Tự hào 200 năm dòng kênh mở cõi
15/11/2024 13:28
Ngày 14/11, trên vùng đất địa đầu biên giới Tây Nam, UBND tỉnh An Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024), tưởng niệm 198 năm Ngày mất bà Châu Thị Tế (1826 - 2024) và Hội thảo khoa học cấp quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”. Đây là sự kiện chính trị, lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện niềm tự hào, lòng biết ơn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang với các bậc tiền nhân đã có công mở cõi.
“Ôn cố tri tân”
Với quan điểm “ôn cố tri tân”, sáng 14/11, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”. Hội thảo tiếp nhận 85 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Tiểu ban chuyên môn lựa chọn 50 bài tham luận in kỷ yếu, 7 bài tham luận trình bày tại hội thảo. Thiếu tướng, PGS. TS. Vũ Quang Đạo (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) cho rằng: “Kênh Vĩnh Tế dài 91km nối Châu Đốc với Hà Tiên, được thi công bằng sức người trong 5 năm, đã phát huy tác dụng to lớn đến nay hơn 200 năm và sẽ còn tồn tại lâu dài trong lịch sử dân tộc. Kênh Vĩnh Tế thể hiện tầm nhìn, khát vọng và tư duy chiến lược bảo vệ Tổ quốc của các bậc tiền nhân trong mở rộng, giữ vững cõi bờ vùng đất Nam Bộ của Tổ quốc”.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh: “Trải qua 2 thế kỷ, kênh Vĩnh Tế luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện: Là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển, giao thương hàng hóa, là nơi cung cấp nước ngọt phù sa vun đắp cho ruộng đồng cả vùng Tứ giác Long Xuyên. Trên hết, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một tuyến phòng thủ tự nhiên vững chắc để bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc”.
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, hội thảo rất quan trọng và có ý nghĩa lớn trong việc công bố kết quả, thành tựu nghiên cứu khoa học; là cơ hội để tuyên truyền, quảng bá về giá trị lịch sử nổi bật của kênh Vĩnh Tế. Tại hội thảo, các báo cáo tham luận, ý kiến trao đổi, thảo luận tâm huyết, có tính khoa học cao về giá trị lịch sử, vai trò kênh Vĩnh Tế trong giữ vững quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội; những kiến nghị, đề xuất cho tỉnh trong việc phát huy giá trị to lớn của kênh Vĩnh Tế trong hiện tại và tương lai. “Đây là nguồn tư liệu quý giá giúp cho tỉnh An Giang quản lý, khai thác, bảo tồn cũng như hoạch định chính sách phát triển kênh Vĩnh Tế, góp phần phát triển tỉnh An Giang trong thời gian tới” - đồng chí Hồ Văn Mừng cho biết.
Tự hào tiếp bước cha ông
Tối cùng ngày, tại Khu du lịch quốc gia Núi Sam, UBND tỉnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế, với chương trình sân khấu hóa: “Vĩnh Tế - Kỳ diệu một dòng kênh”. Chương trình gồm: Chương I “Phương Nam vùng đất thiêng”, chương II “Vĩnh Tế - Kỳ diệu một dòng kênh”, chương III “Châu Đốc khát vọng vươn xa”, khắc họa bức tranh về quá trình đào kênh Vĩnh Tế dưới triều Nguyễn, những thành tựu phát triển của thành phố vùng biên. Đặc biệt, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công bố và trao quyết định xác lập Kỷ lục Việt Nam tôn vinh kênh Vĩnh Tế: “Kênh đào thủ công trong khu vực biên giới dài nhất Việt Nam”.
Kênh Vĩnh Tế
Lễ kỷ niệm là dịp để mỗi chúng ta cùng nhau ôn lại, giữ vững niềm tin, đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên. Đồng thời, tạo động lực để thế hệ hôm nay viết tiếp câu chuyện hào hùng, cùng góp sức xây dựng, phát triển quê hương phồn vinh, hạnh phúc. Ông Nguyễn Văn Hạo (ngụ xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) bày tỏ: “Tôi vô cùng vui mừng, tự hào trước sự kiện trọng đại này. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đồng thuận cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương giữ gìn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu về hình ảnh vùng đất, con người và giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của địa phương”.
Bí thư Thành đoàn Châu Đốc Huỳnh Thị Kim Ngân cho biết: “Chứng kiến dòng kênh Vĩnh Tế ngày nay, tuổi trẻ Châu Đốc rất đỗi tự hào bởi suốt 200 năm, đầy thăng trầm cùng thời cuộc, công trình lịch sử của thế hệ cha ông để lại vẫn miệt mài đưa dòng nước ngọt từ sông Châu Đốc băng qua vùng biên viễn để hòa vào lòng biển Tây Nam. Thế hệ trẻ chúng tôi mãi nhớ ơn những bậc tiền nhân đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu, để kênh Vĩnh Tế thông dòng trấn thủ biên cương, chấn hưng bờ cõi. Bằng tất cả tấm lòng biết ơn vô hạn, tuổi trẻ hôm nay xin hứa sẽ sống đẹp, sống văn hóa, không ngừng học tập, sáng tạo, bảo tồn phong tục, tập quán tốt đẹp, ra sức rèn đức, luyện tài, xung kích xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Châu Đốc Lâm Quang Thi khẳng định: “Người dân Châu Đốc và những địa phương có dòng kênh Vĩnh Tế chảy qua mãi không bao giờ quên đóng góp vô cùng to lớn của danh thần Thoại Ngọc Hầu, bà Châu Thị Tế cùng các bậc tiền nhân đã thời khai hoang mở cõi. Chúng tôi - thế hệ lãnh đạo đương thời quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu đưa Châu Đốc phát triển nhanh, sớm trở thành đô thị loại I, xứng với công ơn của tiền nhân”.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Đề phòng cuộc gọi lừa đảo
Tuổi trẻ nông thôn gieo mầm xanh
Khai thác cá nhộn nhịp trên sông
PCI và thu hút đầu tư – hai yếu tố song hành
Kênh Vĩnh Tế – Công trình chiến lược miền biên viễn
“3 ca, 4 kíp” thi công cao tốc
Khai mạc Hội thảo khoa học quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”
Chứng tích bên dòng kênh huyền thoại
Kênh Vĩnh Tế - món quà vô giá
Trả lời cử tri về biên chế công chức, viên chức TP. Long Xuyên