Thi đua đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc
04/09/2024 09:26
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng coi phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược. Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc (đến 2030 phấn đấu đưa vào khai thác 5.000km). Các bộ, ngành, địa phương đang tập trung phấn đấu chạm mục tiêu này.
Quyết liệt thực hiện
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ giải pháp để thúc đẩy đầu tư dự án hạ tầng giao thông. Đến nay, cả nước hoàn thành khoảng 1.000km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100km. Các dự án đang thi công trên 1.700km, chuẩn bị khởi công khoảng 1.400km; trải dài khắp 48 tỉnh, thành phố.
Tại An Giang, thời gian qua, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn đi qua địa phận tỉnh An Giang (Ban Chỉ đạo 2168) tập trung chỉ đạo sở, ngành, địa phương huy động tối đa nguồn lực, quyết tâm hoàn thành tiến độ. Dự án thành phần 1, đoạn đi qua địa phận tỉnh An Giang dài 57km, tổng mức đầu tư khoảng 13.526 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương và tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, đến nay, tiến độ triển khai thi công của cả 4 gói thầu xây lắp đạt 23%, vượt khoảng 0,16% so tiến độ được duyệt.
An Giang đã phê duyệt phương án bồi thường đối với 1.555 hộ dân, số tiền 1.751 tỷ đồng. Đến nay, đã chi tiền bồi thường được 1.533 hộ, số tiền 1.708 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đạt tỷ lệ 99%.
Đồng thời, hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với vị trí điều chỉnh xây dựng khu tái định cư. Chủ đầu tư đang khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục theo quy định để sớm triển khai thi công khu tái định cư. Nguồn vốn bố trí năm 2024 trên 3.222 tỷ đồng, đến nay, đã giải ngân 2.044 tỷ đồng, đạt 63%.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa phận tỉnh An Giang đang được đẩy mạnh tiến độ bất chấp khó khăn (mưa gió kéo dài, nền đất yếu và thiếu cát san lấp). Chủ đầu tư và các nhà thầu không ngừng nỗ lực, làm việc ngày đêm, kể cả xuyên lễ, nhằm hoàn thành sớm các hạng mục của dự án.
Tại điểm khởi đầu của dự án, Ban điều hành Trường Sơn 11 (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn) huy động hơn 150 kỹ sư và công nhân, máy móc, phương tiện, tổ chức thi công “xuyên lễ, xuyên ngày nghỉ”, “3 ca 4 kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” phấn đấu hoàn thành khoảng 14km cầu và đường giao thông.
“Chỉ bàn làm, không bàn lùi”
Từ nay đến hết năm 2025, cả nước phải hoàn thành ít nhất 1.000km đường cao tốc khi thời gian không còn nhiều (khoảng 500 ngày đêm). Để hoàn thành mục tiêu quan trọng do Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, thay mặt Chính phủ và Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”. Đây là sự kiện ý nghĩa trong không khí cả nước sôi nổi thi đua kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung hơn nữa trong lãnh, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tổ chức, đoàn thể vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, tăng cường làm việc trực tiếp với người dân, thực hiện công tác dân vận để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các quy định của pháp luật để giải quyết khiếu nại, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân…
Thủ tướng yêu cầu, trong mọi trường hợp khó khăn, vướng mắc, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm hiệp lực “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm”, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.
“Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án hạ tầng giao thông đang triển khai cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền, phát huy vai trò người đứng đầu, tuyên truyền, vận động, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, trong đó chú trọng việc đầu tư xây dựng khu tái định cư, bảo đảm người dân có nơi ở mới tối thiểu bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố phối hợp nhà đầu tư, nhà thầu thi công làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân địa phương, tạo sự phấn khởi, gắn bó mật thiết với Nhân dân, “đi dân nhớ, ở dân thương”, “sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân”.
Chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động tối đa máy móc, phương tiện, tổ chức thi công khoa học, liên tục, “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”, “đã ra quân là chiến thắng”, “đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm”…
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Khai mạc Hội chợ sản phẩm OCOP - Đặc sản vùng miền Tịnh Biên năm 2024
Khai mạc Ngày hội hàng Việt về nông thôn - Sản phẩm OCOP Phú Tân
Nhiệm vụ cao cả của Đội K93
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới
Phê chuẩn ông Ngô Công Thức giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Lang thang núi Dài Năm Giếng
Châu Đốc khai thác tiềm năng, vươn mình phát triển
Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội