Phát triển du lịch canh nông
31/10/2023 09:18
Nông trại Phan Nam (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) là mô hình du lịch (DL) canh nông tận dụng lợi thế và đặc thù địa phương, phát huy được những thế mạnh về nông nghiệp, văn hóa. Nông trại có diện tích 4ha, tích hợp nhiều khu vực, như: Khu trò chơi, khu ăn uống, khu công nghệ cao, vườn dược liệu, vườn hoa, vườn trái cây… Đây là điểm đến khám phá nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh ở các cấp học; tạo không gian vui chơi bổ ích, giúp học sinh gần gũi với thiên nhiên và yêu lao động.
Sau gần 5 năm triển khai mô hình DL canh nông kết hợp giáo dục học đường, do Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Long Xuyên thực hiện tại Nông trại Phan Nam đã mang lại hiệu quả thiết thực trong rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời, tạo không gian vui chơi, bổ ích, thiết thực, giúp học sinh gần gũi thiên nhiên, yêu lao động, yêu sản phẩm nông nghiệp hơn. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển DL nông nghiệp, nhất là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Anh Trần Linh Tâm (Trưởng trại Sản xuất Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam) cho biết: “Từ năm 2019 đến nay, nông trại đã đón hơn 20 trường học, với trên 3.000 học sinh các cấp học và sinh viên tham quan, học tập các quy trình kỹ thuật sản xuất, tham gia các trò chơi tập thể, trải nghiệm thực tế về nghề nông: “Một ngày làm nông dân cùng Nông trại Phan Nam”; “tour dã ngoại”; “tour đốt lửa trại”... Từ thực tế trải nghiệm, giúp cung cấp kiến thức cho các em về sản xuất nông nghiệp ứng dụng nghệ cao, nâng cao nhận thức tiêu dùng nông sản thực phẩm sạch từ nông trại đến bàn ăn cho học sinh ngay từ bậc mầm non.
Đến với DL canh nông, du khách được tham gia ở nhiều hình thức và cấp độ. Mức thấp nhất là khách xem hiện vật, quan sát quá trình sản xuất và hưởng thụ sản phẩm cà chua bi, dưa lưới, ổi, làm bánh khọt ngũ sắc, bánh kẹp, sên atiso đỏ. Hướng dẫn viên và kỹ sư nông nghiệp giới thiệu quy trình trồng cho khách và cuối cùng là khách thưởng thức sản phẩm. Mức độ cao hơn là du khách trải nghiệm thực tế, cùng tham gia sản xuất, cùng thu hoạch rau, trái cây... Các em học sinh rất thích khi lần đầu được trải nghiệm “Một ngày làm nông dân”, kết hợp DL giáo dục trải nghiệm học tập với thư giãn.
Trên diện tích 4ha, Nông trại Phan Nam bố trí 5.500m2 nhà màng trồng dưa lưới, dưa lê, cà chua bi, nho; 400m2 trồng hoa kiểng các loại và khu trồng cây dược liệu, cây ăn trái, rau an toàn, khu chăn nuôi... Hai sản phẩm siro atiso đỏ và trà hoa đậu biếc trồng và sản xuất tại Nông trại Phan Nam được chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Để phục vụ du khách, nông trại đã bố trí khu làm bánh: Trải nghiệm gõ bánh in, đổ bánh kẹp, bánh khọt…; khu vực tổ chức hoạt động tô tượng, tô gỗ, vẽ tranh… Ngoài ra, còn nhà đa năng diễn ra các trò chơi sinh hoạt tập thể; khu ăn uống phục vụ ẩm thực miền Tây Nam Bộ.
Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam Nguyễn Thị Ngọc Trinh chia sẻ: “Công ty tự hào thực hiện mô hình là nông trại giáo dục kỹ năng sống đầu tiên tại An Giang. Đây là mô hình được áp dụng ở nhiều quốc gia, có ý nghĩa về xã hội, bên cạnh lợi ích kinh tế. Xã hội và gia đình sẽ có một thế hệ tuổi trẻ có kỹ năng sống tốt, có tư duy làm nông nghiệp tử tế, yêu lao động, yêu con người, quê hương”.
Cô Lý Thị Bích Trâm (Phó Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Hoàng Oanh, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Mô hình rất có ý nghĩa, hỗ trợ, giúp giáo viên mầm non giảng dạy các cháu tốt hơn qua thực tế trải nghiệm, giúp phát triển nhận thức của các em”. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Long Xuyên Dương Kiếm Anh cho biết: “Hai đơn vị đã gắn kết với nhau nhiều năm qua. Nông trại Phan Nam tạo điều kiện thuận lợi để thầy cô các trường hướng dẫn học sinh đến tham gia các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng cho các em, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và học tập cho học sinh”.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây đánh giá cao Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam, đơn vị tiên phong thực hiện mô hình DL canh nông kết hợp giáo dục học đường, phù hợp với chủ trương của tỉnh, thành phố phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, DL sinh thái, nông nghiệp. Qua đó đề nghị, đơn vị tiếp tục có nhiều mô hình mới, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; kết nối tour tuyến, phát triển nhiều mô hình DL hấp dẫn, để đây không chỉ là điểm đến của học sinh, mà của cán bộ, công chức, người dân Long Xuyên và du khách đến với Long Xuyên. Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Long Xuyên phối hợp chặt chẽ với Nông trại Phan Nam, tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm, học tập, có sân chơi bổ ích, theo đúng định hướng giáo dục toàn diện”.
Hình ảnh Nông trại Phan Nam đã thân thuộc với nhiều học sinh, háo hức đến tham quan nhà màng, thu hoạch rau củ, bắt cá, chèo xuồng... vừa gần gũi thiên nhiên, học hỏi được nhiều kiến thức sinh tồn, trồng trọt rất thực tế. “Thật tự hào khi Phan Nam được góp sức mình vào công cuộc gieo mầm một thế hệ tương lai không chỉ hiểu lý thuyết, mà còn biết thực hành, trân trọng, bảo vệ thiên nhiên và nâng niu giá trị truyền thống” - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam Huỳnh Thị Mỹ Chi chia sẻ.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và chăm lo hộ nghèo vui Xuân, đón Tết
Xóm cá ven dòng Vĩnh Tế
Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Kiềm chế tội phạm hiệu quả
An Giang tập huấn, nghiệp vụ chuyên môn công tác mặt trận
Mang theo ma túy, thuốc lắc gặp công an bỏ chạy
Thông xe cầu tạm vào xã Vĩnh Phước
Mời gọi thay sơn mới cho “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc”
Bí thư Thị ủy Tịnh Biên động viên gia đình bị hỏa hoạn
Những bác sĩ vì người nghèo