Phấn khởi tăng lương tối thiểu vùng

30/07/2024 15:59

Tăng lương là mong mỏi của tất cả người lao động (NLĐ) ở cả khu vực công lẫn làm việc tại các doanh nghiệp (DN). Kể từ ngày 1/7/2024, lương tối thiểu vùng tăng 6% là thông tin khiến nhiều NLĐ đang làm việc theo hợp đồng phấn khởi. Bởi từ năm ngoái đến nay, giá nhiều hàng hóa thiết yếu và tiền thuê trọ tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của NLĐ.

Sống bằng nguồn nhập thu duy nhất là đồng lương, chị T.T., công nhân may ở Khu công nghiệp Bình Hòa bày tỏ: “Hoàn cảnh NLĐ như chúng tôi có nhiều nỗi lo. Đa phần người ở quê phải chăm sóc cha mẹ già, người có gia đình thì lo chi tiêu chung, rồi thêm con cái học hành tốn khá nhiều chi phí… Đó là những cái cơ bản, chưa tính đến chuyện ốm đau, đám tiệc đột xuất. Thời gian qua, giá điện, xăng và một số mặt hàng tăng khiến công nhân chúng tôi khá áp lực. Tăng lương tối thiểu vùng dù nhiều hay ít đều phấn khởi, nhưng sẽ rất vui nếu giá cả hàng hóa, dịch vụ không tăng theo, nhất là giá cả thực phẩm, nhà trọ…”.

Một năm trước, anh Quang Cường (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) còn là lao động tự do. Đối với anh, có được việc làm trong công ty hiện nay (chế biến thủy sản) là một may mắn vì đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, thụ hưởng các chế độ bảo hiểm và nhiều quyền lợi khác. Nghe tin tăng lương tối thiểu vùng, anh vui mừng, nhưng chưa rõ trường hợp nào được tăng, trường hợp nào sẽ giữ nguyên. Theo anh Cường, dù ít hay nhiều, NLĐ đều thấy mừng vì có thêm nguồn trang trải cuộc sống. Ngoài ra, NLĐ mong muốn công ty có nhiều đãi ngộ hơn dành cho NLĐ để có thêm động lực gắn bó lâu dài.

 

Tăng lương tối thiểu vùng là sự chia sẻ giúp người lao động đảm bảo cuộc sống

 

Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh) Tô Minh Lắm cho biết, sau khi có thông tin chính thức tăng lương tối thiểu vùng, đơn vị đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở giám sát doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ. Trong đó, lưu ý rà soát lại hợp đồng lao động (HĐLĐ), thỏa ước lao động tập thể tại DN để thống nhất về việc tăng tiền lương tối thiểu. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động tư vấn pháp luật lao động; chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý những vướng mắc phát sinh, hạn chế thấp nhất các tranh chấp lao động, đảm bảo duy trì mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Mặt bằng chung hiện nay trên địa bàn tỉnh, ở các DN có tổ chức công đoàn đều chi trả lương cho NLĐ cao hơn mức tối thiểu vùng quy định. Cách đây 2 tháng, Công ty TNHH An Giang Samho (Khu công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành) đã nâng lương cho NLĐ sớm hơn thời gian quy định của Chính phủ. Sau khi tham mưu Ban thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Chính sách pháp luật sẽ có kế hoạch phối hợp công đoàn cơ sở giám sát, theo dõi việc chi trả lương cho NLĐ tại các DN, đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Nhiều người thắc mắc rằng DN có bắt buộc tăng lương cho người lao động không? Theo Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ ngày 1/7/2024, thực hiện theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP, lương thỏa thuận trong hợp đồng đang bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu đã tăng thì công ty không bắt buộc phải điều chỉnh lại tăng lương, mà chỉ cần tiến hành tăng lương theo hợp đồng lao động (nếu có).

Trường hợp sau khi tiến hành tăng lương tối thiểu vùng mà mức lương của NLĐ đang được trả thấp hơn mức lương tối thiểu đã điều chỉnh, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Nếu lương NLĐ đang thấp hơn mức tối thiểu thì cần tăng lên cho phù hợp theo quy định mới, không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Khi lương tối thiểu vùng tăng, nhiều khoản tiền của NLĐ sẽ được tăng theo, gồm: Tăng tiền lương ngừng việc nếu phải ngừng việc do lỗi của NLĐ khác hoặc sự cố (điện, nước, hỏa hoạn thiên tai…); tăng tiền lương tối thiểu khi điều chuyển công việc; tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, theo đó mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội cũng sẽ tăng theo; tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa.

Với mức tăng lương tối thiểu, dù mỗi NLĐ chỉ tăng thêm 200.000 - 280.000 đồng/tháng (tùy khu vực) nhưng trong thời điểm tình hình sản xuất - kinh doanh của DN vẫn chưa hoàn toàn phục hồi thì đó là nỗ lực lớn. NLĐ hiểu được điều này và mong muốn DN nơi mình làm việc sẽ ngày càng có nhiều đơn hàng để vừa đảm bảo việc làm cho NLĐ, vừa thực hiện tốt các chế độ, chính sách phúc lợi có liên quan.

Lương tối thiểu vùng tăng từ ngày 1/7 khiến DN lo chi phí cao, giảm cạnh tranh, trong khi NLĐ mừng vì có thêm khoản bù đắp cho sinh hoạt. Theo các ngành chuyên môn, đợt tăng lương lần này phù hợp vì đã tính toán đến khả năng chi trả của DN cũng như thị trường lao động nhằm tránh “tác động ngược” nếu tăng quá cao dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động để giảm chi phí… Tăng lương tối thiểu vùng là một sự chia sẻ, quan tâm tới NLĐ để đảm bảo được cuộc sống của họ tốt hơn. Từ đó, duy trì cuộc sống và sự phát triển trong công việc, cống hiến và đóng góp nhiều hơn cho DN. Mọi người đều mong muốn đi kèm theo tăng lương cần thiết phải có các giải pháp đảm bảo kiểm soát thị trường, không để xảy ra trượt giá như những lần tăng lương trước đây từng xảy ra.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới