Khai thác tiềm năng hợp tác giữa An Giang và Ấn Độ

17/02/2023 16:49

Ấn Độ là một thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa lớn, đạt nhiều thành tựu về khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Với sự giao thoa về văn hóa truyền thống, An Giang có nhiều tiềm năng hợp tác với Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực, góp phần đánh thức thế mạnh của tỉnh.

 

 

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình (phải) trao đổi với Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi

An Giang chào đón

Theo số liệu từ Liên Hiệp Quốc, đến ngày 13/2/2023, dân số Ấn Độ đạt gần 1,42 tỷ người, chiếm khoảng 17,7% dân số thế giới, chỉ sau Trung Quốc (hiện có 1,45 tỷ người, chiếm khoảng 18,13% dân số thế giới). Với đà tăng dân số hiện nay, các tổ chức quốc tế dự báo Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia có dân số lớn nhất thế giới. Không chỉ có dân số đông, độ tuổi trung bình ở Ấn Độ khá trẻ (29,4 tuổi), được đánh giá là thị trường tiêu thụ hàng hóa hàng đầu thế giới.

Nhận thấy được tiềm năng của đất nước tỷ dân, An Giang đã chủ động xây dựng mối quan hệ với Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, các tham tán Việt Nam tại Ấn Độ để mời gọi doanh nghiệp (DN) Ấn Độ triển khai đầu tư và hợp tác đầu tư tại An Giang. Ngay thời điểm nhân dân trong tỉnh vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh do Tổng Lãnh sự Madan Mohan Sethi dẫn đầu là đoàn khách đầu tiên đến thăm, chúc Tết và chào xã giao Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình. “Theo phong tục của người Việt Nam, người khách đầu tiên đến “xông nhà” có ý nghĩa rất quan trọng, là người sẽ mang lại nhiều may mắn và thuận lợi cho gia chủ trong năm mới” - ông Nguyễn Thanh Bình mở đầu buổi đón tiếp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, giữa Ấn Độ và Việt Nam có sự giao thoa về văn hóa từ lâu đời; đông đảo người Việt đang theo đạo Phật, cùng nguồn gốc Phật giáo với Ấn Độ. Tại An Giang, có nhiều công trình, di tích văn hóa mang đậm dấu ấn văn hóa Ấn Độ, điển hình như Di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê, tượng Bà Chúa Xứ núi Sam… Trong nỗ lực phát triển và hội nhập, An Giang mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội và sẵn sàng đón chào DN Ấn Độ đến đầu tư, hợp tác kinh doanh.

“An Giang nằm vùng hạ lưu sông Mekong và đầu nguồn sông Cửu Long, giáp Vương quốc Campuchia, có thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản và nhiều điều kiện thuận lợi phát triển du lịch (DL), thương mại, công nghiệp chế biến… An Giang hiện có 2 cửa khẩu quốc tế (sắp tới nâng lên 3 cửa khẩu quốc tế), 2 cửa khẩu quốc gia và nhiều cửa khẩu phụ. Khu kinh tế cửa khẩu An Giang được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch là một trong 8 cửa khẩu trọng điểm quốc gia để tập trung đầu tư.

Đối với DL, An Giang có tiềm năng lớn trên 4 trụ cột là DL tâm linh, DL tôn giáo, DL văn hóa lịch sử và DL trải nghiệm nông nghiệp. Thời gian qua, An Giang và Ấn Độ đã có sự quan tâm hợp tác nhưng chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế, cần mở rộng hợp tác sâu hơn, toàn diện hơn”- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đánh giá.

 

 

Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh là đoàn khách đầu tiên đến chúc Tết UBND tỉnh An Giang

Ấn Độ sẵn sàng

Sau khi nhận nhiệm vụ Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, ông Madan Mohan Sethi chọn An Giang là một trong những địa phương đầu tiên đến thăm, làm việc. Điều này cho thấy, Ấn Độ rất coi trọng An Giang với vai trò là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ở ĐBSCL. “Qua làm việc với tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo tỉnh lên kế hoạch sẽ mời 200 DN vùng ĐBSCL tham gia trao đổi, xúc tiến với DN Ấn Độ. Hội nghị xúc tiến này chắc chắn không thể thiếu vai trò dẫn dắt, kết nối của tỉnh An Giang. Chúng tôi mong An Giang và Đồng Tháp sẽ là trung tâm đầu mối liên kết, đưa đoàn DN ĐBSCL đến Ấn Độ trao đổi hợp tác, cũng như đón tiếp, hỗ trợ đoàn DN Ấn Độ đến tìm hiểu đầu tư tại ĐBSCL” - ông Madan Mohan Sethi gợi mở.

Qua trao đổi giữa Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi, có 3 lĩnh vực cần tăng cường hợp tác là văn hóa khảo cổ, giáo dục và xúc tiến đầu tư. Ấn Độ sẽ cử chuyên gia hỗ trợ An Giang trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, khảo cổ của di tích văn hóa Óc Eo, vốn có liên quan đến nền văn minh Ấn Độ.

Ông Madan Mohan Sethi sẽ giới thiệu các trung tâm, viện nghiên cứu khảo cổ, các nhà khảo cổ có uy tín của Ấn Độ hỗ trợ An Giang trong việc hoàn tất các thủ tục hồ sơ bảo vật quốc gia cũng như hồ sơ di sản thế giới gửi UNESCO công nhận về văn hóa Óc Eo. Cam kết này được thể hiện qua buổi lễ ký kết ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo và Lãnh sự quán Ấn Độ.

 

 

 

 

An Giang và Ấn Độ có thể hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

Ấn Độ là nước phát triển về khoa học - kỹ thuật, có điều kiện hỗ trợ An Giang đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung ở các lĩnh vực: Y khoa, DL, công nghệ thông tin và tiếng Anh. Ông Madan Mohan Sethi cam kết sẽ hỗ trợ chi phí đào tạo tại Ấn Độ cho đội ngũ bác sĩ chuyên về điều trị tiểu đường, hồi sức cấp cứu cùng chương trình đào tạo chuyên sâu trên một số lĩnh vực do An Giang cử sang.

Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi trân trọng lời mời của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình về việc sắp xếp tham dự và giới thiệu DN tham gia tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2023 (dự kiến diễn ra tháng 8/2023). Đồng thời, khuyến khích và mời gọi DN Ấn Độ đến hợp tác đầu tư tại tỉnh An Giang, tập trung vào các ngành hàng giày da, dệt may; nghiên cứu sản xuất dược phẩm, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, nghiên cứu con giống và giống cây trồng; khai thác DL tâm linh, văn hóa lịch sử…

Nguồn: baoangiang.com.vn