Nơi hội tụ nét đẹp văn hóa, du lịch, sản phẩm đặc trưng
19/08/2024 14:21
Từ ngày 29/8 - 3/9, tại TP. Châu Đốc diễn ra Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - OCOP và đặc sản các vùng miền lần thứ II năm 2024. Qua đó, giới thiệu nét đẹp văn hóa, du lịch (VH-DL), sản phẩm đặc trưng của An Giang đến với du khách trong và ngoài nước.
Cơ hội nâng tầm thương hiệu
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - OCOP và đặc sản các vùng miền lần thứ II năm 2024 do UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành thực hiện. Các cơ quan tổ chức, gồm: Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh; UBND TP. Châu Đốc. Sự kiện diễn ra tại Quảng trường phường Châu Phú A và các tuyến đường lân cận.
Ngày hội được tổ chức với các hoạt động phong phú, đa dạng về nội dung, hấp dẫn về hình thức; tập trung quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giá trị, tinh hoa đặc trưng về đời sống, văn hóa của An Giang và các tỉnh, thành phố. Đồng thời, góp phần gìn giữ, phát triển và nâng tầm thương hiệu “mắm Châu Đốc” nói riêng, mắm An Giang nói chung.
Mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm trên lĩnh vực thương mại, DL và đầu tư giữa các địa phương, giữa doanh nghiệp (DN); hỗ trợ địa phương, DN quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, nắm bắt nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, từng bước cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ngày hội là nơi trưng bày đặc sản của các địa phương
Lễ khai mạc diễn ra lúc 18 giờ, ngày 29/8, tại sân khấu chính của ngày hội. Tham gia ngày hội có các nhà cung cấp; DN xuất khẩu; DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, làng nghề; DN sản xuất - kinh doanh (SXKD) mắm, khô trong và ngoài tỉnh; DN ẩm thực, công ty DL, nhà hàng, khách sạn. Quy mô từ 180 - 200 gian hàng, chia làm 3 khu vực: Không gian trưng bày triển lãm sản phẩm đặc trưng, quảng bá VH-DL tỉnh An Giang; không gian trưng bày đặc sản, quảng bá VH-DL của tỉnh, thành phố trong cả nước; không gian giao lưu văn hóa - ẩm thực và biểu diễn cộng đồng.
Đặc sắc không gian văn hóa, du lịch, ẩm thực
Không gian trưng bày triển lãm sản phẩm đặc trưng, quảng bá VH-DL An Giang, gồm: Khu vực triển lãm tôn vinh nghề mắm An Giang, giới thiệu quá trình hình thành, phát triển thương hiệu của nghề; khu vực tái hiện đời sống sinh hoạt hàng ngày - văn hóa - ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm (TX. Tân Châu); khu vực triển lãm chuyên đề lúa gạo - thủy sản - trái cây.
Gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc trưng địa phương, với sự tham gia của các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Ngôi nhà chung triển lãm “An Giang - tiềm năng - cơ hội đầu tư” trưng bày, giới thiệu sản phẩm của tỉnh An Giang, như: Sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sản phẩm đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm khởi nghiệp, dịch vụ - DL, ấn phẩm thương mại - đầu tư - DL…
Bên cạnh đó, còn có không gian trưng bày đặc sản, quảng bá VH-DL của các tỉnh, thành phố trong cả nước, giới thiệu món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc; giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản; kết hợp biểu diễn văn nghệ cộng đồng. Không gian giao lưu văn hóa - ẩm thực và biểu diễn cộng đồng, gồm: Ẩm thực địa phương chế biến từ mắm hoặc sử dụng cùng nước chấm mắm ẩm thực đặc trưng của đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại An Giang; khu vực sân khấu biểu diễn cộng đồng.
Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu, đơn vị chủ trì, phối hợp sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức các đoàn vận động, mời DN trong và ngoài tỉnh tham gia ngày hội; tiếp nhận gian hàng của đơn vị, DN đăng ký tham gia; thiết kế phối cảnh trang trí tổng thể các cụm gian hàng, dàn dựng, sắp xếp gian hàng đảm bảo khoa học, an toàn.
Chịu trách nhiệm chính thiết kế, dàn dựng Ngôi nhà chung triển lãm “An Giang - tiềm năng - cơ hội đầu tư” và phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện cụm gian hàng triển lãm theo chuyên đề. Đồng thời, chịu trách nhiệm chính thực hiện trưng bày, triển lãm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng, OCOP; tuyên truyền, quảng bá đảm bảo hiệu quả và chất lượng...
Ngày hội sẽ có chương trình giao lưu, biểu diễn văn nghệ, văn hóa cộng đồng. Trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc sản, sản phẩm DL các địa phương; hội nghị kết nối giao thương giữa DN An Giang và các tỉnh, thành phố; tiểu cảnh phục vụ du khách tham quan, check-in.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết: “Địa phương sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị tham gia thiết kế, trang trí gian hàng ấn tượng, thu hút khách đến tham quan và mua sắm. Hỗ trợ Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh tuyên truyền, vận động DN, cơ sở SXKD trên địa bàn tham gia trưng bày triển lãm sản phẩm có độ phủ trên thị trường tại gian triển lãm chung của tỉnh; đảm bảo chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm tại ngày hội. Bố trí bãi đỗ xe, phân luồng giao thông đảm bảo trật tự giao thông, mạng lưới điện phục vụ ngày hội; chỉnh trang đô thị sạch đẹp; quản lý giá dịch vụ lưu trú, ăn uống, giữ xe…”.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Khai mạc Hội chợ sản phẩm OCOP - Đặc sản vùng miền Tịnh Biên năm 2024
Khai mạc Ngày hội hàng Việt về nông thôn - Sản phẩm OCOP Phú Tân
Nhiệm vụ cao cả của Đội K93
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới
Phê chuẩn ông Ngô Công Thức giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Lang thang núi Dài Năm Giếng
Châu Đốc khai thác tiềm năng, vươn mình phát triển
Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội