Ngày hội ở biên cương
01/03/2024 09:41
Chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” kết thúc, cũng là thời điểm Ngày hội Biên phòng toàn dân được tổ chức tiếp nối (từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3). Không khí Xuân mới ngập tràn khắp nơi, lại được góp thêm tình cảm nồng thắm giữa những người lính quân hàm xanh với Nhân dân khu vực biên giới.
Niềm vui ngày hội
Mới hôm rồi, 4 người trong gia đình bà Nguyễn Thị Quới (ngụ ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) còn “ăn Tết” trong căn nhà gỗ mục nát lỗ chỗ. Chỉ sau mấy hôm, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) và chính quyền địa phương đã cất nhà cũ thành nhà mới chắc chắn, rộng rãi.
“Tôi là em dâu của liệt sĩ Trần Văn Mi, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Vợ chồng, con cái đều sống cố cựu ở vùng biên giới, bám quê mà sinh sống. Không có đất sản xuất, cả nhà chỉ có nghề làm thuê, thu nhập bấp bênh, chúng tôi vẫn chưa thể cất sửa lại căn nhà cũ xuống cấp, chịu cảnh tạm bợ mấy chục năm nay” - bà Quới chia sẻ. Được xét tặng “Mái ấm biên cương” (trị giá 50 triệu đồng, từ nguồn hỗ trợ của BĐBP tỉnh và UBMTTQVN tỉnh), bà cụ 78 tuổi nở nụ cười móm mém suốt ngày. Bà dí dỏm: “Có nhà mới, tự nhiên tôi thấy khỏe hẳn ra. Không còn mong ước gì nữa, mừng lắm rồi!”.
Biên giới tỉnh An Giang có chiều dài gần 100km, là địa bàn trọng yếu phía Tây Nam của Tổ quốc, có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo sinh sống. Ngày 3/3 hàng năm, Ngày hội Biên phòng toàn dân được tổ chức rộng khắp, sôi nổi trên toàn tuyến biên giới, nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Ngoài việc hỗ trợ hàng chục căn nhà cho người khó khăn về nhà ở; tặng quà chia sẻ chút tấm lòng đến gia đình chính sách, hộ nghèo; tiếp sức cho học sinh nghèo vượt khó… chương trình còn mang đến nhiều hoạt động sôi nổi ở 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới, nhằm chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống BĐBP (3/3/1959 - 3/3/2024), 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2024).
Không chỉ có hoạt động cấp tỉnh, mà từng đồn biên phòng còn phối hợp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thuộc khu vực biên giới (TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, TX. Tịnh Biên, huyện An Phú, Tri Tôn) tổ chức phần hội và phần lễ với nhiều nội dung sôi nổi, phong phú. Đoàn viên, thanh niên địa phương cùng tham gia thi đấu bóng đá, bóng chuyền, kéo co, trò chơi dân gian, hát Karaoke, vệ sinh môi trường… Người dân đến xem triển lãm ảnh, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim, dùng “bữa cơm đoàn kết, ấm tình quân dân”…
Đổi thay nhận thức vùng biên
Sự đổi thay ấy được nhận thấy rõ nét sau thời gian dài cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chung tay xây dựng nền biên phòng toàn dân. Phó Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng ban Chỉ đạo Ngày Biên phòng toàn dân TX. Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng nhận định: “Các đơn vị, địa phương phối hợp tuần tra; duy trì hiệu quả chốt quản lý, bảo vệ biên giới, phòng chống xuất, nhập cảnh trái phép; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, quy định của pháp luật liên quan… Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong Nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác quan trọng này”.
“Chúng tôi xác định, việc xây dựng đời sống văn hóa cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mang tính ổn định và nhân văn sâu sắc. Sau nhiều nỗ lực phối hợp với BĐBP, sở, ngành, địa phương, hiện tuyến biên giới An Giang có 3 xã được công nhận nông thôn mới, 5 xã văn hóa, 73 khóm, ấp văn hóa. Văn phòng khóm, ấp được xây dựng khang trang, có tủ sách pháp luật, các loại báo. Trên 21 sân bãi, 41 câu lạc bộ đờn ca tài tử, thể thao… phát triển bền vững. Nhờ vậy, phần nào đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở khu vực biên giới” - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đào Sĩ Tuấn chia sẻ.
Hướng vào tạo sinh kế, chăm lo cho phụ nữ, trẻ em vùng biên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp thực hiện nhiều chương trình dài hơi, mang tên “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang Nguyễn Thị Quyến cho biết: “Các hoạt động đạt nhiều kết quả thiết thực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, giúp hội viên, phụ nữ nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành tốt quy chế biên giới và giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp. Thông qua nhiều mô hình, hàng trăm tin có giá trị liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, buôn lậu, tội phạm hình sự… được các chị em cung cấp”.
Theo UBND tỉnh An Giang, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, những năm qua, các cấp, ngành đã triển khai linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả hoạt động xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Mối quan hệ đoàn kết quân - dân, đoàn kết tuyến trước - tuyến sau ngày càng gắn bó; nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tuyến sau với việc tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới được nâng cao. Tất cả hướng đến mục tiêu giảm bớt khó khăn về vật chất, tinh thần cho quân - dân biên giới, kịp thời động viên, khích lệ đồng bào và cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới yên tâm, gắn bó thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ gìn biên cương Tổ quốc.
Giữ vững vai trò đội quân chuyên trách
Giai đoạn 5 năm (2019 - 2024), cấp ủy Đảng, chính quyền toàn tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả 5 nội dung Ngày Biên phòng toàn dân. Các ban ngành, đoàn thể, lực lượng BĐBP, Quân sự, Công an làm tốt vai trò tham mưu công tác xây dựng và bảo vệ biên giới, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành và Nhân dân; củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, an tâm lao động sản xuất, gắn bó với biên giới, xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc và phát triển.
Trong đó, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ rất quan trọng, rất vẻ vang, nhưng cũng rất nặng nề. Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP luôn là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ không quản ngại hy sinh, gian khổ, hiểm nguy, bám địa bàn, gắn bó máu thịt với Nhân dân, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
“BĐBP tỉnh thực sự là một “Đội quân chiến đấu”, “Đội quân công tác”, “Đội quân dân vận”. Các đồng chí đã có nhiều mô hình, cách làm mới sáng tạo, như: “Mái ấm biên cương”, “Nâng bước em tới trường”, “Hũ gạo tình thương”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”... Mọi công việc của Nhân dân, đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới đều có sự giúp đỡ của BĐBP.
Từ các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ đến những người già neo đơn, gia đình nghèo, học sinh khó khăn đều có sự quan tâm, chăm lo của cán bộ, chiến sĩ biên phòng trong tỉnh. Đã có hàng trăm em học sinh được nhận đỡ đầu, vượt qua khó khăn vươn lên trong học tập, hàng ngàn hộ gia đình có được mái ấm bình yên nơi biên giới… Những công việc đời thường của các đồng chí đã khắc sâu câu nói thân thuộc: Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Ngày Biên phòng toàn dân tỉnh An Giang Lê Văn Phước biểu dương.
Phát huy truyền thống, chiến công đã đạt được, BĐBP tỉnh tiếp tục thực hiện tốt vai trò là lực lượng chủ trì, nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; xây dựng môi trường hòa bình, ổn định để Nhân dân yên tâm sản xuất, gắn bó với quê hương. Thực hiện tốt phương châm “Vì Nhân dân quên mình, vì Nhân dân phục vụ”, dựa vào Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân; bám sát địa bàn, nắm vững phong tục, tập quán đồng bào các dân tộc và có nhiều đổi mới, sáng tạo, đột phá trên mọi lĩnh vực công tác…
“Toàn lực lượng BĐBP tiếp tục thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, các điều ước quốc tế, hiệp định, hiệp nghị đã ký kết với Vương quốc Campuchia; tích cực tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong phân giới cắm mốc; phát triển các mô hình tự quản của Nhân dân ở biên giới theo hướng thiết thực, hiệu quả, chiều sâu, tránh hình thức... Phát huy sức mạnh tổng hợp, giúp khu vực biên giới ổn định, lưu thông thuận tiện, xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng cao... là điều kiện để phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới” - thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng BĐBP nhấn mạnh.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Vừa nuôi gà, vừa mua bán và sử dụng ma túy
Tiếp nhận lực lượng, phương tiện, vũ khí trang bị tăng cường thực hiện nhiệm vụ trên sông Tiền
“Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số - Thống nhất trong đa dạng”
Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt giữ phương tiện vận chuyển 115kg pháo nổ
Thời tiết ngày 11/11: Trung Trung Bộ mưa to, bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Khởi công xây dựng cầu Trà Giang (xã Vọng Thê)
Tập huấn chuyển đổi số, phòng tránh lừa đảo trực tuyến
Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang thảo luận nhiều nội dung tại tổ
Sở Giáo dục và Đào tạo phát động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11)
Diễn tập phòng thủ dân sự xã Vĩnh Lộc