Hiểm họa tai nạn giao thông đường thủy

08/08/2024 11:34

Toàn tỉnh An Giang có 318 tuyến đường thủy nội địa, trong đó tỉnh quản lý 22 tuyến; huyện, thị xã, thành phố quản lý 278 tuyến; còn lại do Trung ương quản lý. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 6 người, bị thương 3 người, thiệt hại tài sản khoảng 318 triệu đồng. Từ đó, cho thấy tai nạn giao thông đường thủy khá nguy hiểm, nếu người dân chủ quan, không tuân thủ đúng quy định.

Vụ tai nạn nguy hiểm

Chiều 6/8/2024, khu vực giữa xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) và xã Tân Trung (huyện Phú Tân) đã xảy ra vụ va chạm giữa tàu chở hàng và phà chở khách ngang sông. Ngay sau khi xảy ra sự việc, đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã chỉ đạo Trưởng phòng Cảnh sát giao thông nhanh chóng phối hợp công an các địa phương và đơn vị nghiệp vụ liên quan đến ngay hiện trường để xử lý vụ việc.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh An Giang), trên tuyến sông Vàm Nao, thủy phận bờ phải xã Tân Trung; bờ trái xã Mỹ Hội Đông, tàu mang biển số hiệu 9065106 quốc tịch Thái Lan, do ông Phitsanu Kasamesang (quốc tịch Thái Lan) là thuyền trưởng xuất phát từ xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) đi TP. Cần Thơ.

Đến thủy phận trên thì xảy ra va chạm với phà khách số hiệu AG-23293 do thuyền trưởng Châu Trọng Lực (sinh năm 1985, ngụ ấp Phú Hạ 2, xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới) điều khiển đi từ bờ xã Tân Trung qua bờ xã Mỹ Hội Đông. Cú va chạm làm 1 xe tải 4,9 tấn (chở vỏ bình gas) biển số 66C-163.78 rơi xuống sông; lan can phà bị gãy; 1 xe máy kéo thùng bị hư hỏng và 2 người bị thương.

Qua kiểm tra nồng độ cồn thuyền trưởng tàu chở hàng và phà khách kết quả: 0.00mg/1 khí thở; bến khách ngang sông có Quyết định công bố hoạt động (không được phép chở ôtô) theo quy định; phương tiện phà khách số hiệu AG-23293 có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn thời hạn đến đến ngày 16/5/2025; người điều khiển phương tiện có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn theo quy định.

Tuy nhiên, phương tiện phà khách số hiệu AG-23293 khi lưu thông chỉ có thuyền trưởng, không có máy trưởng là chưa đúng quy định. “Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ”- thượng tá Hà Thanh Long, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông cho biết.

 

Lực lượng chức năng tại hiện trường điều tra nguyên nhân vụ tai nạn (ảnh: Công an huyện Chợ Mới)

 

Thượng tá Lê Văn Đấu, Trưởng Công an huyện Chợ Mới cho biết: "Sau khi nhận được tin báo của người dân, Công an huyện Chợ Mới và xã Mỹ Hội Đông đã khẩn trương đến hiện trường xác minh và báo cáo về Công an tỉnh. Theo ghi nhận ban đầu, tàu sắt (tàu buôn của Bangkok - Thái Lan) có trọng tải 4.498 tấn, đã va chạm với phà sắt. Sau khi va chạm, phà sắt tiếp tục di chuyển vào bến, rất may không thiệt hại về người".

Tận mắt chứng kiến vụ tai nạn, nhiều người dân kể lại, họ còn chưa hết bàng hoàng, khoảnh khắc đó quá nguy hiểm, chỉ biết bất lực hô hoán chủ phà chạy gấp ra sông cứu người…

Tăng cường quản lý

Thời gian qua, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh và lực lượng cảnh sát giao thông (Công an tỉnh An Giang) đã triển khai nhiều kế hoạch tuần tra kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về giao thông trên tuyến đường thủy nội địa. Lực lượng chức năng đẩy mạnh tuần tra kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về hoạt động của phương tiện thủy, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh An Giang triển khai thực hiện tốt công tác về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu, nhằm đảm bảo việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy nội địa.

Thanh tra Sở GTVT An Giang cũng tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp chưa đúng quy định; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa cho người tham gia giao thông. Đồng thời, nhắc nhở và vận động người đi đò mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi cầm tay...

Theo quy định, thuyền trưởng, người lái phương tiện khi điều khiển phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa phải tuân theo quy tắc giao thông và báo hiệu đường thủy nội địa quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời, điều khiển phương tiện với tốc độ an toàn, để có thể xử lý các tình huống tránh va chạm, không gây mất an toàn đối với phương tiện khác...

Thực tế, hầu hết các phà ngang sông đều có trang bị áo phao, dụng cụ nổi... Tuy nhiên, người qua đò, phà không chấp hành, nên hầu hết các dụng cụ này được buộc lại hoặc kê trên cao. “Tôi thường xuyên qua lại bến đò để trao đổi mua bán, lắm lúc cũng sợ, nhất là khi trời mưa giông, nhưng nghĩ qua phà chừng 15-20 phút và không thấy ai mặc áo phao, nên riết cũng quen”- bà Nguyễn Thị Bảy (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới) chia sẻ.

Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh An Giang Trương Khiết Quang cho biết: "Toàn tỉnh có 112 bến ngang sông, 8 bến phà do Công ty Cổ phần Phà An Giang quản lý. Để bảo đảm ATGT, các đơn vị, lực lượng chức năng tích cực triển khai hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật về trật tự ATGT trên các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt tại các bến đò chở khách ngang sông".

Vừa qua, đoàn Liên ngành cơ sở Ban ATGT tỉnh An Giang kiểm tra đảm bảo ATGT đường thủy nội địa đợt 1/2024. Kết quả, kiểm tra 75 bến vận chuyển hành khách ngang sông với 109 lượt phương tiện hoạt động (trong đó có 5 bến phà với 12 lượt phương tiện hoạt động); 32 phương tiện vận chuyển hàng hóa…

Đồng thời, kết hợp tuyên truyền, vận động chủ bến khách, thuyền viên, người lái phương tiện chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông đường thủy nội địa.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới