Tạo động lực phát triển huyện Tri Tôn
31/05/2023 11:05
Các công trình giao thông, văn hóa, du lịch, hồ chứa nước vùng cao, cùng nguồn vốn phân bổ 3 chương trình mục tiêu quốc gia là cơ hội quan trọng để huyện miền núi - dân tộc - biên giới Tri Tôn (tỉnh An Giang) hoàn thiện hạ tầng, kết nối giao thương, hoàn chỉnh công trình dân sinh… Từ đó, tạo động lực để địa phương vươn mình phát triển.
Nỗ lực từng ngày
Dưới cái nắng gay gắt ở vùng Bảy Núi, những công nhân vẫn miệt mài thi công dự án xây dựng hồ Cô Tô (thuộc thị trấn Cô Tô). Thấy được hiệu quả của hồ chứa nước ven chân núi Cô Tô gần đó (Soài So, Soài Chek, Ô Thum), họ hiểu rằng, hồ Cô Tô hoàn thành sớm, đồng bào dân tộc thiểu số Khmer canh tác ruộng sẽ có điều kiện tăng mùa vụ, chủ động nguồn nước sản xuất quanh năm, cải thiện đời sống.
“Mình cố gắng làm việc, vừa được trả công tương xứng để nuôi sống gia đình, vừa tạo ra thêm hồ chứa nước đáp ứng nhu cầu của bà con vùng núi. Công việc đang làm vì thế mang nhiều ý nghĩa” - công nhân Chau Thi Đa chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, những công trình đầu tư công trên địa bàn huyện tạo động lực phát triển rất lớn. Do vậy, chủ đầu tư, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho thi công. Đối với tổng kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 (gần 8,2 tỷ đồng, gồm 5 công trình, tiến độ giải ngân đến giữa tháng 5/2023 đạt gần 60%), huyện phấn đấu hoàn thành trong năm nay.
Đoàn công tác tỉnh kiểm tra công trình hồ Cô Tô
Đối với tổng kế hoạch vốn năm 2023, huyện được giao hơn 118 tỷ đồng, phân bổ vốn cho 36 công trình; đến giữa tháng 5 giải ngân được 16%. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công do cấp tỉnh quản lý, phân bổ 72,2 tỷ đồng, bố trí vốn cho 11 công trình, giải ngân gần 14 đồng (tỷ lệ 19,4%).
Điển hình như dự án nâng cấp, mở rộng đường kênh T4 (nối vào nhà máy sữa công nghệ cao TH và các dự án đầu tư lớn khác), vốn đầu tư 10 tỷ đồng, tuy chưa giải ngân nhưng tiến độ thi công phần đường và cầu đạt 70,4%. Đối với cụm công nghiệp Lương An Trà (giai đoạn 1), kế hoạch vốn hơn 17,6 tỷ đồng, UBND tỉnh đang xem xét bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu thiết kế bản vẽ thi công...
Tạo đồng thuận bàn giao mặt bằng
Giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng và cũng là vướng mắc lớn nhất, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đòi hỏi nhiều cố gắng, nỗ lực. Điển hình như dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 941 (đoạn từ cầu 16 đến ngã ba đường 3/2 và đường Hùng Vương), 192 hộ dân trong dự án phải thu hồi nhà ở, vật kiến trúc, cây trồng…
Trong đó, 178 hộ thống nhất nhận tiền bồi thường (đạt 92,7%); còn 14 hộ chưa nhận tiền, huyện tiếp tục đối thoại. Có những hộ đã đối thoại nhiều lần nhưng chưa thống nhất phương án bồi thường.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, đây là công trình chung, có ý nghĩa rất lớn đối với huyện, cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; gặp gỡ, vận động hộ dân sớm nhận tiền, bàn giao mặt bằng để thi công.
Thi công xây dựng hồ Cô Tô
Nằm trong danh sách 74 huyện nghèo của cả nước, lại có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, nguồn vốn đầu tư công phân bổ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện khá lớn. Tính chung kế hoạch vốn năm 2023 và kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023, huyện được giao gần 58 tỷ. Huyện phân bổ gần 29 tỷ đồng, 68 công trình; chưa phân bổ hơn 29 tỷ đồng.
Nếu như nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 (18,5 tỷ đồng, 48 dự án) thực hiện khá tốt (đến giữa tháng 5/2023 đạt tỷ lệ giải ngân hơn 36%), thì đối với nguồn vốn đầu tư công thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 (hơn 32 tỷ đồng; chưa phân bổ gần 22,5 tỷ đồng; đã phân bổ hơn 10,3 tỷ đồng, 20 công trình), lũy kế vốn thanh toán mới đạt 3,1%.
Mới đây, dẫn đầu đoàn công tác tỉnh đến kiểm tra tình hình giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ thực hiện dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn huyện Tri Tôn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề nghị: “Đối với các công trình, dự án mới, cần linh hoạt, sáng tạo trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trường hợp đã phê duyệt phương án, người dân thống nhất nhận bồi thường, nhưng chưa hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục thì tạm ứng bồi thường trước 75%, để người dân giao mặt bằng, khi hoàn chỉnh thủ tục thì chi hết phần còn lại. Rút kinh nghiệm một số địa phương, người dân thống nhất phương án bồi thường nhưng không được chi tạm ứng bồi thường, đến khi đợi đủ hồ sơ, thủ tục thì hộ dân không đồng ý với mức bồi thường cũ nữa. Lại phải đối thoại, giải quyết mất thời gian, ảnh hưởng tiến độ công trình”.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
4 trường hợp đất lấn chiếm vẫn được cấp sổ đỏ
Chết người vì bẫy chuột
An Phú thực hiện tốt nhiệm vụ ngành tài nguyên và môi trường
250 trẻ em TP. Long Xuyên "Vui Trung thu, đón trăng rằm"
Thông qua nội dung Văn kiện Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh An Giang lần thứ IX (nhiệm kỳ 2024 – 2029)
An Phú trao 50 xe đạp và 150 phần quà Tết Trung thu cho trẻ em đặc biệt khó khăn
Cùng vào tù vì cho bạn bè vào phòng trọ sử dụng ma túy
Xã Phú Thạnh khánh thành công trình đèn đường cụ thể hóa việc học tập theo gương Bác Hồ, Bác Tôn
Trẻ em vùng sâu huyện Phú Tân trải nghiệm tự làm đèn Trung thu
Khởi tố nhóm đối tượng bắt, giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản ở TP. Long Xuyên