Phòng cháy từ xa, chữa cháy từ sớm

30/05/2023 15:03

Ở vùng sông nước như An Giang, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đòi hỏi phải có đặc thù riêng. Để đạt hiệu quả PCCC, ý thức của người dân, doanh nghiệp rất quan trọng. Đi cùng với đó là phát huy vai trò lực lượng PCCC xung kích, tình nguyện ở cơ sở, tận dụng “5 phút vàng” sau khi xảy ra cháy.

Thực tập phòng cháy

Giữa thời tiết nắng nóng vùng Bảy Núi, Công ty TNHH Liên doanh Antraco (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) phối hợp Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH) khu vực Tịnh Biên thực tập phương án chữa cháy và CNCH. Tình huống giả định, vào giờ nghỉ trưa, kho nhiên liệu của công ty xảy ra cháy, nổ, nguyên nhân ban đầu được xác định do chập điện. Sức gió mạnh, lại xảy ra cháy ngoài giờ làm việc, nên việc huy động lực lượng tại chỗ gặp khó khăn. Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm toàn bộ khu vực cháy, lan sang xung quanh. Khi phát hiện cháy, lực lượng tại chỗ nhanh chóng báo động.

Diễn tập phương án chữa cháy ở Công ty TNHH Liên doanh Antraco

 

Sau khi nắm thông tin, Ban Giám đốc công ty chỉ đạo Đội trưởng Đội PCCC cơ sở trực tiếp điều động, phân công nhiệm vụ. Lực lượng chữa cháy tại chỗ sử dụng bình chữa cháy xách tay, xe chữa cháy cải tiến phun dập lửa; tập trung di chuyển người, tài sản ra khỏi khu vực cháy. Đội chữa cháy và CNCH khu vực Tịnh Biên nhanh chóng điều 2 xe chữa cháy, 1 máy bơm, cùng 18 chiến sĩ đến hiện trường, tiếp cận khống chế ngọn lửa, cắt đứt nguy cơ cháy lan, dập tắt đám cháy. Những người bị nạn, tài sản, hàng hóa được di chuyển ra khu vực an toàn.

Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Antraco Quách Kim Long cho biết, kết quả đánh giá phương án diễn tập đạt yêu cầu 90%. Việc diễn tập chữa cháy là hoạt động thường xuyên của đơn vị, nhằm ứng phó hiệu quả, kịp thời khi xảy ra cháy, nổ, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Sáng tạo của An Giang

Việc chủ động phối hợp thực tập phương án chữa cháy và CNCH theo cách làm của doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, nhiều công nhân như Công ty TNHH Liên doanh Antraco đang góp phần vào nỗ lực phòng cháy từ xa, chữa cháy từ sớm của An Giang.

Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng

Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng

 

Mới đây, đoàn khảo sát của Bộ Công an do đại tá Bùi Quang Việt (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH) dẫn đầu đã đến khảo sát, làm việc tại An Giang. Việc diễn tập, thực tập chữa cháy và phát huy hiệu quả PCCC từ cơ sở được đoàn khảo sát đánh giá cao. “An Giang có nhiều sáng tạo khi huy động nguồn xã hội hóa trang bị xe bồn chữa cháy ở cơ sở, khu dân cư. Đây là một trong 3 tỉnh của cả nước xây dựng lực lượng PCCC tình nguyện, hoạt động rất hiệu quả, cần nhân rộng” - trung tá Lê Công Hưng (thành viên đoàn khảo sát) đánh giá.

Đại tá Bùi Bé Năm (Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang) cho biết, ngành chức năng tỉnh thường xuyên kiểm tra trụ PCCC, đặc biệt là nguồn nước cung ứng, khắc phục tình trạng “chữa cháy không có nước”. Nhờ vậy, hiệu quả chữa cháy đạt khá cao. Tuy nhiên, diện tích lớn (hơn 3.500km2), dân cư nhiều (gần 2 triệu người), hệ thống trụ cấp nước PCCC trên địa bàn tỉnh hiện chưa đáp ứng nhu cầu, cần được hỗ trợ đầu tư thêm.

Đảm bảo tính đặc thù

Ngoài yếu tố đất rộng, người đông, An Giang còn có 13.423ha rừng, 2 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp, 190 chợ, 2 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 1.457 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ... Theo Công an tỉnh, trong 10 năm qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn được kiềm chế, kéo giảm đáng kể (292 vụ cháy) so cùng kỳ 10 năm trước (474 vụ). Tuy nhiên, số người chết, bị thương tăng, thiệt hại tài sản gần 189 tỷ đồng.

Trên thực tế, mạng lưới lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH còn mỏng, địa bàn quản lý rộng, chưa bao phủ được hết địa bàn. Hiện nay, 8 huyện, thị xã, thành phố có Đội Chữa cháy và CNCH khu vực. Tỉnh kiến nghị Bộ Công an cho An Giang thành lập thêm 3 đội tại huyện Tri Tôn, Thoại Sơn và An Phú. Đồng thời, trang bị xe chữa cháy có cấu hình nhỏ (dung tích 1.000 lít nước), máy bơm nổi phù hợp chữa cháy ở khu vực đường nhỏ, cầu hẹp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

 

Thiệt hại tài sản do cháy còn nặng nề

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tỉnh đang bổ sung, hoàn chỉnh Quy hoạch PCCC và CNCH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm phù hợp quy định pháp luật mới, tình hình thực tế thay đổi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục trong học sinh, cộng đồng, doanh nghiệp, đi kèm thanh, kiểm tra để nâng cao ý thức PCCC; tăng cường vai trò, kỹ năng lực lượng PCCC tình nguyện ở cơ sở để tận dụng “5 phút vàng” sau khi xảy cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản.

Tỉnh An Giang đề nghị Bộ Công an hướng dẫn tiêu chí phân loại vùng nguy cơ cháy, nổ cao (nhất là ở khu dân cư cũ) để có phương án quan trắc, theo dõi, giải pháp ứng phó. “Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất xây dựng Quỹ PCCC, huy động nguồn từ việc trích phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và các đối tượng có nguy cơ cháy, nổ cao. Quỹ PCCC giúp địa phương chủ động trang bị cơ sở vật chất, dụng cụ, lực lượng PCCC hiệu quả hơn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề xuất.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới