Làng nghề truyền thống trước ngưỡng cửa đổi mới
26/12/2024 11:56
Bên dòng sông Hậu êm đềm, làng nghề sản xuất dây keo tại xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) là một minh chứng sống cho sự cần cù và sáng tạo của người dân An Giang. Gần 2 thập kỷ qua, nghề làm dây keo đã gắn bó mật thiết với đời sống của hàng trăm hộ dân nơi đây, mang lại nguồn thu nhập ổn định và giữ một nền văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, để tiếp tục tồn tại và phát triển, làng nghề cần có những thay đổi mang tính đột phá.
Bà Nguyễn Thị Kim Sáng (chủ một cơ sở sản xuất lâu năm) chia sẻ câu chuyện về hành trình khởi nghiệp. Trước năm 2003, việc mua dây từ TP. Hồ Chí Minh rất khó khăn vì nguồn cung cấp hạn chế. “Lúc trước, tôi chỉ mua dây về bán kiếm lời. Sau một thời gian, chồng tôi (ông Nguyễn Văn Lập) quyết định mở xưởng sản xuất tại địa phương” - bà Sáng kể. Gia đình phải xin phép chính quyền gắn điện 3 pha và nhận được sự hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và được miễn thuế 3 năm đầu. Đây là tiền đề để thành lập cơ sở sản xuất dây keo đầu tiên tại xã Mỹ Hội Đông.
Những ngày khởi nghiệp là khoảng thời gian đầy khó khăn và thử thách. “Khi bắt đầu, chúng tôi gặp nhiều trở ngại. Việc tìm kiếm khách hàng không dễ dàng, nguyên liệu đầu vào cũng thiếu thốn. Ông Lập phải tự chế tạo máy quay bằng động cơ, vì thời điểm đó chỉ có quay bằng tay, chưa có máy móc phù hợp để sản xuất. Ban đầu, mọi người không tin vào ý tưởng này, nhưng ông quyết tâm làm đến cùng. Vừa làm vừa sợ không thành công. Nhưng cuối cùng, mọi nỗ lực đã được đền đáp” - bà Sáng bộc bạch.
Ông Lê Văn Sái cần mẫn tại đường đậu dây keo
Từ thành công ban đầu, nghề sản xuất dây keo nhanh chóng lan rộng khắp Mỹ Hội Đông. Đến nay, làng nghề có 348 hộ sản xuất, tạo việc làm cho 848 lao động. Trung bình, mỗi hộ gia đình sản xuất từ 200 - 300kg dây mỗi ngày, mang lại thu nhập từ 250.000 - 350.000 đồng. Lao động tại các cơ sở, xưởng lớn hơn ổn định với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, những năm gần đây, làng nghề phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thị trường tiêu thụ chững lại, nhiều cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng. Ông Nguyễn Bảo Tâm (chủ cơ sở sản xuất đồng thời là đại diện làng nghề) chia sẻ: “Đơn hàng ít, lợi nhuận giảm, khiến chúng tôi gặp nhiều áp lực để duy trì sản xuất”.
Dẫu vậy, nghề dây keo vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế và văn hóa địa phương. Ông Lê Văn Sái (lao động gắn bó với nghề từ năm 9 tuổi) chia sẻ: “Nghề này vất vả, nhưng là nguồn sống chính của gia đình tôi. Nhờ nó, các con tôi được ăn học tử tế”. Đối với những người trẻ như chị Nguyễn Thị Kim Hai, nghề này lại mang lại sự ổn định cần thiết. “Tôi làm dây keo vì có thể làm gần nhà, tiện chăm sóc gia đình. Thu nhập tuy không cao, nhưng cũng đủ để lo cho cuộc sống” - chị Hai nói.
Ngoài ra, vấn đề vốn và công nghệ cũng là bài toán nan giải. Phần lớn các cơ sở sản xuất vẫn hoạt động theo mô hình gia đình nhỏ lẻ, chưa có đủ nguồn lực để đầu tư máy móc hiện đại. Việc sản xuất trong khu dân cư cũng gây áp lực lớn lên môi trường. Theo ông Phạm Chí Cường (cán bộ Giao thông thủy lợi - cộng tác viên khuyến công) cho biết: “Việc sản xuất trong khu dân cư gây áp lực lớn lên môi trường. Hệ thống xử lý nước thải và chất rắn chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến ô nhiễm nhẹ nguồn nước mặt. Để giải quyết, chính quyền địa phương đã quy hoạch mới khu vực sản xuất tập trung rộng 6ha tại 2 ấp Mỹ Tân và Mỹ Hòa B, đồng thời hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu bảo vệ môi trường”.
Thành phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Campuchia
Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương tập trung vào các giải pháp cải tiến công nghệ và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho làng nghề. Nhiều dự án, như: Cung cấp biến tầng (điện), máy kéo sợi và máy gia công chỉ nhựa đã được hỗ trợ, với tổng kinh phí lên tới 920 triệu đồng. Lớp huấn luyện nâng cao kỹ năng và chương trình cấp nguồn cung cấp mã nguồn cũng được tổ chức, giúp các cơ sở sản xuất dễ dàng tiếp cận thị trường và tăng khả năng cạnh tranh.
Để làng nghề phát triển vững chắc trong tương lai, cần có sự hợp nhất giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng sản xuất sản phẩm, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu là những yếu tố then chốt. Đồng thời, các giải pháp bảo vệ môi trường cũng cần được ưu tiên để đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ hệ sinh thái.
Làng nghề sản xuất dây keo Mỹ Hội Đông vừa là nguồn sống của người dân, vừa là biểu tượng văn hóa đặc sắc của vùng đất An Giang. Từ những ngày đầu gian khó, những người đầu tiên như ông Lập, bà Sáng đã đặt nền tảng vững chắc, giúp nghề sản xuất dây keo trở thành niềm tự hào của địa phương. Với tinh thần bền bỉ và sáng tạo, làng nghề hứa hẹn sẽ vượt qua thử thách để tiếp tục phát triển và vươn xa trong tương lai.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Thành tựu hôm nay, khởi sắc ngày mai
Phát triển văn hóa - văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần Nhân dân
Nhiều hoạt động đón mừng Xuân Ất Tỵ 2025
Chợ Mới bàn giao nhà Mái ấm thanh niên
Nhìn lại năm 2024: Chuyển đổi số Việt Nam vươn tầm bứt phá
Đánh thức tiềm năng du lịch sông nước
Kết quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường năm 2024
Cục Thi hành án dân sự tỉnh quyết tâm, nỗ lực trong năm mới
Niềm vui ở "Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2"
Những chia sẻ về hành trình khởi nghiệp xanh