“Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên…”
20/04/2025 15:00
Đó là câu tri ân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong tấm bia ở công viên văn hóa mang tên ông (xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), đồng thời khẳng định: ““Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý ngàn đời của ông cha ta”. Sự tri ân tiền nhân mở cõi không chỉ gói gọn trong một giai đoạn lịch sử, một cá nhân riêng biệt nào, mà trải dài hàng trăm năm hình thành vùng đất thân thương mang tên “An Giang”.
Kênh Vĩnh Tế
Tên gọi của lịch sử
Dòng chảy gần 200 năm thành lập tỉnh An Giang bắt đầu từ sự kiện: Tháng 10 năm Minh Mạng thứ 13 (tháng 11/1832 dương lịch), vua Minh Mạng hoàn thành công cuộc cải cách hành chính lớn nhất triều Nguyễn, chia ngũ trấn thành lục tỉnh. Riêng trấn Vĩnh Thanh chia làm 2 tỉnh (Vĩnh Long, An Giang), cả thảy có 6 tỉnh. Xét thấy Vĩnh Long đất rộng, dân giàu hơn cả mọi hạt, nên vua cho tách lấy huyện Vĩnh An và Vĩnh Định của tỉnh này gộp với đất Châu Đốc, lập làm tỉnh mới là An Giang. “Ở mé Đông sông Hậu Giang đặt huyện Đông Xuyên, lấy những thôn ấp mới lập đặt làm 1 tổng, lại lấy 2 tổng thuộc huyện Định Vĩnh cho lệ thuộc vào. Ở mé Tây sông Hậu Giang đặt huyện Tây Xuyên, trích lấy 4 tổng huyện Vĩnh An cho lệ thuộc vào. Lấy huyện Đông Xuyên, Tây Xuyên đặt làm phủ Tuy Biên; 2 huyện Vĩnh An, Vĩnh Định đặt làm phủ Tân Thành”.
Như vậy, theo tư liệu lịch sử, thời điểm này, việc đặt tên huyện đã căn cứ theo hướng, tạo nên “bản đồ hành chính”, vị trí địa lý của từng địa phương trong chính cái tên ấy. Điều này cũng rất phù hợp theo phong tục, tập quán gọi tên của người dân Nam Bộ: Càng rõ ràng, dễ định hướng càng tốt. Địa danh “Bắc Vàm Nao”, “Nam Vàm Nao”… ra đời cũng từ yếu tố văn hóa này.
Trong gần 200 năm “có tên” đến nay, tỉnh An Giang trải qua nhiều lần thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tùy theo từng giai đoạn, thời kỳ mà ta có sự phân chia địa giới hành chính, hoặc theo chính quyền của địch, hoặc theo đặc điểm, điều kiện đặc thù cụ thể của từng địa phương, phù hợp điều kiện chiến đấu. Cũng trong quá trình 2 thế kỷ này, nhiều cái tên đã trở thành lịch sử, gắn bó máu thịt với cư dân.
Lịch sử ghi nhận, từ sau năm 1757, làn sóng di dân hợp pháp vào vùng đất mới diễn ra mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, vùng Châu Đốc, Tân Châu, dân cư còn rất thưa thớt, nên vua Gia Long gọi là Châu Đốc tân cương. Sau khi hoàn thành đào kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế, Nguyễn Văn Thoại mộ dân, lập làng Thoại Sơn ở bờ kinh Thoại Hà, cạnh Núi Sập năm 1822; lập 5 làng cặp bờ kinh Vĩnh Tế (Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế, Vĩnh Lạc, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều), hình thành phủ Tịnh Biên vào giữa thế kỷ XIX. Thoại Ngọc Hầu chiêu mộ lưu dân đến khẩn hoang lập ấp hai bên bờ kinh Vĩnh Tế, đến năm 1827 được 20 xã, thôn như: Vĩnh Tế, Vĩnh Nguơn, An Nông, Vĩnh Thông, Vĩnh Lạc (Lạc Quới), Vĩnh Bảo (Vĩnh Gia), Vĩnh Ðiều… Những địa danh này chưa từng mai một, vẫn luôn được nhắc đến trong lịch sử bảo vệ và xây dựng quê hương; trong nhịp sống, lưu thông của cư dân; trong quản lý đơn vị hành chính của Nhà nước các cấp.
Theo các nhà khoa học, việc phân chia, thành lập, gọi tên đơn vị hành chính là hoàn toàn khách quan, khoa học, phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính Nhà nước của một quốc gia. Lịch sử hành chính An Giang 193 năm bắt đầu từ cuộc cải cách hành chính của Minh Mạng năm 1832, khi thành lập 12 tỉnh từ các dinh trấn ở miền Nam. Pháp có kinh nghiệm trong việc quản lý hành chính Nhà nước, xác lập đơn vị hành chính ở miền Nam, ở An Giang, phục vụ cho việc cai trị, đồng thời cũng là một nội dung khoa học trong quản lý hành chính Nhà nước. Chính quyền cách mạng thành lập khu, tỉnh là phù hợp với điều kiện kháng chiến chống ngoại xâm, với sự vận dụng địa bàn, địa hình tối ưu để kháng chiến sao cho có lợi nhất. Đất nước thống nhất, Trung ương lần lượt có những chủ trương, quyết định sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, dân cư, đô thị hóa nói chung, trong đó có tỉnh An Giang nói riêng.
Yêu cầu của thời đại
Một lần nữa, quá trình phát triển đất nước đặt ra yêu cầu sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp. Có như thế mới tạo thêm tiềm lực mạnh mẽ cho từng địa phương, từng vùng miền, làm nền tảng vững chắc bước vào kỷ nguyên vươn mình, sau 50 năm hòa bình. Chủ trương này cũng kỳ vọng tạo đột phá phát triển, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước, theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Song song với quá trình tổ chức sáp nhập, là những tính toán về tên gọi đơn vị hành chính mới. Theo đề án của tỉnh An Giang, hầu như tên gọi của cấp huyện hiện tại đều được tiếp tục sử dụng, nối dài truyền thống địa danh cho tương lai. Đơn vị hành chính của TP. Long Xuyên được dự kiến giữ nguyên tên gọi cho một phường trung tâm, thành phường Long Xuyên. Tương tự, là phường Châu Đốc, phường Tịnh Biên, xã An Phú, xã Thoại Sơn… Những tên gọi ấy vừa giữ lại sự thân thuộc của đơn vị hành chính cũ, vừa giúp hạn chế xáo trộn về mặt phương hướng, vị trí địa lý của đơn vị hành chính mới. Người dân sẽ dễ dàng định hình được những “Long Xuyên”, “Châu Đốc”, “Tân Châu”… mới nằm ở khu vực nào.
Bên cạnh đó, truyền thống đặt tên theo phương hướng từ thời các vị vua triều Nguyễn khi thành lập tỉnh An Giang cũng được thế hệ hôm nay lưu ý, nghiên cứu áp dụng. Ngoài tên gọi của địa phương cấp huyện (cũ) đặt tại trung tâm, việc gắn thêm phương hướng “Đông”, “Tây”, “Trung”, “Bắc”, “Nam” cho các xã, phường lân cận, cũng nhằm mục đích xác định phương hướng, dễ nhớ, dễ lưu thông.

Một góc cù lao Giêng
Một số địa danh được giữ nguyên, tôn trọng truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời nơi đây. Có thể dẫn chứng đến “đệ nhất cù lao” - cù lao Giêng (Diên, Riêng, Gieng, Ven, Đầu Nước…), nay là 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới). Theo nghiên cứu của ThS Bùi Thị Bích Ngọc, TS Hồ Thị Liên Hương (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), đây là một trong những cù lao thuộc vùng đất Tầm Phong Long được khai phá sớm từ cuối thế kỷ XVIII. Nơi đây còn lưu dấu vết buổi đầu khai hoang, lập ấp của các gia đình, dòng họ Nguyễn, Ung, Chế, Trà, Kha… Trong đó, có cụ Ung Văn Khiêm (nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Chính vì các yếu tố đặc thù của lịch sử, tên gọi cù lao Giêng được giữ lại, đặt cho xã mới sau sắp xếp, đồng thời nhấn mạnh đến tầm nhìn phát triển du lịch, sinh thái, nông nghiệp… trong giai đoạn mới, tiếp nối những thành quả đã đạt được trước đó.
Hay như tên gọi phường Vĩnh Tế, dự kiến thành lập từ phường Núi Sam, xã Vĩnh Tế và phần diện tích của xã Vĩnh Châu. Phường mới sẽ rộng hơn 64km2, dân số 40.222 người. Tên gọi này gợi nhớ thời nhà Nguyễn cho đào kênh. Với vị trí chiến lược là “phên giậu” của mình, vùng đất An Giang đã có 3 công trình kênh đào nổi tiếng còn lưu danh đến ngày nay. Đó là: kênh Thoại Hà (1818), kênh Vĩnh Tế (1819 - 1824), kênh Vĩnh An (1843 - 1844). Tên gọi ấy cũng thể hiện sự tri ân đối với người có công đầu trong việc đào kênh - danh thần Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại.

Lấy ý kiến Nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính mới
Quá trình đặt tên đơn vị hành chính mới không hề đơn giản, cần sự cẩn trọng, phân tích, xem xét từ nhiều khía cạnh lịch sử, văn hóa… Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách tổng quan, thì việc đặt tên phụ thuộc vào con người - “đất nhờ người có tên”. Dẫu mang tên gì, thì vùng đất ấy cũng là quê hương, là xứ sở ruột thịt của mỗi người dân An Giang. Sau khi sắp xếp, bắt tay vào xây dựng địa phương mới, “người nhờ đất để sống”, từ mảnh đất trù phú rộng lớn mà xây dựng thêm thành tựu vượt bậc cho hôm nay lẫn mai sau!
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Thường trực Thành ủy Long Xuyên kiểm tra tình hình lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính
Gần 200 học sinh giao lưu chuyên đề “Làm bạn cùng sách”
Khởi công xây dựng 3 phòng học cho đồng bào Khmer tại TX. Tịnh Biên
Lấy ý kiến cử tri TP. Châu Đốc về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh
Châu Phú triển khai kế hoạch lấy ý kiến cử tri đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tiếp xúc cử tri phường Long Châu
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành thăm, động viên Công an xã Bình Hòa
Công an tỉnh An Giang khai mạc triển lãm sách
An Giang đẩy mạnh hợp tác chuyển đổi số
Nông sản An Giang chinh phục thị trường thế giới