Sân chơi hấp dẫn vùng Bảy Núi

02/11/2023 09:51

Có những môn thể thao mạo hiểm chỉ tổ chức được ở vùng Bảy Núi, tạo thành nét đặc thù riêng. Khi tận dụng cảnh đẹp hùng vĩ, yếu tố tâm linh với các môn thể thao mới lạ, hấp dẫn, cùng văn hóa Khmer và ẩm thực độc đáo, Bảy Núi thêm thu hút du khách gần xa.

Lễ hội đua bò độc nhất

Hội đua bò Bảy Núi là hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, duy nhất có ở vùng Bảy Núi - An Giang.

Từ một lễ hội của đồng bào DTTS Khmer, môn thể thao này đã được tổ chức thành Hội đua bò Bảy Núi tranh Cúp Truyền hình An Giang từ năm 1992 đến nay. Mỗi năm, huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên lần lượt đăng cai tổ chức, tạo thành sân chơi thu hút hàng chục ngàn lượt khách du lịch (DL), nhiếp ảnh gia trong nước và quốc tế đến xem, ghi lại những khoảnh khắc đẹp.

“Được tổ chức vào dịp lễ Sene Dolta, Hội đua bò Bảy Núi là một dạng thức lễ hội nông nghiệp độc đáo "có một không hai" của đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi. Không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống đậm chất nhân văn của đồng bào, ngày hội còn là sân chơi thể thao, giải trí ý nghĩa cho nông dân Khmer sau những giờ lao động vất vả trên đồng ruộng” - Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang Nguyễn Văn Lên nhấn mạnh.

 

 

Với 56 đôi bò được tuyển chọn từ các địa phương có đồng bào DTTS Khmer sinh sống của tỉnh An Giang (Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn) và huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) tham gia tranh tài, Hội đua bò Bảy Núi tranh Cúp Truyền hình An Giang lần thứ 28/2023, do huyện Tri Tôn đăng cai tổ chức hấp dẫn đến trận chung kết. Để đi đến trận cuối cùng, đôi bò mang số đeo 42 của ông Chau Mene (thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn) và đôi bò số đeo 25 của ông Nguyễn Văn Quyên (phường An Phú, TX. Tịnh Biên) phải lần lượt loại từng đối thủ theo thể thức đấu loại trực tiếp, chọn đôi thắng cuộc vào vòng trong.

Lần đầu tiên giành giải nhất (trị giá 30 triệu đồng), cùng giải người điều khiển bò giỏi nhất (trị giá 3 triệu đồng), ông Chau Mene vui mừng: “Tôi thuần dưỡng đôi bò “chiến” để tham gia nhiều năm cũng vào đến trận chung kết và chiến thắng. Gia đình tôi rất vui khi có được phần thưởng báo công với ông bà dịp lễ Sene Dolta”.

Tạo sân chơi mới

“Đi Đắk Lắk ghé Buôn Đôn, đến Tri Tôn vào Soài Chek” là câu nói vui và cũng là kỳ vọng của Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm khi muốn xây dựng Khu Thể thao - DL Tà Pạ - Soài Chek (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) thành điểm thu hút đặc trưng, mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào DTTS Khmer.

Cùng với đầu tư hạ tầng DL: Đường lên đồi Tà Pạ, đường vào hồ Soài Chek, công viên, nhà văn hóa truyền thống Khmer, sân đua bò, sân bay và đường băng cất cánh dù lượn, máy bay mô hình… UBND huyện Tri Tôn còn thường xuyên phối hợp biểu diễn các môn thể thao hấp dẫn tại Tà Pạ - Soài Chek, như: Đua bò, dù lượn, diều lượn, khinh khí cầu, thả diều nghệ thuật… Mới đây, thêm môn thể thao mạo hiểm là môtô địa hình.

 

 

Khán giả rất hào hứng khi lần đầu tiên ở vùng ĐBSCL, 60 vận động viên chuyên nghiệp trên khắp cả nước về tham gia biểu diễn môtô địa hình huyện Tri Tôn năm 2023. Sân đua được bố trí nhiều chướng ngại vật như: Thân cây dừa, vỏ xe tải, vũng nước lớn… buộc các vận động viên phải dùng kỹ thuật vượt qua, mang đến cho khán giả nhiều tiết mục mạo hiểm hấp dẫn, kịch tính.

 “Qua sự kiện này, huyện mong muốn gây dựng phong trào thể thao môtô địa hình lành mạnh ở địa phương. Qua đó, quảng bá, giới thiệu đến với du khách trong và ngoài tỉnh những nét văn hóa đặc sắc của vùng Bảy Núi” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang thông tin.

Gần đây, mô hình “trekking núi Cấm” gây được tiếng vang, tạo dấu ấn mới lạ trên bản đồ DL vùng ĐBSCL. Với DL “trekking”, mỗi “trekker” được tự do khám phá những địa điểm mà các phương tiện vận chuyển hiện đại không đến được. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu cho biết, An Giang có nhiều tiềm năng phát triển DL nhưng chưa khai thác hết. “Trekking núi Cấm góp phần tìm ra loại hình DL mới mang tính chất trải nghiệm cho tỉnh. Không chỉ núi Cấm, loại hình DL này có thể tổ chức ở nhiều địa điểm khác” - ông Hiếu chia sẻ.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới