Hỗ trợ việc làm cho phụ nữ Khmer
14/11/2023 13:44
Trong mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và xây dựng nông thôn mới, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TX. Tịnh Biên đã tích cực kết nối, hỗ trợ việc làm cho phụ nữ Khmer tại địa phương. Công tác này đã đạt được kết quả tích cực, giúp phụ nữ Khmer được học nghề và tiếp cận cơ hội việc làm.
Kết nối việc làm cho phụ nữ Khmer
Những ngày này, cuộc sống đã ổn định hơn đối với Neàng Chanh Tha (xã An Cư, TX. Tịnh Biên), bởi chị tìm được công việc có thu nhập ổn định ở cơ sở may Quang Long. Không riêng Neàng Chanh Tha, mà có rất nhiều chị em trong xã đã có được công việc ổn định nhờ cơ sở may này.
Neàng Chanh Tha chia sẻ: “Tôi đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương gần 10 năm nhưng cuộc sống không thay đổi gì so với trước kia. Với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, mình phải lo đủ thứ chi phí ăn ở, tích cóp lắm mới dư một ít gửi về quê. Cuộc sống công nhân xa nhà vốn chẳng vui vẻ gì, luôn nhớ người thân, nhớ các con. Khi đó, muốn về quê để sum họp gia đình lại không có việc làm ổn định. Dịch bệnh COVID-19 dù đi qua, vẫn để lại những khó khăn cho người làm công nhân, bởi doanh nghiệp đóng cửa, không có đơn hàng. Tôi thay đổi việc làm ở nhiều công ty, cuối cùng phải quay trở về quê hương, tìm đến cơ sở may Quang Long”.
Tại cơ sở này, Neàng Chanh Tha có thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng, nếu đơn hàng nhiều, cơ sở tăng ca sản xuất thì nguồn thu khá hơn. Trao đổi với chúng tôi, người phụ nữ Khmer này không giấu được niềm vui vì đã tìm được công việc ổn định cho bản thân. Nếu so thu nhập thì đồng lương chưa thể bằng với các công ty ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, nhưng Neàng Chanh Tha giảm được rất nhiều chi phí cho cuộc sống nên rất yên tâm.
“Ở quê, mình không thuê nhà, các khoản phí khác cũng giảm nên thấy thoải mái hơn nhiều. Tính ra, đồng lương này giúp tôi trang trải được các chi phí trong gia đình, mà vui nhất là có thể ở cạnh chăm sóc gia đình. Ngày tới cơ sở may này xin việc, tôi chưa dám nghĩ mình sẽ có điều kiện việc làm tốt như hiện nay. Chỉ mong cơ sở có nhiều đơn hàng để công nhân có cuộc sống tốt hơn” - Neàng Chanh Tha mong mỏi.
Tại cơ sở may Quang Long, có rất nhiều lao động nữ là đồng bào DTTS Khmer như Neàng Chanh Tha. Với họ, tìm được công việc ổn định cùng nguồn thu nhập khá là điều vui nhất hiện nay. Nhờ vào kinh nghiệm bản thân, Neàng Chanh Tha được phân công quản lý chuyền may và chị đang cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc của mình.
Nói về trình độ của người lao động tại địa phương, ông Lê Văn Lanh (người đại diện cơ sở may Quang Long) cho hay: “Đa phần người lao động tại đây đều phải học nghề một thời gian mới làm việc được. Tôi phải bỏ chi phí hỗ trợ để họ yên tâm học nghề. Những trường hợp nắm bắt tốt công việc thì phân công để họ tham gia vào khâu may sản phẩm. Tôi đang cố gắng kết nối đối tác, để có thêm đơn hàng, đáp ứng nhu cầu người lao động địa phương”.
Hiện tại, cơ sở của ông Lanh đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Nếu kết nối được nhiều đối tác, ông có thể gia tăng số lượng công nhân lên 300 - 400 người trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Do đó, ông Lanh rất cần nguồn lao động chất lượng, đã qua đào tạo cơ bản, nhằm nhanh chóng bố trí họ vào các khâu sản xuất sản phẩm.
Nhằm tạo nguồn lao động chất lượng cho địa phương, Phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên đã xây dựng kế hoạch thực hiện các tiểu dự án về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã năm 2023. Trong đó, có tiểu dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi, tạo nền tảng vững chắc để bà con Khmer vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Tính đến nay, chúng tôi đã mở 11 lớp dạy nghề, với 330 học viên về các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Thông qua các lớp dạy nghề, giúp cho lao động là đồng bào DTTS Khmer, nhất là lao động nữ, có thêm điều kiện tiếp cận việc làm. Đa số, chị em phụ nữ là đồng bào DTTS Khmer đều tham gia học các lớp may cơ bản, hướng tới tìm kiếm công việc ổn định cho gia đình. Các lớp dạy nghề may tại xã Vĩnh Trung, Tân Lợi… thu hút khá đông chị em tham gia với sự hỗ trợ tích cực của ngành chuyên môn và địa phương” - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên Lý Kim Thoa thông tin.
Song song với đào tạo nghề, công tác kết nối việc làm cho phụ nữ Khmer được Phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên quan tâm. Trong Phiên giao dịch việc làm TX. Tịnh Biên năm 2023, có rất nhiều lao động nữ là đồng bào DTTS Khmer đến tìm kiếm cơ hội việc làm, cho thấy đây là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì các lớp dạy nghề, song song với kết nối, tạo việc làm cho lao động nữ là đồng bào DTTS Khmer. Hiện nay, người phụ nữ Khmer cũng tham gia tích cực vào mọi mặt của đời sống. Do đó, họ cần được sự hỗ trợ của các cấp, ngành và địa phương để có được việc làm ổn định, chăm lo tốt cho gia đình và đóng góp vào sự phát triển của quê hương” - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên Lý Kim Thoa xác định.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và chăm lo hộ nghèo vui Xuân, đón Tết
Xóm cá ven dòng Vĩnh Tế
Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Kiềm chế tội phạm hiệu quả
An Giang tập huấn, nghiệp vụ chuyên môn công tác mặt trận
Mang theo ma túy, thuốc lắc gặp công an bỏ chạy
Thông xe cầu tạm vào xã Vĩnh Phước
Mời gọi thay sơn mới cho “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc”
Bí thư Thị ủy Tịnh Biên động viên gia đình bị hỏa hoạn
Những bác sĩ vì người nghèo