822, Thoại Ngọc Hầu đã long trọng mở hội dựng bia và chính thức lập làng Thoại Sơn. Vậy là, địa danh Thoại Sơn ra đời đến nay vừa tròn 196 năm.
Hậu thế lưu truyền, đời đời nhớ ơn!
Thoại Sơn hôm nay có nhiều thay đổi, từ thị tứ đến làng quê sum vầy, cuộc sống ấm no, tất cả nhờ công đức của các bậc tiền nhân, trong đó có công rất lớn của danh thần Thoại Ngọc Hầu. Để tưởng nhớ công ơn ấy, hàng năm, vào ngày mùng 10-3 (âm lịch), tại đền thờ Thoại Ngọc Hầu, chính quyền địa phương tổ chức lễ hội rất lớn. Đây được xem là ngày lễ trọng đại nhất của người dân Thoại Sơn, là dịp để lãnh đạo địa phương báo công những thành quả đã đạt được trong quá trình lao động sản xuất trên mảnh đất gắn liền với bước chân khai hoang, mở cỏi của Thoại Ngọc Hầu.
Đình thần Thoại Ngọc Hầu
Cùng ngày với Lễ hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu, Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn đã thu hút hàng ngàn người về đây để tỏ lòng tri ân đối với vị thần có công trên vùng đất này. Từ năm 2002, huyện Thoại Sơn đã tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống nhằm phục vụ cho bà con Nhân dân, không chỉ trong huyện mà còn ở khắp các nơi, đặc biệt là ở quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng, Quảng Nam), nơi đã sinh ra người con ưu tú Thoại Ngọc Hầu.
Năm 2018 là năm thứ 17 huyện Thoại Sơn tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống và kỷ niệm 17 năm kết nghĩa giữa huyện Thoại Sơn và quận Sơn Trà nhằm thắt chặt mối quan hệ gắn bó, tình cảm giữa 2 địa phương. Chương trình sân khấu hóa tái hiện hình ảnh danh thần Thoại Ngọc Hầu nam tiến khai hoang mở cõi, đào kênh, dựng bia lập làng.
“Có thể ngày Tết bận bịu việc làm ăn mưu sinh, nhiều người đành lỡ hẹn không về nhưng đến ngày khai hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu gần như ai cũng sắp xếp về tham dự. Bởi, với những người con đất Thoại Sơn, đây được xem là ngày lễ quan trọng nhất. Họ đến không chỉ để bái lại mà còn xin lộc thần, hy vọng thần sẽ phù hộ chuyện gia đạo, làm ăn “thuận buồm xuôi gió”. Khi còn nhỏ, tôi thường theo ông mình vào đình thần Thoại Ngọc Hầu quét dọn. Khi đó, mọi người có chuyện xích mích, cải vã thường dẫn nhau đến đình giải quyết. Khi ấy, chỉ cần thắp xong 1 nén nhang, chuyện dù lớn thế nào cũng hóa nhỏ, từ nhỏ sẽ hóa không. Có lẽ, nhờ tôn kính oai nghiêm thần nên mọi người không muốn ông phải chứng kiến chuyện không hay…”- ông Nguyễn Trung Nhựt (Từ phòng đình thần Thoại Ngọc Hầu, thị trấn Núi Sập) kể lại.
Đền thờ Thoại Ngọc Hầu và tấm bia Thoại Sơn được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia
Với tấm lòng trọn đời vì nước, vì dân, trong 52 năm thực thi công vụ, danh thần Thoại Ngọc Hầu đã lập nhiều chiến tích và công trạng. Để xứng đáng với công ơn to lớn ấy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thoại Sơn nỗ lực phấn đấu, xây dựng quê hương giàu đẹp, xã hội ấm no, kinh tế phát triển, quốc phòng vững mạnh, đặc biệt là nỗ lực đạt huyện nông thôn mới. Tất cả sẽ là những bó hoa tươi thắm nhất, xứng đáng nhất dâng lên vị thần kính yêu của vùng đất núi Thoại sông Hà. Để thế hệ sau tự hào khẳng định rằng: “Ở đâu sông nước dọc ngang/ Cò bay thẳng cánh ruộng đồng tốt tươi/ Ở đâu biển bạc cá đầy/ Thoại Sơn ta đó dang tay đón chào”.
Nguồn baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội
Học tập Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân
Trả giá đắt vì bản tính côn đồ
Ơn thầy!
Công an An Giang bắt tạm giam Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt
An Giang tăng cường phòng, chống bệnh sởi
Con nước cuối mùa
Từ đam mê đến nghệ nhân trồng lan
An Giang mời gọi đầu tư
Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất TP. Long Xuyên