Thanh niên TP. Châu Đốc với nhiều ý tưởng khởi nghiệp độc đáo
25/10/2023 11:50
Phát huy tinh thần xung kích đi đầu, không ngại khó trong mọi phong trào, hoạt động, nhất là trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) mạnh dạn xây dựng các mô hình khởi nghiệp nhằm phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Xuất phát từ niềm đam mê với loài rồng Nam Mỹ, bạn Trần Văn Đức (phường Vĩnh Mỹ) mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi loài bò sát này để cung cấp cho những người có cùng sở thích. Mô hình nuôi rồng Nam Mỹ đã giúp Đức có được nguồn thu nhập ổn định từ 5 năm qua. Đức cho biết, rồng Nam Mỹ là loài vật mới nhưng dễ nuôi.
Với diện tích khoảng 100m2 đất trống sau nhà, Đức xây dựng 50 chuồng để chăn nuôi. Chuồng được thiết kế đơn giản, bằng sắt và lưới có kích thước từ 0,5 - 2m2, tương ứng với chiều dài của rồng. Đối với con cái sinh sản, mỗi chuồng có thể nuôi từ 3 - 5 con. Mỗi chuồng đều bố trí máng đựng thức ăn và khay nước.
Theo kinh nghiệm của Đức, muốn cho rồng Nam Mỹ mau lớn, khỏe mạnh và màu sắc đẹp, hài hòa, nơi đặt chuồng phải đủ ánh sáng. Bởi đây là yếu tố quan trọng giúp loài vật này dễ tiêu hóa, sinh trưởng và phát triển. Vào mùa mưa, ánh sáng yếu cần phải thắp thêm đèn, để tăng nhiệt độ môi trường.
Loài bò sát này nếu nuôi đúng cách, cho ăn đầy đủ thì sau 4 - 5 năm, trọng lượng có thể lên đến 5 - 10kg. Sau 2 năm, chiều dài cơ thể đạt đến 1m và có thể sinh sản. Loài động vật này chỉ ăn rau, củ quả nên nguồn thức ăn dễ tìm. Thức ăn được cắt thành miếng nhỏ, trộn thêm men tiêu hóa và thức ăn dinh dưỡng để chúng phát triển khỏe mạnh.
Rồng Nam Mỹ trên thế giới có rất nhiều màu. Tiêu chuẩn để đánh giá vẻ đẹp của loại thú nuôi này đảm bảo các yếu tố, như: Gai trên lưng đều đặn, thẳng; yếm to và tròn, màu sắc tươi sáng; tâm lý ổn định; không bị tật lỗi… Hiện nay, Đức đã sở hữu được các con có màu vàng, bạch tạng, xanh, xanh xám, đỏ, bông đen. Trong đó, con màu xanh xám có giá cao nhất.
Đặc biệt, Đức đã cho phối giống và ấp thành công nhiều con giống bán với giá từ 400.000 - 5.000.000 đồng/con, tùy thuộc vào màu sắc và hình dáng nhân giống. Trong đó, chủ yếu là các dòng phổ thông, như: Hypo, Abino, Green, Red... “Giá rồng con khoảng 1 tuần tuổi từ 300.000 - 2,5 triệu đồng/con (tùy loại). Nhờ bán con giống đã giúp gia đình có thêm thu nhập từ 50 - 80 triệu đồng mỗi năm” - Đức chia sẻ.
Không lựa chọn khởi nghiệp từ vật nuôi kiểng như bạn Trần Văn Đức, bạn Dương Phước Hiền (phường Châu Phú B) lựa chọn khởi nghiệp từ mô hình trang trại tổng hợp khép kín bảo vệ môi trường, cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường.
Hiền cho biết, đời sống người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, giá cả hợp lý tăng lên. “Nắm bắt được xu hướng đó, tôi mở trang trại trồng trọt và chăn nuôi tổng hợp theo chuỗi khép kín, tận dụng tối đa phụ phẩm của sản phẩm này là đầu vào cho sản phẩm kia. Qua đó, giảm chi phí đầu vào, tăng tối đa lợi nhuận, bảo vệ môi trường” - Hiền thông tin.
Theo đó, Hiền đã ứng dụng mô hình vườn - ao - chuồng trên diện tích 2.000m2. Đối với vườn, Hiền trồng các lại cây ăn trái (xoài, dừa…). Dưới ao, Hiền nuôi cá trê. Hiền còn nuôi thêm gà, vịt, bò, trùn quế, sâu can-xi… và một số hoa màu khác. Ưu điểm trong mô hình kết hợp của Hiền là gà được nuôi trên đệm lót sinh học, không tạo ra mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường xung quanh và sử dụng phân để bón cho cây. Hiền nuôi sâu can-xi và trùn quế làm thức ăn cho gà, giúp gà tăng trưởng nhanh.
Mặt khác, cá trê lai nuôi được lắp đặt hệ thống nước tuần hoàn, đảm bảo môi trường nước sạch; đồng thời, trồng thêm cây xoài nhằm tận dụng phân bón hữu cơ có sẵn từ gà và phân trùn quế để tạo ra nông sản, môi trường thoáng mát và tăng thêm thu nhập…
Mô hình đa dạng các sản phẩm khác nhau nên khi gặp rủi ro về thiên tai, dịch bệnh hay thị trường không ổn định vẫn có sản phẩm khác thay thế, nguồn thu để bù lại. Đây là mô hình hay, giúp bà con nông dân giải quyết bài toán “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa” thường xảy ra. Nhờ mô hình này đã giúp gia đình Hiền có được nguồn thu nhập ổn định trong thời gian qua...
Đây là 2 trong rất nhiều mô hình kinh tế do đoàn viên, thanh niên TP. Châu Đốc làm chủ đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập khá. Ngoài ra, còn có mô hình khác, như: Nuôi vịt chạy đồng, nuôi dê, kinh doanh online, du lịch sinh thái và sản phẩm phục vụ du lịch… Thành công từ các mô hình kinh tế đã giúp đoàn viên, thanh niên nâng cao thu nhập, làm giàu trên chính quê hương mình, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và chăm lo hộ nghèo vui Xuân, đón Tết
Xóm cá ven dòng Vĩnh Tế
Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Kiềm chế tội phạm hiệu quả
An Giang tập huấn, nghiệp vụ chuyên môn công tác mặt trận
Mang theo ma túy, thuốc lắc gặp công an bỏ chạy
Thông xe cầu tạm vào xã Vĩnh Phước
Mời gọi thay sơn mới cho “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc”
Bí thư Thị ủy Tịnh Biên động viên gia đình bị hỏa hoạn
Những bác sĩ vì người nghèo