PCI và thu hút đầu tư – hai yếu tố song hành

15/11/2024 09:22

Kết quả công tác thu hút đầu tư có mối quan hệ chặt chẽ với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Hai yếu tố này có những nét tương đồng, khi Chỉ số PCI tăng thì đồng nghĩa việc thu hút đầu tư sẽ tốt hơn và ngược lại.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

PCI là công cụ để đo lường, đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế cấp tỉnh trên các lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư  nhân, bao gồm 10 chỉ số thành phần. Chỉ số này không chỉ đánh giá năng lực, cơ chế chính sách cải thiện, thu hút môi trường đầu tư của địa phương, mà còn là công cụ để chính quyền địa phương cải cách, tăng cường giải pháp phối, kết hợp cải thiện môi trường đầu tư của mình.

Kết quả từ năm 2006 – 2012 cho thấy, An Giang thuộc nhóm điều hành tốt (năm 2012, An Giang xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố cả nước; thứ 2/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL). Tuy nhiên, từ năm 2013 - 2021, An Giang rơi vào nhóm điều hành khá. Riêng năm 2022, An Giang đạt 62,37 điểm (xếp 54/63), năm 2023 đạt 62,96 điểm, tăng 0,59 điểm, xếp thứ 59/63 cả nước. Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2023, có 6 chỉ số tăng điểm, còn 4 chỉ số giảm điểm so với năm 2022 (gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tính minh bạch).

 

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngày 12/11

 

Nhận thấy tình hình này, đầu năm 2024, UBND tỉnh ban hành kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phân công từng chỉ số thành phần và chỉ tiêu bên trong của chỉ số PCI cho từng sở, ban, ngành. Cụ thể, Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phụ trách chỉ số Chi phí thời gian (14 chỉ tiêu), Cạnh tranh bình đẳng (11 chỉ tiêu), Tính năng động của chính quyền tỉnh (9 chỉ tiêu).

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phụ trách chỉ số Gia nhập thị trường (19 chỉ tiêu), Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (13 chỉ tiêu). Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phụ trách chỉ số Tiếp cận đất đai (14 chỉ tiêu). Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phụ trách chỉ số Tính minh bạch (17 chỉ tiêu). Thanh tra tỉnh chủ trì phụ trách Chi phí không chính thức (16 chỉ tiêu). Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phụ trách chỉ số Đào tạo lao động (11 chỉ tiêu). Tòa án nhân dân tỉnh chủ trì phụ trách chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (18 chỉ tiêu).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, quyết tâm đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, qua nhiều giai đoạn, đơn vị phối hợp với sở, ban, ngành tỉnh thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh, chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm của UBND tỉnh về nhiệm vụ kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Giai đoạn 2010 - 2015, An Giang cấp mới 236 dự án, tổng vốn đăng ký 23.555 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất 1.577ha. Trong đó, 186 dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động, với tổng vốn đăng ký 15.460 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016 - 2020, An Giang cấp mới 331 dự án, tổng vốn đăng ký 70.942 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất 4.890ha. Có 61 dự án đang triển khai thực hiện, tổng vốn đăng ký 11.957 tỷ đồng; 184 dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động, tổng vốn đăng ký 21.092 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh cấp mới 26 dự án, tổng vốn đăng ký 1.619 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất 242ha. Chỉ có 2 dự án chưa triển khai thực hiện, tổng vốn đăng ký 9 tỷ đồng; còn lại đang hoặc đã hoàn thành.

Cần khơi thông nguồn lực

Đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu nhiệm kỳ đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế - xã hội. Công tác thu hút đầu tư rất khó khăn trong giai đoạn này. Ngoài khó khăn khách quan, An Giang gặp bất cập khi thiếu quỹ đất sạch; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa có cơ chế đặc thù để bù đắp cho các bất lợi này. Mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định pháp luật (về đất đai, đầu tư, xây dựng, nhà ở và đấu thầu...) mặc dù từng bước được hoàn thiện, nhưng nhìn chung vẫn còn vướng mắc, chưa được tháo gỡ triệt để hoàn toàn, tác động không nhỏ đến niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

 

Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ nhà đầu tư

 

Một số vướng mắc khác đến từ công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị (đặc biệt là cơ quan, đơn vị được giao chủ trì phụ trách các chỉ số thành phần và chỉ tiêu bên trong) đôi lúc chưa thật sự chặt chẽ, kịp thời, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả chưa cao trong việc thực thi nhiệm vụ và giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chưa thật sự đi vào cuộc sống... Những vấn đề trên đã được phân tích, mổ xẻ khá sâu tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2024, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại của năm 2024, cải thiện chỉ số PCI, do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 12/11.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nêu ý kiến: “Chúng ta còn 34 dự án chưa triển khai kể từ năm 2010 đến nay, tổng vốn trên 22.000 tỷ đồng. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, đề nghị tập trung rà soát, thu hồi nếu không đảm bảo theo quy định, để còn triển khai mời gọi dự án khác. Đối với 77 dự án đang triển khai (13.000 tỷ đồng), cần tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tiến độ đầu tư; khó quá thì bàn bạc tính cách thu hồi. Luật ban hành mới, cập nhật rất nhiều, do đó phải ban hành quy trình, hướng dẫn đầu tư, công khai, minh bạch để nhà đầu tư tìm hiểu, đến với An Giang. Đối với PCI, tỉnh nhận diện những vấn đề chưa làm được, nhưng còn thiếu việc xây dựng, cụ thể hóa kế hoạch chi tiết. Do đó, 7 sở, ngành chủ trì 10 chỉ số cần rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, thông tin báo cáo... để cải thiện chỉ số từ năm 2025”.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Minh Tâm, đơn vị đề xuất tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng đô thị động lực, khu chức năng khu kinh tế cửa khẩu, khu/cụm công nghiệp để tạo quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Trước mắt, tập trung kêu gọi đầu tư dự án vào quỹ đất trống còn lại tại Khu công nghiệp Xuân Tô (TX. Tịnh Biên), Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành); tập trung hỗ trợ nhà đầu tư sớm khởi công xây dựng Khu công nghiệp Vàm Cống (TP. Long Xuyên).

“Cần đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Cụm công nghiệp Mỹ Phú 1 (huyện Châu Phú), Cụm công nghiệp Hòa An (huyện Chợ Mới). UBND tỉnh sớm phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030; chỉ đạo địa phương rà soát, cập nhật bổ sung tất cả quy hoạch chuyên ngành trình cấp thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo đồng bộ với Quy hoạch tỉnh, làm cơ sở thực hiện thủ tục đầu tư dự án. Kiến nghị UBND tỉnh giao cơ quan chuyên môn khẩn trương tham mưu trình HĐND tỉnh phê duyệt danh mục khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai để làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư” – đồng chí Phạm Minh Tâm nhấn mạnh.

“Phải chủ động đi tìm nhà đầu tư”

Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho rằng: “Hiện nay, tỉnh thay đổi tư duy thu hút, mời gọi đầu tư bằng cách chủ động đi tìm doanh nghiệp, nhà đầu tư, không chờ họ đến tìm tỉnh. Tỉnh hoan nghênh tất cả nhà đầu tư, miễn họ có tâm huyết, có tầm nhìn, muốn đóng góp cho sự phát triển của tỉnh – cũng là sự phát triển của chính doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật. Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang (diễn ra vào cuối tháng 11/2024, tại TP. Hồ Chí Minh) là điển hình cho cách làm này. Cùng với đó là xúc tiến đầu tư trực tiếp ở nơi khác có tiềm năng, thậm chí ở nước ngoài, tìm đến doanh nghiệp FDI”.

Quan trọng nhất, phải hoàn thành các quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất...), ưu tiên cho những khu vực có dự án đầu tư công, có khả năng thu hút đầu tư ngoài ngân sách. Đối với chỉ số PCI, tỉnh nỗ lực “vượt lên chính mình”, không để giảm chỉ số, có kế hoạch tăng chúng lên dần. Muốn vậy, từ cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, tỉnh phải xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị cấp tỉnh triển khai; không quá 30 ngày, đơn vị, địa phương phải có kế hoạch chi tiết, phân công con người cụ thể, theo hướng “rõ nội dung, rõ trách nhiệm, rõ chủ thể”.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới