Hỗ trợ người nghiện ma túy tại cộng đồng

31/05/2023 15:43

Từ khi triển khai thí điểm mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện tại cộng đồng”, đến nay, tỉnh nhân rộng đến 4 xã, phường. Qua thời gian thực hiện, nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy được triển khai, mang lại kết quả tích cực.

Tháng 5/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang lần lượt ra mắt “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện tại cộng đồng” tại thị trấn Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú) và thị trấn Đa Phước (huyện An Phú). Trước đó, 2 điểm tư vấn đã được thành lập tại phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên) và xã Phú Thạnh (huyện Phú Tân) từ năm 2020.

“Tuy vẫn còn một số khó khăn, nhưng mô hình được đánh giá có kết quả tích cực, cần thiết nhân rộng. Chúng tôi chủ trương triển khai đến đâu thì theo dõi, đánh giá kết quả đến đó, từng bước chậm rãi chứ không nóng vội, để mô hình đạt chất lượng hơn là số lượng” - Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Đạt chia sẻ.

Điểm tư vấn thí điểm tại TP. Long Xuyên và huyện Phú Tân được nhiều người trong và ngoài địa phương biết đến. Điểm tư vấn tại xã Phú Thạnh duy trì 6 bảng thông tin tuyên truyền ở 6 ấp, thông tin địa điểm, thời gian sinh hoạt, hoạt động. Còn tại phường Mỹ Hòa, hình thức tư vấn được thực hiện đa dạng qua nhóm tự lực, tư vấn cá nhân, tư vấn cho người nghiện tại địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Hòa Đỗ Thị Thanh Thảo thông tin, mô hình còn tư vấn nhóm, tuyên truyền trên đài truyền thanh, tuyên truyền lồng ghép trong đoàn viên, hội viên tổ chức chính trị - xã hội địa phương, phát tờ rơi đến hộ gia đình… Phường đang tăng cường tuyên truyền trên phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

 

Ra mắt điểm tư vấn tại thị trấn Vĩnh Thạnh Trung

 

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH An Giang, từ giai đoạn thí điểm đến khi có quyết định tiếp tục duy trì mô hình, các điểm tư vấn đã được giới thiệu trên nhiều kênh, bằng hình thức đa dạng. Hoạt động hỗ trợ người nghiện, người sau cai nghiện chủ yếu là tiếp cận, thăm hỏi, tư vấn kiến thức; vận động họ đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, điều trị nghiện bằng chất thay thế như Methadone, tư vấn tạo động lực chống tái nghiện, kéo dài thời gian không sử dụng lại ma túy, tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước…

Bên cạnh đó, họ được giới thiệu, chuyển tiếp dịch vụ y tế và xã hội (bao gồm dạy nghề, giải quyết việc làm), kết nối người sau cai nghiện với dịch vụ sẵn có tại địa phương.

Tại phường Mỹ Hòa và xã Phú Thạnh, một số trường hợp gia đình người nghiện ở địa phương khác đến tư vấn điều trị nghiện cho con, em trong gia đình, chứng tỏ mô hình lan tỏa và được người dân chú ý. Đặc biệt, ở xã Phú Thạnh, thành viên nhóm tự lực có nhiều tiến bộ, từ bỏ ma túy, có việc làm ổn định với mô hình nuôi ốc trong bồn, được chủ nhiệm điểm tư vấn giới thiệu, hỗ trợ vay 30 triệu đồng làm kinh tế. Ngoài ra, các điểm tư vấn phối hợp ngành y tế, công an, đoàn thể xã, phường tổ chức gặp gỡ, cảm hóa, tư vấn giới thiệu việc làm... cho người có nguy cơ cao sử dụng trái phép chất ma túy.

Mỗi “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện tại cộng đồng” được thành lập và duy trì ít nhất 1 nhóm tự lực, sinh hoạt định kỳ trong tháng. Thành viên là người đã cai nghiện ma túy xong, xây dựng nguyên tắc và nội quy hoạt động riêng. Đây là nơi tập hợp, tạo sân chơi bổ ích cho họ, thông qua hoạt động truyền thông, tiếp cận hỗ trợ để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của thành viên. Chính họ là cầu nối để tiếp cận đối tượng khác, từng bước phát triển nhóm, hướng về hoạt động lành mạnh, có ích cho cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Đạt cho biết, với các điểm đã triển khai, ngoài khó khăn do tâm lý né tránh, e ngại của người nghiện, người sau cai nghiện, còn có yếu tố khách quan do ảnh hưởng thời gian dài của dịch bệnh COVID-19. Công tác quản lý, hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện đa phần thực hiện lồng ghép trong chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, dạy nghề lao động nông thôn… Nguồn kinh phí huy động khó khăn, người nghiện không được hỗ trợ kịp thời, không có việc làm, dẫn đến bỏ địa phương đi nơi khác, nảy sinh tâm lý chán nản…

Sở LĐ -TB&XH An Giang đã kiến nghị gắn hoạt động điểm tư vấn vào hoạt động của đội công tác xã hội tình nguyện xã, phường để phát huy hiệu quả. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn đối với người sau cai nghiện (từ cơ sở điều trị nghiện trở về địa phương).

Sở LĐ-TB&XH An Giang tham mưu UBND tỉnh tiếp tục duy trì, mở rộng mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng” đến xã, phường có nhiều người nghiện ma túy. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền về hoạt động dịch vụ cộng đồng của các điểm tư vấn, giúp nhiều người tiếp cận, hỗ trợ.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới