Lần sửa Hiến pháp đặc biệt
09/05/2025 13:09
Ngay ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV “bắt tay” vào việc nghe tờ trình, thảo luận tại tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Đây là lần thứ 6, Hiến pháp của đất nước được sửa đổi, mang tính chất đặc biệt, phục vụ cho kỷ nguyên vươn mình.
Hiến pháp là đạo luật gốc, rất quan trọng của mỗi quốc gia, là văn bản pháp luật cao nhất điều chỉnh các quan hệ chủ đạo, có tính nguyên tắc và nền tảng nhất của đời sống xã hội, với quy trình làm và sửa đổi rất chặt chẽ. Tuy nhiên, Hiến pháp không phải là bất biến, mà cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, lợi ích Nhân dân. Kể từ khi thành lập nước, Việt Nam đã có 5 lần sửa đổi Hiến pháp.
Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước. Hiến pháp năm 1959 đánh dấu bước phát triển mới của Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn miền Bắc xây dựng CNXH. Hiến pháp 1980 đánh dấu bước phát triển mới trong việc xây dựng CNXH khi đất nước hoàn toàn độc lập. Hiến pháp năm 1992 được gọi là Hiến pháp trong thời kỳ đầu của tiến trình đổi mới, thể hiện bước phát triển mới của Nhà nước giai đoạn này. Hiến pháp năm 2013 phản ánh sự tiếp tục phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Năm 2025, Hiến pháp tiếp tục được sửa đổi, nhưng mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013, với định hướng trọng tâm vào 2 nhóm nội dung. Cụ thể: Các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá toàn diện quá trình hơn 11 năm thi hành Hiến pháp 2013, Luật MTTQ Việt Nam 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Đồng thời chỉ rõ kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; từ đó đưa ra kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp trong bối cảnh xây dựng nền quản trị quốc gia, địa phương hiện đại, ứng dụng công nghệ số, hội nhập quốc tế. Mục tiêu là tinh gọn, tập trung đầu mối, giảm bớt tầng nấc trung gian, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, tập hợp quần chúng, giảm chồng chéo. Việc đổi mới phải đi đôi với nâng cao chất lượng cán bộ, ứng dụng công nghệ, chống lãng phí. Việc sửa đổi cũng nhằm quán triệt tinh thần các nghị quyết của Đảng về đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 9 theo hướng quy định bao quát, toàn diện hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên theo mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp. Đồng thời khẳng định, MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Điều 9 dự kiến được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định khái quát các tổ chức chính trị - xã hội (công đoàn, hội nông dân, đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, hội cựu chiến binh) trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam, nhưng vẫn giữ tính độc lập tương đối.
Dự kiến sửa đổi, bổ sung Điều 10 để bảo đảm kế thừa vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn, thống nhất với Điều 9 sau sửa đổi, bổ sung, quy định về vai trò đại diện người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quốc tế. Sửa đổi, bổ sung Điều 84 theo hướng không tiếp tục quy định các cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của MTTQ có quyền trình dự án luật, pháp lệnh.
Với chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 110 theo hướng: Không quy định chi tiết hệ thống đơn vị hành chính với tên của từng loại đơn vị theo 3 cấp, mà chỉ quy định khái quát 2 cấp (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ quy định cụ thể các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh (xã, phường, đặc khu), để đáp ứng yêu cầu thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung mang tính kỹ thuật tại Điều 111, 112, 114, 115 theo hướng không sử dụng thuật ngữ "cấp chính quyền địa phương" để thể hiện tính thống nhất mô hình (gồm HĐND và UBND), tránh nhầm lẫn, chỉnh lý quy định phù hợp mô hình tổ chức mới. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan Nhà nước ở Trung ương với địa phương, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"…
Thời gian cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp phải bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2025 để có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Dự kiến, sẽ dành khoảng 1 tháng (từ ngày 6/5 đến hết ngày 5/6) để lấy ý kiến Nhân dân về các nội dung sửa đổi, thông qua nhiều hình thức, đảm bảo quá trình sửa đổi văn bản pháp lý tối cao của Việt Nam tuân thủ quy định pháp luật chặt chẽ, mang tính pháp lý và sự đồng thuận cao. Để từ đó, làm cơ sở tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo trong hành trình “đổi mới của đổi mới”, “bứt phá của bứt phá”, đánh dấu bước chuyển mình lớn lao của đất nước.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Gạo An Giang”
An Giang thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội
Những điểm mới cần lưu ý trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10
“Ngăn cung, giảm cầu” về ma túy
Chuyển đổi số trong giáo dục
An Giang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Hành trình “5 tốt” của sinh viên Đại học An Giang
Độc đáo “chợ di động”
Quỹ Tiếp sức tài năng An Giang với hành trình biến ước mơ thành hiện thực
An Giang tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe