Điểm nhấn giao thương đặc biệt

26/12/2023 11:46

Diễn ra giữa tháng 12/2023 tại TP. Châu Đốc, Ngày hội sản phẩm đặc trưng nổi tiếng An Giang và các vùng miền trở thành điểm nhấn đặc biệt trong hoạt động giao thương của tỉnh cuối năm. Ngày hội giới thiệu hình ảnh, sản phẩm đặc trưng, giá trị văn hóa truyền thống, món ăn dân gian của An Giang và các tỉnh, thành phố đến với du khách, tạo cơ hội để doanh nghiệp (DN) mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu trên lĩnh vực thương mại - du lịch và đầu tư.

 

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu, nhận định: “Ngày hội năm nay đã thành công tốt đẹp, nhận sự hài lòng của các địa phương, DN tham gia và khách hàng. Đây là cơ hội để các địa phương mở rộng giao lưu kinh tế - văn hóa, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu khách hàng. Từ đó, từng bước cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm. Đồng thời, cũng là cơ hội để DN tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại - đầu tư, du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước lẫn quốc tế”.

Cũng theo ông Lê Trung Hiếu, ngày hội năm nay được chú trọng về hình thức thiết kế, dàn dựng đến chất lượng sản phẩm. Đây là động lực mạnh mẽ thúc đẩy kết nối cung - cầu hàng hóa giữa nhà sản xuất và đầu mối tiêu thụ, định hướng cho DN phát triển sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác hoàn thành chỉ tiêu chất lượng, nhãn hiệu của từng sản phẩm làm ra.

Ngày hội quy tụ gần 200 gian hàng, kinh doanh khoảng 1.000 sản phẩm của DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, làng nghề trong và ngoài tỉnh. Khoảng 137.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm, tăng 10% so năm 2022. Tổng doanh số bán hàng đạt khoảng 19 tỷ đồng. Các gian hàng có doanh số cao, như: Sản phẩm rèn Phú Mỹ, bánh ngũ cốc, đường thốt nốt, yến sào Bảy Núi, bánh kẹo Xuân Hiền, trái cây sấy Gia Bảo, cơm cháy gạo lứt Nông Phát Đạt của An Giang; sản phẩm trà chùm ngây và chả giò Long An, khô các loại và bánh kẹo Bến Tre, bánh tráng Tây Ninh, tỏi Lý Sơn, cà phê của Đắk Lắk, sản phẩm trà, tinh dầu, mắc ca, cà-phê của Lâm Đồng, ẩm thực địa phương...

Thông qua ngày hội, các DN đều đánh giá An Giang là thị trường rất tiềm năng, có sức mua khá tốt. Một số DN có thể khai thác mở rộng thị trường thông qua kênh đại lý, làm cầu nối với thị trường Campuchia, Thái Lan. Các gian hàng tham gia ngày hội được dàn dựng khoa học, phong cách hiện đại, DN tham dự đều có thương hiệu chứng nhận hàng hóa đạt chất lượng. Cách trưng bày và sắp xếp hàng hóa khá chuyên nghiệp, áp dụng phương pháp cho khách hàng dùng hàng thử sản phẩm, khuyến mãi, dùng phương pháp trực quan sinh động trong công tác bán hàng, tiếp cận người tiêu dùng, được khách hàng đánh giá cao.

Góp mặt trong ngày hội, sản phẩm mật ong của Công ty TNHH Mật ong Sông Bé (tỉnh Bình Phước) được khá nhiều người dân, du khách đến tham quan, mua sắm. Ông Vũ Tiến Hoàng (Giám đốc công ty) chia sẻ: “Những sự kiện như Ngày hội sản phẩm đặc trưng nổi tiếng An Giang và các vùng miền năm 2023 sẽ góp phần giúp DN có điều kiện tiếp cận với người tiêu dùng, xây dựng lòng tin từ họ. Thông qua ngày hội, DN có thêm đối tác từ nhiều tỉnh, thành phố, giúp cho sản phẩm tâm huyết của chúng tôi đến với mọi miền đất nước. Chúng tôi mong rằng, sẽ có nhiều sự kiện như thế này được tổ chức, góp phần hỗ trợ DN đưa sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm đặc sản đến với đông đảo người tiêu dùng”.

Ông Vũ Tiến Hoàng cũng khẳng định sẽ trở lại sự kiện giao thương này của An Giang trong những năm tiếp theo, bởi sức mua tốt và hiệu quả kết nối khá cao, giúp DN mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Thành công của ngày hội năm nay còn đến từ sự hỗ trợ tích cực của UBND TP. Châu Đốc, sự nhiệt tình của cộng đồng dân tộc thiểu số Chăm (xã Châu Phong, TX. Tân Châu). Đặc biệt là quá trình tham gia của Siêu thị Tứ Sơn trong công tác tư vấn, thiết kế, dàn dựng khu vực ngày hội, tạo nên sức hút cho sự kiện giao thương đặc biệt này.

Bên cạnh đó, còn có sự đóng góp tích cực của lực lượng công an, y tế, điện lực trong bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy, chiếu sáng phục vụ sự kiện. Đặc biệt, các tỉnh phía Bắc, như: Lào Cai, Quảng Trị, Lai Châu, DN đến từ Thái Lan, Campuchia… không ngại đường xa đến tham gia, vận động DN địa phương góp mặt với ngày hội, làm cho sự kiện thêm phần đặc sắc.

“Thành công từ ngày hội năm nay, chúng tôi sẽ đề xuất UBND tỉnh duy trì tổ chức định kỳ hàng năm. Đồng thời, nên tổ chức ngày hội vào thời điểm diễn ra Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam để phục vụ nhu cầu của đông đảo du khách gần xa đến với Châu Đốc - An Giang, góp phần tăng hiệu quả kinh doanh, thu hút ngày càng đông DN, chủ cơ sở sản xuất tham gia sự kiện” - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu đề xuất.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới