Đất lành, chim đậu

01/03/2024 15:20

Ven Quốc lộ 91 có một khu vườn khá rộng (tại thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), trở thành nơi lý tưởng cho đàn chim, cò hoang về trú ngụ. Năm tháng trôi qua, loài “lông vũ” quen hơi người, rồi định cư luôn nơi “đất lành” ngót nghét chục năm.

Cơ duyên với chim hoang dã

Mờ sáng, chúng tôi tranh thủ có mặt tại khu vườn được xem là “đất lành, chim đậu” rất sớm. Cổng rào khóa im ỉm, nếu không hẹn trước, khó có thể vào bên trong khuôn viên, nơi đàn chim, cò đang đậu. Sau khi được người nhà chủ vườn mở khóa, chúng tôi bước vào trong. Ngước nhìn trên cây, trước mắt chúng tôi là hình ảnh hàng ngàn con chim, cò đang dáo dác gọi nhau thức giấc chào ngày mới. Từng con vỗ cánh phành phạch bay đi tìm thức ăn. Những con chim mái ở lại tổ trên cây ấp trứng, nuôi con.

Phía trong khu vườn có một căn nhà “tiền chế”, chúng tôi gặp chú Nguyễn Kỳ Phát (Tư Phát, 63 tuổi, ngụ khóm Hòa Long 3) là người bảo vệ đàn chim hoang. Nhớ lại hơn chục năm trước, chú Tư Phát cho biết, khu đất này của một người ở TP. Long Xuyên, rộng khoảng 5ha, bên trong trồng nhiều loại cây, trong đó có tràm. Chiều chiều, đàn cò kéo về trú ngụ và xây tổ, đẻ trứng.

 

 

“Hồi trước, nơi đây vắng lắm, tôi được anh Năm cho ở đậu tới bây giờ. Thật lạ, từ khi tôi giữ vườn thì đàn chim, cò bỗng nhiên bay tới ở rần rần. Ban đầu, chúng bay về vài chục con, rồi tăng dần số lượng hàng ngàn con, đậu kín cả ngọn cây”, chú Tư Phát nhớ lại cơ duyên gặp đàn chim trời bay về đậu trong khu vườn.

Lúc còn khỏe, mỗi buổi sớm chiều, chú Tư Phát thường rảo một vòng khu vườn để quan sát, bảo vệ đàn chim trời. Mấy năm nay, chú ngã bệnh, sức khỏe yếu dần, nên chuyện trông giữ đàn chim hoang gặp khó khăn. Nên một số người bắt lén chim, cò đem bán, ấy vậy mà chúng vẫn ở lại nơi này.

Hôm tận mắt gặp một phụ nữ trạc gần 70 tuổi, dắt chiếc xe đạp từ ngoài cổng vào rồi len lén dùng cây rượt đuổi bắt cò từ lúc mờ sáng. Con nào khỏe thì nhanh chân chạy thoát. Những con cò yếu ớt không tìm được đường trở lên cây cao thì bị bắt bỏ vô bao tải. Nhiều con cò “ra ràng” (cò mới mọc lông tơ) bị rớt xuống đất cũng bị họ bắt làm thịt…

 

 

Chúng tôi hỏi: “Sao nỡ lòng nào bắt chim trời làm thịt, không để chúng bay đi kiếm ăn?”. Bà này rổn rảng: “Thấy vậy chứ mấy con cò này yếu rồi, bắt bán để chúng hóa kiếp”. Nhiều con cò trắng chạy len lỏi dưới tán cây, bà này rượt đập gãy cánh để bắt chúng. Chứng kiến cảnh người ta vô tư bắt cò, chú Tư Phát nói với giọng buồn buồn: “Trước đây còn khỏe, tôi gặp ai bắt là xua đuổi ngay. Giờ đây, họ bắt cả chục con cò mỗi ngày, đến nay tính sơ sơ cũng hàng ngàn con cò bị làm thịt. Thấy cảnh đó tôi muốn rơi nước mắt”.

Hiện nay, số lượng đàn chim, cò trú ngụ ở khu vực này khoảng 7.000 con, trong đó cò trắng, còng cọc chiếm số đông. Mặc cho xe cộ lưu thông rú ga, bóp còi inh ỏi, đàn chim hoang vẫn ung dung bay về đậu trên cây. Chúng còn làm tổ sinh sản, tăng dần số lượng đàn...

Quyết tâm bảo vệ

Cả buổi sáng, chúng tôi lân la trong khu vườn “mục sở thị” đàn chim hoang dã. Thỉnh thoảng chúng tôi giẫm phải lá khô kêu lốp rốp. Nghe tiếng động, đàn còng cọc, cò trắng tung cánh bay nháo nhác trên bầu trời. Nghe đàn chim kêu đã gây sự cảnh giác cao độ của một “lão nông” trạc 70 tuổi đang ở trong căn nhà nhỏ “trấn giữ” phía sau khu vườn.

Tay cầm chiếc gậy bước ra, gặp chúng tôi, ông tưởng “kẻ săn trộm”, lớn tiếng đuổi đi. Tại khu vườn này, có nuôi chó canh giữ, những người lạ mặt vào trong sẽ bị chúng sủa dồn dập. Nếu người lạ mặt vô tình lọt vào đây thì rất nguy hiểm. Có thể thấy, người dân sống xung quanh có ý thức bảo vệ nghiêm ngặt đàn chim hoang. Nhất cử, nhất động phía trước, phía sau đều có tai, mắt quan sát.

 

Cò trắng đậu trên cây đu đủ trước nhà

 

Sân trước của chú Tư Phát, những con cò trắng làm tổ trên cây ấp trứng. Cách vài phút, cò mẹ bay ra đồng bắt cá tha về tổ “mớm mồi” cho cò con. Những con cá rơi rớt từ trên cây xuống đất, cò mẹ đi thong dong gắp lại mồi y như gà nuôi vậy. Đang ngồi cùng mấy đứa cháu ngắm đàn cò, chú Tư Phát nói rằng, cò xây tổ trên những cây xoài cát Hòa Lộc lâu lắm rồi! Chúng cắn, xé nhánh cây xoài, cây tràm xây tổ làm một số cây chết khô.

“Cò, chim bay về đậu trong khu vườn là điềm lành, cứ để vậy thuận theo tự nhiên. Mặc dù, nhiều cây tràm, cây xoài chết rạp, nhưng tôi không xua đuổi, xem chúng như thú cưng vậy. Buổi sáng, chúng “chạy bộ” rượt đuổi trước nhà, những con chim non trên tổ kêu ríu rít đã trở nên quen thuộc, vui lắm chú em ơi!” - chú Tư Phát tâm sự. Hôm đến chơi nhà chú Tư Phát, anh Ba Công nói rằng, những loài chim hoang dã khi gặp người từ xa thì chúng đã bay mất hút. Riêng, đàn chim, cò này rất dạn, thân thiện với con người.

 

 

Dưới tán cây cao, những thợ hàn đang cưa sắt ồn ào, cộng với xe của nông dân thăm đồng chạy lạch cạch qua lại mỗi ngày. Vậy mà đàn chim, cò vẫn ung dung bay, đậu, làm tổ sinh sản ngày càng tăng. Thường ngày, đàn cò bay ra đồng từ lúc 5 giờ sáng để tìm thức ăn. Hôm ra ruộng lúc bình minh đang lên, chúng tôi phát hiện đàn chim, cò bay lờn vờn tại những đám ruộng gần đó tìm thức ăn. Sau vài phút, chúng bay trở lại khu vườn này. Có những con còng cọc thì bay đi kiếm ăn ở nơi rất xa, tận chiều tối mới về. Xung quanh vườn có con mương nước, cò trắng đứng trên bờ canh gắp cá, tép mang về tổ nuôi con...

Với tiềm năng “trời ban”, chú Tư Phát nảy sinh ý tưởng mở “quán sinh thái” phục vụ khách ăn uống, vừa tạo không gian cho khách xem chim, cò hoang dã. Tuy nhiên, để giữ chân đàn chim hoang, bà con ở đây rất mong địa phương và ngành chức năng có biện pháp bảo vệ đàn chim trời, biến khu vườn này trở thành nơi sinh sống yên bình của chúng.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới