Huyện An Phú tập trung nhiệm vụ năm 2024
08/01/2024 11:39
Năm 2023, kinh tế - xã hội (KTXH) huyện An Phú (tỉnh An Giang) tiếp tục phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới được giữ vững; công tác xây dựng Đảng được tăng cường. Có 20/20 chỉ tiêu đạt và vượt so kế hoạch (14 chỉ tiêu vượt, 6 chỉ tiêu đạt). Địa phương đứng đầu cụm thi đua các huyện.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Phùng Thế Vinh cho biết, tổng diện tích xuống giống năm 2023 của huyện là 35.453ha, tổng sản lượng lương thực 236.934 tấn, đạt 106% kế hoạch. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 188 triệu đồng/ha/năm. Huyện triển khai 15 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM).
Tập trung khai thác lợi thế biên giới, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (giá so sánh 2010) của huyện đạt 738 tỷ đồng (tăng 12,3% so cùng kỳ 2022). Tổng mức bán lẻ, dịch vụ 6.202 tỷ đồng (tăng 6,9%). Giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới tại các cửa khẩu ước đạt hơn 1,2 tỷ USD...
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm thực hiện thường xuyên, phòng ngừa dịch bệnh khá tốt, nhất là dịch sốt xuất huyết, tay - chân - miệng ở trẻ em. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo từng bước được nâng chất, với 5 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, nâng số trường đạt chuẩn trên địa bàn huyện là 17/59 trường. Việc chăm lo cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo được quan tâm thường xuyên, kịp thời.
Đại tá Lâm Phước Nguyên tặng quà cho học sinh nghèo huyện An Phú
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KTXH năm 2024, Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp đề nghị các ngành, địa phương tích cực chủ động, phối hợp triển khai quyết liệt hơn nữa. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu UBND huyện, phối hợp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, không để người dân “được mùa, mất giá”. Đề nghị lãnh đạo xã Quốc Thái tập trung xây dựng đạt chuẩn NTM, xã Khánh Bình đạt chuẩn NTM nâng cao; các xã còn lại tập trung xây dựng NTM bền vững, nhất là tiêu chí không cần vốn.
Lĩnh vực công nghiệp - thương mại - xây dựng, huyện tập trung sắp xếp lại trật tự lòng đường, vỉa hè, trật tự xây dựng; quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng phát triển thị trấn An Phú thành đô thị loại 4. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tập trung khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh biên giới; xác định rõ trách nhiệm quản lý chợ đảm bảo chợ văn minh thương mại.
Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; nghiên cứu công trình, danh mục bức thiết để ưu tiên đầu tư (phù hợp điều kiện kinh tế). Đối với ngành giáo dục và đào tạo, lưu ý phối hợp tuyên truyền, tư vấn để phụ huynh không để con em bỏ học sau Tết. Ngành y tế chủ động, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
“Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm (2020 – 2025). Việc quan trọng cần làm ngay là chăm lo đón Tết Nguyên đán, giao nhận quân. Đề nghị lãnh đạo UBND xã, thị trấn căn cứ tình hình thực tế, tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân vui Xuân, đón Tết; dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường sá khang trang sạch đẹp. Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu UBND huyện đảm bảo kinh phí chi lương, chế độ chính sách, hoạt động đón Tết Nguyên đán của huyện và các ngành, xã, thị trấn. Đối với giao nhận quân năm 2024, đề nghị Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện phối hợp tổ chức tốt, đạt chất lượng về chỉ tiêu số lượng, chất lượng” - ông Trần Hòa Hợp nhấn mạnh.
Tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện An Phú (khóa VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025), đại tá Lâm Phước Nguyên (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh) đánh giá cao kết quả đạt được của huyện An Phú trong năm 2023. Hướng đến thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024, đồng chí yêu cầu huyện cần tăng cường đoàn kết, đồng lòng; nắm bắt dư luận xã hội, giáo dục chính trị tư tưởng, làm tốt công tác xây dựng Đảng. Phát huy thế mạnh, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh giao thương, phát triển thương mại - dịch vụ, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biên giới.
An Phú cần phát triển du lịch gắn với lễ hội văn hóa truyền thống, tín ngưỡng dân tộc thiểu số Chăm, búng Bình Thiên, làng bè sắc màu... Phát triển đa dạng các loại hình kinh tế, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Các lực lượng tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát biên giới; đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng Campuchia; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, chống hàng gian, hàng giả trước, trong và sau Tết; phối hợp làm tốt công tác tuyển quân năm 2024. Các cấp, ngành, địa phương tập trung nguồn lực chăm lo cho người dân vui Xuân, đón Tết Nguyên đán 2024…
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
An Giang tập huấn, nghiệp vụ chuyên môn công tác mặt trận
Mang theo ma túy, thuốc lắc gặp công an bỏ chạy
Thông xe cầu tạm vào xã Vĩnh Phước
Mời gọi thay sơn mới cho “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc”
Bí thư Thị ủy Tịnh Biên động viên gia đình bị hỏa hoạn
Những bác sĩ vì người nghèo
Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ phát triển
An Giang “trải thảm” mời gọi đầu tư