Về Búng Bình Thiên, nhớ Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi

27/09/2024 15:52

Búng Bình Thiên còn gọi là “hồ nước trời” ở miền Tây, được thiên nhiên ưu đãi có nhiều loài thủy sản nước ngọt phong phú. Nơi đây còn gắn liền với sự kiện “độc nhất, vô nhị” - Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi Búng bình Thiên. Mùa nước lũ tràn đồng, bất chợt nhớ những ngày Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi Búng bình Thiên.

Các tiết mục “cây nhà, lá vườn”, nhưng rất đặc sắc tại Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên

 

Theo Địa chí An Giang, Búng Bình Thiên có diện tích mặt nước khoảng 193ha, độ sâu trung bình 6m. Vào mùa nước nổi, búng mở rộng diện tích gấp 3 lần và trở thành biển nước mênh mông. Ngoài giá trị thủy sản, Búng Bình Thiên còn được cải tạo để phục vụ du lịch (DL) và thu hút du khách đến trải nghiệm. Búng Bình Thiên như chiếc gương khổng lồ, phản chiếu bầu trời xanh trong vắt. Búng Bình Thiên còn điểm thêm sắc thái đặc biệt của phong tục, tập quán đồng bào dân tộc Chăm sống ven bờ hồ. Du khách đến đây sẽ cảm nhận được vẻ đẹp bình yên.

Những ngày mùa nước nổi tràn đồng, chúng tôi lại trở về với vùng đất đầu nguồn An Phú. Qua những khúc sông, qua những quãng đồng loang loáng nước, phía xa là những chiếc xuồng câu thong dong giữa bốn bề gió hát… Khung cảnh chiều lên ở đồng xa biên giới khiến lòng thêm bồi hồi. Trong cái vời vợi xa xăm, chợt nhớ những tiếng nhạc dìu dặt hòa quyện trong gió chút dư âm rộn ràng của những ngày Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên…

Vậy là chục năm trôi qua, kể từ năm 2014, người dân đầu nguồn An Phú không còn được đón mừng Liên hoan văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên vào mỗi khi mùa lũ tràn đồng. Liên hoan vừa là hoạt động giải trí vừa là loại hình DL văn hóa độc đáo, đặc trưng Nam Bộ, nhưng mang dấu ấn rất riêng của vùng đất và con người An Phú.

Liên hoan là đặc thù của địa phương vùng biên giới đầu nguồn có 6 tháng mùa lũ, người dân sinh sống chủ yếu bằng canh tác lúa trong mùa khô và khai thác, đánh bắt thủy sản trong mùa lũ. Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng phong trào văn hóa - văn nghệ của huyện phát triển sôi nổi, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. “Trước đây, mùa lũ năm nào huyện cũng tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống 2/9 và Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên, thu hút hàng vạn người từ khắp nơi về đây rất đông vui. 10 năm nay, liên hoan không được tổ chức, thật tiếc” - ông Th. (người dân ở xã Nhơn Hội) bày tỏ.

Nhớ lại những ngày diễn ra Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên và Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống 2/9, khắp các trục đường chính và các con đường liên xã, liên ấp… nhà nhà trang trí cờ hoa, đèn chớp, đèn ngôi sao… nhộn nhịp. Các xã, thị trấn còn thi đua thiết kế cổng chào được làm từ “cây nhà, lá vườn” rất độc đáo. Đẹp nhất là được dạo một vòng vào ban đêm “thưởng thức” cả bữa tiệc đa sắc màu và không khí hân hoan lan tỏa.

Đặc sắc nhất là đêm khai mạc Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên được xem là “độc nhất, vô nhị”. Đó là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa trên mặt nước được dàn dựng rất công phu từ chính bàn tay, tâm huyết của những người con An Phú, tái hiện cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân vùng sông nước ĐBSCL nói chung và người dân An Phú nói riêng… Chiếc xuồng trôi nhẹ trên mặt nước, diễn viên vừa chèo vừa ngân nga đối đáp những câu hò, điệu lý quê hương, những bài ca tài tử. Những điệu múa đẹp tuyệt vời thắm tình đoàn kết của 4 dân tộc Kinh - Hoa - Chăm - Khmer lung linh trên mặt nước như bước ra từ trong cổ tích. Dưới bến nước trước Thánh đường Hồi giáo xã Nhơn Hội, những điệu múa của thiếu nữ dân tộc thiểu số Chăm như bước ra từ câu chuyện thần thoại “Nghìn lẻ một đêm”… 

Trong khuôn khổ liên hoan, còn diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi cho Nhân dân cùng tham gia, như: Lễ thả cá bản địa quý hiếm vào khu vực Búng Bình Thiên; tổ chức nhiều trò chơi dân gian: Đua xuồng, bắt lươn trong chum, bắt chuột, bắt vịt trên đồng... Trong đêm liên hoan còn tổ chức hội thi đờn ca tài tử trên sông; hội thi lồng đèn; biểu diễn thuyền hoa và thả đèn hoa đăng trên mặt nước Búng Bình Thiên, tạo không khí rất sôi động… Liên hoan còn tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc có dịp giao lưu, vui chơi giải trí, trao đổi kinh nghiệm làm ăn trong mùa nước nổi. Hàng vạn người tề tựu về thưởng thức chương trình với niềm hân hoan, phấn khởi.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định 3 khâu đột phá. Trong đó có đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và DL… Đại hội VI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) huyện An Phú xác định phát triển thương mại - dịch vụ - DL là khâu đột phá tăng tốc phát triển nền kinh tế trên địa bàn… Đại hội VII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ huyện An Phú xác định mục tiêu: Kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, là nền tảng, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, dịch vụ và kinh tế biên giới phát triển…

Những năm qua, huyện An Phú tập trung giải pháp khai thác đạt hiệu quả tiềm năng DL, hình thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa - lịch sử; hình thành và phát triển những sản phẩm DL địa phương. Tiêu biểu là “Làng bè sắc màu” ở ngã ba sông Châu Đốc đã tạo nên cảnh quan đặc sắc. Được ví von là cung đường thủy đa sắc màu đầu tiên ở miền Tây, dự án Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh phối hợp UBND huyện An Phú thực hiện tại thị trấn Đa Phước đã tạo nên cảnh sắc rực rỡ, điểm nhấn mới lạ cho sản phẩm DL đặc trưng vùng sông nước...

Trong khi nhiều địa phương trong cả nước đang nghiên cứu tìm sản phẩm DL đặc trưng để thu hút du khách, thì chúng ta lại “bỏ quên” 1 sản phẩm DL rất độc đáo, hấp dẫn - Liên hoan văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới