Đề xuất chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm bắt buộc
20/02/2025 07:03
Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024, chủ hộ của hộ kinh doanh thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Đề xuất 2 phương án
Luật BHXH được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 29/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, gồm 11 chương, 141 điều. Liên quan đến chính sách, chế độ BHXH bắt buộc, có 26 điều, nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết. So với luật hiện hành, Luật BHXH năm 2024 mở rộng thêm một số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: Chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; người lao động (NLĐ) làm việc không trọn thời gian; người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Quá trình triển khai, xây dựng dự thảo quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH phát sinh nhiều tranh luận, nhất là về đề xuất chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án, xác định chủ hộ kinh doanh phải tham gia BHXH bắt buộc.
Theo đó, phương án 1 đề xuất đối tượng chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc, gồm: Chủ hộ có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai; chủ hộ có đăng ký kinh doanh, nhưng không thuộc đối tượng trên mà có đề nghị tham gia BHXH bắt buộc. Phương án 2 đề xuất chủ hộ có đăng ký kinh doanh và đề nghị tham gia BHXH bắt buộc. Bên cạnh đó, trường hợp NLĐ được cử đi học, thực tập, công tác trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương ở trong nước thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Còn nhiều băn khoăn
Luật gia Trần Bửu Tài (Ủy viên Thư ký Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, việc chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai (phương án 1) phải đóng BHXH là phù hợp. Mặc dù luật quy định đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ, nhưng nếu quy định chủ hộ kinh doanh có đề nghị mới được tham gia BHXH bắt buộc (phương án 1 và phương án 2) thì vô hình chung họ trở thành đối tượng tham gia BHXH tự nguyện - tức sự tham gia BHXH phụ thuộc vào ý chí của chủ hộ kinh doanh.
Nếu họ không tham gia thì pháp luật không được áp dụng biện pháp chế tài. Cả 2 phương án trên chưa xác định rạch ròi việc tham gia BHXH của chủ hộ kinh doanh là bắt buộc hay tự nguyện. Do vậy, chỉ nên quy định chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế phải tham gia BHXH bắt buộc.
Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã được quy định rõ trong Luật BHXH 2024. Theo đó, chủ hộ được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng. Như vậy, có thể hiểu đối tượng không có tiền lương thì được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc từ mức thấp đến cao như luật định.
Thống kế của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, cả nước có hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 6 lần số doanh nghiệp; 1,7 triệu hộ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm đang đóng thuế. Nhóm này chưa đóng BHXH bắt buộc, rất ít hộ tham gia BHXH tự nguyện. Để tăng diện bao phủ của chính sách BHXH, Luật BHXH 2024 đưa đối tượng này vào diện bắt buộc tham gia BHXH. Tuy nhiên, nhóm chủ hộ kinh doanh được xem là khá phong phú và đa dạng, nên luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
UBND tỉnh An Giang chỉ đạo chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ
Sở Y tế khuyến cáo người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc điều trị cúm A
Bước chuyển mình lớn
Độc đáo nền văn hóa Óc Eo
Đâu rồi nghề sửa xe đạp?
Xây dựng văn hóa trong Đảng
Chấp hành nghiêm pháp luật để giao thông an toàn
Tri ân tiền nhân, rạng rỡ di sản
Mưu sinh trên từng cây số
Cha con rủ nhau đi cướp, cùng nhận án tù