Quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân

30/11/2023 09:13

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN) vừa tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn bức xạ và hạt nhân cho hơn 60 đại biểu, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp.

 PGS.TS Nguyễn Trung Tính thông tin các quy định pháp luật về an toàn bức xạ

 

Ngày nay, công nghệ bức xạ hạt nhân đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, giao thông vận tải, xây dựng… Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, công nghệ bức xạ mang đến khả năng chẩn đoán, tiên lượng, cũng như hỗ trợ hiệu quả đối với các phác đồ điều trị cho bệnh nhân.

Ứng dụng bức xạ hạt nhân trên địa bàn An Giang hiện nay chủ yếu là sử dụng thiết bị X-quang để chiếu, chụp chẩn đoán, phục vụ khám và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc ứng dụng bức xạ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe  con người, nếu không tuân thủ đúng các quy định về an toàn và kiểm soát bức xạ.

Tại hội nghị tuyên truyền, Trung tâm Thông tin và Đào tạo (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) đã chia sẻ về bức xạ ion hóa, ứng dụng và mối nguy hiểm; các quy định pháp luật về an toàn bức xạ đối với cơ sở X-quang chẩn đoán trong y tế. Trong khi đó, Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật An toàn bức xạ hạt nhân và Ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) đã phổ biến các kiến thức về quản lý và bảo đảm an toàn bức xạ tại cơ sở X-quang chẩn đoán trong y tế; phương pháp giảm liều chiếu cho bệnh nhân và nhân viên bức xạ; hướng dẫn thiết kế che chắn an toàn bức xạ tại cơ sở.

Đại biểu được chuyên gia phân tích các tình huống sự cố bức xạ và phương pháp ứng phó sự cố tại cơ sở X-quang chẩn đoán trong y tế; hướng dẫn xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và xây dựng hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ đối với cơ sở X-quang y tế theo Nghị định 142/2020/NĐ-CP, ngày 9/12/2020 của Chính phủ... Sở KH&CN đã hướng dẫn nộp và thanh toán phí, lệ phí hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân.

Theo PGS.TS Nguyễn Trung Tính (Giám đốc Trung tâm Thông tin và Đào tạo), các nguồn bức xạ được sử dụng đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bức xạ ion hóa có khả năng gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và được thể hiện qua các hiệu ứng sinh học. Các nguồn phóng xạ khi không được quản lý chặt chẽ có thể dẫn đến sự cố tai nạn gây ra, ảnh hưởng sức khỏe đối người sử dụng, người dân và gây ra ô nhiễm môi trường, đòi hỏi chi phí lớn để khắc phục.

Để đảm bảo mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng các nguồn bức xạ, đi đôi với đảm bảo an toàn cho con người, các hoạt động sử dụng nguồn bức xạ, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân cần phải được Nhà nước quản lý chặt chẽ dưới 3 khía cạnh: Bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân; bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ; kiểm soát việc sử dụng các vật liệu hạt nhân nhằm ngăn chặn việc sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân, thiết bị nổ hạt nhân.

Qua hội nghị tuyên truyền, giúp các cơ sở có sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ hiểu hơn về các mối nguy hiểm do chiếu xạ ngoài và cách bảo vệ; nguyên lý hoạt động của thiết bị X-quang chẩn đoán y tế và các vấn đề bức xạ liên quan; các khía cạnh liên quan đến tối ưu hóa an toàn bức xạ trong X-quang chẩn đoán y tế và hướng dẫn sử dụng thiết bị đo suất liều bức xạ, liều kế cá nhân. Đồng thời, nắm được những kiến thức cơ bản và quy định pháp luật trong lĩnh vực an toàn bức xạ, hạt nhân; quy định trong cấp phép sử dụng thiết bị X-quang trong y tế.

Từ đó, giúp các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nghiêm và triển khai có hiệu quả công tác quản lý, có những biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn bức xạ tại cơ sở, cho bệnh nhân và những người xung quanh. Đồng thời, giúp các cơ sở biết cách thức xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ xảy ra tại cơ sở, xây dựng và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép tiến hành công việc bức xạ.

Hàng năm, Sở KHCN An Giang đều tổ chức thông tin, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật mới về an toàn bức xạ, hạt nhân cho người phụ trách an toàn bức xạ và nhân viên bức xạ. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra để tăng hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, hạt nhân. Qua đó, nhận thức của các tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ được nâng lên, đa số đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới