Văn hóa ứng xử nơi công cộng
05/11/2024 13:49
Ứng xử văn hóa nơi công cộng thể hiện sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng. Do đó, mỗi công dân cần nâng cao ý thức tự giác, phát huy vai trò giáo dục của gia đình, nhà trường đối với con em, học sinh ngay từ khi còn bé.
Ứng xử văn hóa không chỉ giúp xã hội ngày càng văn minh, hiện đại, mà còn góp phần hình thành nhân cách đẹp ở mỗi người. Trong không gian giao tiếp ngày càng mở rộng như hiện nay, văn hóa ứng xử của mỗi người cần được nâng lên, để tô đẹp thêm cho môi trường văn hóa nơi mình sinh sống, học tập hoặc công tác. Trong xã hội, bên cạnh những người có hành vi ứng xử văn minh, vẫn còn không ít cá nhân hành xử thiếu văn hóa ở nơi công cộng: Chen lấn, xô đẩy nhau, văng tục, chửi thề, phóng nhanh, vượt ẩu khi tham gia giao thông, xả rác bừa bãi, vẽ bậy lên tường, ăn mặc phản cảm đi vào nơi tôn nghiêm, thờ tự…
Chị Lê Thị Hà Thu (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) bức xúc: “Khi lưu thông trên đường, một số người không đi đúng làn đường quy định, gây khó khăn cho người cùng tham gia giao thông. Các ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, xe 2 bánh được phép rẽ phải. Nhưng nhiều người đậu xe lấn hết phần đường, khiến người phía sau muốn rẽ phải cũng "chào thua". Có hôm sáng sớm thủy triều cao, cộng với mưa lớn khiến nước dâng lên ngập một số đoạn đường. Người ý thức kém chẳng nhìn trước ngó sau, cứ chạy thật nhanh khiến nước bẩn bắn vào quần áo, mặt mũi người xung quanh, làm ướt đồng phục của trẻ nhỏ đang đến trường”.
Anh Huỳnh Văn Thọ (ngụ phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Dường như nhiều người nhầm tưởng ở nơi công cộng thì có thể làm tất cả những gì mình muốn. Ví dụ như nhóm người thỏa sức hò hét, đùa vui náo động một góc quán ăn, quán cà-phê hoặc nhà hàng, mặc kệ người xung quanh ngơ ngác, khó hiểu và chịu đựng những hành vi đó. Cũng có người vô tư mở loa điện thoại nghe nhạc, xem video hoặc nói chuyện lớn tiếng ồn ào, bất chấp ảnh hưởng người xung quanh”.
Các hoạt động hỗ trợ cộng đồng được đẩy mạnh thực hiện trong đoàn viên, thanh niên
Ứng xử nơi công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của mỗi người, nhất là đối với giới trẻ. Ở nước ta, vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó có văn hóa ứng xử nơi công cộng cũng được các cấp, ngành, địa phương coi trọng thực hiện, nhất là thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tất cả hướng đến mục tiêu xây dựng ý thức, trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng bằng hành vi ứng xử phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, xu thế phát triển của xã hội. Thông qua các cuộc vận động, phong trào, xuất hiện nhiều tấm gương tử tế, hành động đẹp, nghĩa tình…
Xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh. Hành vi ứng xử văn hóa nơi công cộng được biểu thị thông qua sự tôn trọng, quan tâm, giúp đỡ giữa người và người hoặc ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống… Do đó, cần quan tâm xây dựng văn hóa ứng xử cho mọi người, mọi nhà. Mỗi người dân cần nhận thức và tự giác, trách nhiệm chung với cộng đồng, xã hội trong việc giữ gìn cách ứng xử đẹp, văn hóa, văn minh với nhau.
Song song đó, để hình thành lối ứng xử văn minh, lịch sự, cần nâng cao chất lượng giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội. Ở nhà, người lớn phải là tấm gương cho trẻ nhỏ, phải giáo dục về hành vi văn hóa, văn minh để hình thành nhân cách. Ở trường, học sinh phải được giáo dục đạo đức, trang bị kỹ năng, lối sống đẹp. Bên cạnh việc lan tỏa giá trị truyền thống, nếp sống tốt đẹp của dân tộc thì bài học, câu chuyện, gương điển hình cũng cần được tuyên truyền, phổ biến.
Ngoài ra, cần tiếp thu nét văn hóa, văn minh trong bối cảnh phát triển của xã hội để xây dựng, phát triển nét văn hóa tốt đẹp trong đời sống xã hội. Cần có biện pháp chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, quy tắc xã hội, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh vừa giáo dục, vừa răn đe, giúp mỗi người tự nâng cao ý thức điều chỉnh hành vi, góp phần xây dựng chuẩn mực ứng xử văn hóa.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới
Phê chuẩn ông Ngô Công Thức giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Lang thang núi Dài Năm Giếng
Châu Đốc khai thác tiềm năng, vươn mình phát triển
Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội
Học tập Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân
Trả giá đắt vì bản tính côn đồ
Ơn thầy!