Lan tỏa những việc làm tử tế

15/04/2025 09:13

Y dược cổ truyền là phương pháp chữa bệnh được khuyến khích để hỗ trợ chữa bệnh song song với Tây y. Ngoài sự phát triển của các phòng chẩn trị y học cổ truyền và phòng khám nhân đạo, còn có sự tham gia thầm lặng của những người trồng, sưu tầm và bào chế thuốc nam. Phong trào này phát triển mạnh mẽ ở huyện cù lao Phú Tân với rất nhiều cách làm, chỉ lấy sức khỏe của người bệnh làm “thước đo” cho niềm vui.

Khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền

 

Ông Nguyễn Văn Là, Phó Chủ tịch Hội Đông y xã Phú Hưng cho biết, để nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh cho người dân, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề do tỉnh tổ chức, tích cực trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp, nghiên cứu sưu tầm những vị thuốc hay, những bài thuốc quý để áp dụng vào việc khám và điều trị bệnh người dân trong và ngoài địa phương.

5 năm qua, hoạt động của Phòng Chẩn trị ấp Hưng Thới 2 đã tổ chức khám bệnh cho 161.500 lượt người, số thuốc bốc ra khoảng 2,4 triệu thang, châm cứu 35.000 lượt bệnh nhân; bào chế dược liệu cao đơn, hoàn tán hơn 18 tấn các loại để cấp cho bệnh nhân uống kèm với thuốc thang, ước tính giá trị quy thành tiền 12 tỷ đồng. Hoạt động của hội góp phần giảm chi phí khám, chữa bệnh cho người dân, cùng với hoạt động khám bệnh bằng Tây y đã phục vụ tốt nhu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân.

Ở xã Phú Thành, ông Nguyễn Văn Tre (73 tuổi) được bà con gọi là ông Ba Tre. 20 năm nay, ông Tre giao lại việc đồng áng cho con, toàn tâm để làm việc từ thiện, việc nào ông cũng làm, cả trong và ngoài địa phương. Riêng chuyện góp nguồn dược liệu cho các nhà thuốc, ông Ba Tre là một trong những người phát động ở huyện Phú Tân, lan tỏa đến các huyện lân cận. Nhiều nhất là trồng hoa dừa cạn, kế đến là các loại thuốc é tía, ké đầu ngựa, cỏ xước, rau bợ, nghệ, sả…

Có những chuyến đi, thành viên hưởng ứng từ 300 - 400 người, vừa làm miễn phí, vừa góp tiền để tự túc ăn uống, phân công các việc cụ thể cho một buổi trồng giống dược liệu hoặc thu hoạch cuối vụ. Thấy việc làm thiết thực của các bác, cô, chú… người dân hưởng ứng theo bằng cách hiến đất, cho mượn đất theo vụ, trồng xen canh trong vườn cây ăn trái để tăng số lượng các loại cây thuốc cần thiết, đáp ứng nhu cầu điều chế dược liệu chữa bệnh. Vừa trồng, vừa đi vận động, mỗi năm, các đoàn thiện nguyện cung cấp trên 100 tấn thảo dược cho các nhà thuốc trong và ngoài tỉnh bào chế dược liệu.

Tại Phòng Chẩn trị y học cổ truyền của Hội Đông y xã Hiệp Xương, mỗi năm đã khám, chữa bệnh miễn phí cho hàng ngàn lượt bệnh nhân. Hiệu quả hoạt động của phòng khám có sự góp sức rất lớn của các thành viên trong tổ chặt và phơi thuốc nam. Đáng quý hơn là cuộc sống của nhiều người dù còn khó khăn, lớn tuổi, nhưng vẫn đến với công việc bằng sự tử tế, nhiệt tình và trách nhiệm. Bà Cao Thị Tuyết (65 tuổi) cho biết rất vui vì các con ủng hộ bà đi làm từ thiện. Hàng ngày, bà phụ việc lo cơm nước cho cả tổ, rồi chặt thuốc… thấy tinh thần an lạc khi nghĩ về lớp trẻ lo đóng góp phát triển kinh tế, thì người già cũng có cách làm lợi theo cách riêng của mình dành cho cộng đồng.

 

Thu hoạch và sơ chế dược liệu

 

Giữa cái nắng chói chang của buổi trưa, ông Nguyễn Văn Chói (xã Bình Thạnh Đông) vẫn vui vẻ, tích cực với việc phơi thuốc nam. Tuổi đã ngoài 70, nhưng 2 năm nay, ông theo những người “bạn già” làm việc thiện. Góp một chút việc nhỏ cho xã hội, ông nhận về niềm vui, không còn suy nghĩ trăn trở bất kỳ việc gì khác. “Ở nhà loay hoay là hết ngày, tôi thấy thời gian trôi qua vô ích. Đến đây tiếp sức với mọi người cùng làm, cùng động viên tinh thần với nhau để sống vui, sống khỏe. Vài tuần, nửa tháng nghe có cô bác hốt thuốc về uống khỏi bệnh mà trong lòng mừng khó tả” - ông Chói chia sẻ.

Tận mắt chứng kiến một ngày làm việc vất vả của các cô, chú, chúng tôi thêm trân quý tấm lòng, tình cảm của họ. Việc chặt và phơi thuốc nam được lập thành 1 tổ, đảm bảo mỗi người một việc, vận hành nhịp nhàng để sơ chế nguồn dược liệu ban đầu. Đa phần thành viên là nông dân, có người làm thuê, mướn… thời gian rảnh, sắp xếp công việc gia đình ổn thỏa đến đây làm trên tinh thần tự nguyện. Phong trào trồng và sử dụng thuốc nam ngày càng phổ biến trong cộng đồng, không chỉ góp phần điều trị cho bệnh nhân và các cơ sở khám, chữa bệnh theo y học cổ truyền, mà còn bảo tồn nguồn dược liệu cần thiết trước tình trạng khan hiếm trong tự nhiên.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới