Ngành công thương An Giang đóng góp phát triển kinh tế

08/01/2024 13:41

Năm 2023, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, lạm phát cao, nhu cầu tiêu dùng suy giảm, chuỗi cung ứng hàng hóa chiến lược bị đứt gãy… Vượt qua bối cảnh khắc nghiệt, kinh tế của tỉnh vẫn đạt nhiều thành quả ấn tượng. Trong đó, có sự đóng góp tích cực của ngành công thương, khi các chỉ tiêu phát triển ngành tăng trưởng khá.

Công nghiệp khởi sắc

Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết, trong lĩnh vực công nghiệp, đơn vị tiếp tục bám sát tình hình, tập trung rà soát, triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) tổ chức lại sản xuất, tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, chương trình khuyến công… Từ đó, hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có nhiều khởi sắc. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp năm 2023 tăng 11% so cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh cơ bản ổn định. DN, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên lĩnh vực công nghiệp chế biến, cụm công nghiệp, năng lượng, khuyến công… nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Nhờ vậy, sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì tăng trưởng so cùng kỳ.

Sở Công Thương An Giang thường xuyên thông tin chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh và Trung ương; tổ chức cho DN tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối với DN công nghiệp hỗ trợ đầu cuối tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội… Hỗ trợ 3,5 tỷ đồng cho 18 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ DN tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.

Chương trình khuyến công được tích cực triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới thiết bị công nghệ. Tỉnh hỗ trợ 13 đề án khuyến công địa phương, tổng kinh phí 3,3 tỷ đồng. Ngoài ra, triển khai 1 đề án khuyến công quốc gia (300 triệu đồng). An Giang có 2 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia: Xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo (Công ty TNHH MTV Vườn Bà Ba, huyện Châu Phú); bộ sản phẩm đường thốt nốt (Công ty Cổ phần Palmania, huyện Tri Tôn).

 

Hợp tác, xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển kinh tế

 

Đơn vị tích cực, chủ động phối hợp sở, ngành, địa phương và nhà đầu tư hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ thành lập cụm công nghiệp Hòa An (huyện Chợ Mới) và cụm công nghiệp Mỹ Phú (huyện Châu Phú). Dự kiến đầu năm 2024, đơn vị tham mưu UBND tỉnh thành lập cụm công nghiệp, tạo cơ sở cho nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tổng kinh phí trên 2.500 tỷ đồng.

Tiếp xúc và làm việc với các DN để mời gọi đầu tư, như: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam, Công ty Cổ phần Hàng không AIR Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Thuận (TP. Hồ Chí Minh), Tập đoàn Thành Thành Công (tỉnh Tây Ninh); tham gia Hội chợ Việt Nam Expo tổ chức tại TP. Hà Nội để giới thiệu, mời gọi DN trong và ngoài nước.

Xuất khẩu tăng

Ông Nguyễn Minh Hùng cho biết: “Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh đạt 1,372 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,172 tỷ USD, tăng 1,2% so cùng kỳ, tăng 0,2% so kịch bản tăng trưởng của tỉnh (1,170 tỷ USD). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 7,6% (xuất khẩu đăng ký tại An Giang trên 553 triệu USD, tăng 9,7%). Tình hình xuất khẩu hàng hóa chủ lực của tỉnh duy trì ổn định, một số ngành hàng đạt tăng trưởng tốt (gạo, rau quả…).

Hoạt động xuất khẩu bắt đầu khởi sắc do được hỗ trợ bởi các yếu tố: Lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu… tồn kho tại các nước đang giảm dần; nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao vào dịp lễ hội... Cùng với đó, nhiều nước gia tăng nhập khẩu gạo; hoạt động xuất khẩu cá tra đang có xu hướng hồi phục dần ở thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh và Hoa Kỳ…

Đây chính là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung, DN chủ lực của tỉnh An Giang đẩy mạnh xuất khẩu. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan. DN phát huy tính chủ động, sáng tạo, điều chỉnh chiến lược xuất khẩu, tìm kiếm cơ hội ở thị trường mới; nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác lợi thế từ các hiệp định.

Thương mại nội địa ổn định

Sở Công Thương An Giang đã thực hiện tốt các giải pháp kích cầu, thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại - dịch vụ, phối hợp triển khai nhiều hoạt động, chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng hiệu quả. Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 85.457 tỷ đồng, tăng 17,8%.

Trong đó, bán lẻ đạt 58.257 tỷ đồng, tăng 16,2%; doanh thu dịch vụ đạt 27.200 tỷ đồng, tăng 19,9%. Hoạt động kinh doanh tiếp tục được duy trì ổn định về giá cả; sức mua trên thị trường phục hồi tốt so cùng kỳ. Hàng hóa thiết yếu đảm bảo cung ứng cho người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm, gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được triển khai hiệu quả, với 100 chuyến hàng Việt, doanh số đạt trên 760 triệu đồng, thu hút trên 98.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Hoạt động thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được triển khai mạnh mẽ. DN được hỗ trợ mở gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử (sanphamangiang.com) trên 1.701 sản phẩm; 12 DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh xây dựng website, giải pháp bán hàng thông minh và truy xuất nguồn gốc... góp phần tiêu thụ sản phẩm, nông sản của tỉnh.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới