“Đánh thức” thế mạnh Tri Tôn

27/01/2023 16:54

Dù trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nhưng năm 2022, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) thực hiện đạt và vượt tất cả 17 chỉ tiêu theo nghị quyết của Huyện ủy và 16 chỉ tiêu theo nghị quyết của HĐND huyện. Trong đó, thế mạnh nông nghiệp và du lịch (DL) đang dần được “đánh thức”, hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.

 

 

Huyện Tri Tôn tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022)

Ấn tượng du lịch

Có thể nói, toàn vùng ĐBSCL khó tìm được nơi nào hội đủ điều kiện tổ chức nhiều môn thể thao mạo hiểm, mới lạ, thu hút DL như huyện Tri Tôn. Ngoài “đặc sản” đua bò Bảy Núi, địa thế của Phụng Hoàng Sơn kết hợp hồ Soài Chek, đồi Tà Pạ giúp những môn thể thao từ vùng Tây Bắc xa xôi, như: Dù lượn, diều lượn, khinh khí cầu, máy bay mô hình…  có mặt ở Tri Tôn, mãn nhãn người dân xứ ĐBSCL.

Cung đường uốn lượn với những cánh đồng trâm dưới chân Phụng Hoàng Sơn, khung cảnh hồ Soài Chek nên thơ giữa núi rừng, ngôi chùa Tà Pạ cổ kính cùng hồ Tà Pạ - “Tuyệt tình cốc” miền Tây… đã thật sự chinh phục đoàn Caravan DL An Giang với chủ đề “An Giang - Sắc màu vùng biên”.

Trên cung đường tuyệt đẹp ấy, những giỏ trái trâm chín mộng, những chiếc bánh kà-tum đẹp mắt, những chiếc bánh bò thốt nốt thơm lừng…được làm quà tặng, tạo ấn tượng khó quên đối với đoàn hành trình. Đây sẽ là những sản phẩm giúp thu hút thêm du khách đến với Tri Tôn.

Nhìn vào con số thống kê với khoảng 800.000 lượt khách đến Tri Tôn năm 2022, tăng gấp 3 lần năm 2021, đủ thấy sức hấp dẫn và tiềm năng DL nơi đây. Đó là kết quả từ nỗ lực tổ chức lễ hội khinh khí cầu, biểu diễn dù lượn, diều lượn, máy bay mô hình, lễ hội hoa đăng, đua bò… nhân các dịp nghỉ lễ, Tết. Có thời điểm, những nhà nghỉ khu vực trung tâm huyện Tri Tôn không còn chỗ phục vụ khách.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho du khách đến Tri Tôn, thu hút các doanh nghiệp (DN) vào đầu tư khai thác thế mạnh DL, huyện đang tập trung nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên hoàn các khu, điểm DL, như: Soài So, Soài Chek, Tà Pạ, Tức Dụp, Ô Thum, Ô Tà Sóc, Ba Chúc…

Bên cạnh đó, những tuyến đường kết nối vào huyện Tri Tôn, như: Tỉnh lộ 941, 943, 948, 955B, Tỉnh lộ 959 vòng qua đồi Tức Dụp, Hương lộ 958 nối xuống Vàm Rầy (tỉnh Kiên Giang)… được đẩy mạnh đầu tư.

“Có nhiều tuyến đường huy động nguồn lực đóng góp của các công ty khai thác đá trên địa bàn huyện, thực hiện đổ bê-tông dày với bề rộng 10m, đảm bảo sử dụng lâu dài, phù hợp với điều kiện tự nhiên của Tri Tôn. Đây sẽ là những tuyến đường kết nối du khách từ địa phương khác đến với huyện” - ông Liêm nhấn mạnh.

 

 

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh, nông nghiệp giữ vai trò bệ đỡ, thúc đẩy huyện miền núi, dân tộc, biên giới như Tri Tôn phát triển. Tuy nhiên, không thể cứ khai thác nông nghiệp theo chiều rộng, dựa vào năng suất và sản lượng mà huyện Tri Tôn đang tập trung kêu gọi đầu tư, hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng cường liên kết để nâng giá trị nông sản.

So năm 2021, tổng diện tích gieo trồng cả năm 2022 của huyện Tri Tôn ước đạt 116.623ha, giảm 4.259ha (lúa 114.153ha, giảm 3.939ha; màu 2.470ha, giảm 320ha). Dù lúa, màu giảm nhưng bù lại, tổng diện tích cây ăn trái toàn huyện hiện đạt 2.200ha, tăng 111ha so năm 2021, gồm nhiều chủng loại, như: Xoài, cây có múi, mãng cầu ta, dừa, bơ, sầu riêng, nhãn…

Trong chăn nuôi, tổng đàn bò có khuynh hướng giảm (7.629 con, giảm 1.203 con) nhưng tổng đàn heo tăng mạnh (20.359 con, tăng 5.979 con), nhờ sự tăng đàn tích cực của Công ty Việt Thắng (nuôi 13.775 con heo).

Để nâng cao thu nhập, đời sống người dân nông thôn, huyện Tri Tôn xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế tập thể là những khâu quan trọng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Vĩnh Gia, Tà Đảnh, Lương Phi, Lương An Trà, Tân Tuyến), trong đó xã Tà Đảnh được công nhận đạt tiêu chí NTM nâng cao. Dự án VnSAT (chuyển đổi nông nghiệp bền vững) đang được triển khai ở 6 xã của huyện Tri Tôn, vừa giúp nâng cao hiệu quả sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, SRP, vừa hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông theo tiêu chí NTM.

Năm 2022, huyện đã thành lập Liên hiệp hợp tác xã (HTX) Tri Tôn và 3 HTX nông nghiệp, đạt 100% kế hoạch. Trong số 24 HTX đang hoạt động trên địa bàn huyện, có 10 HTX liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; một số HTX chuyên ngành, như: Nuôi bò ở An Tức, nuôi gà ở Ô Lâm (cung cấp nguyên liệu cho đặc sản gà đốt Ô Thum). Ngoài ra, huyện còn có 48 tổ hợp tác, với 600 thành viên; 23 trang trại chăn nuôi, trồng trọt đang hoạt động.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm ở nông thôn, huyện đẩy mạnh triển khai và hỗ trợ các chủ thể tham gia sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Mỗi xã, thị trấn đều được khuyến khích phát triển sản phẩm đặc trưng, có lợi thế tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Tri Tôn luôn tăng cường công tác mời gọi đầu tư, phát huy hiệu quả vai trò của Ban hỗ trợ DN để hướng dẫn, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư. Năm 2022, huyện đã tham gia đóng góp điều chỉnh dự án “Khu sản xuất giống cá tra 3 cấp công nghệ cao Hiệp Thành Phát” ở ấp Vĩnh Thành (xã Vĩnh Phước); dự án “Trại heo nái - heo thịt công nghiệp THAGRICO An Giang 2” tại ấp Ô Tà Sóc (xã Lương Phi); dự án “Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao” tại kênh T5 (ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước).

Huyện đang thẩm định các dự án của DN nhỏ và vừa đăng ký trên địa bàn, như: Dự án chăn nuôi vịt thịt theo hướng công nghệ cao tại ấp Vĩnh Thuận (xã Lạc Quới), vốn đầu tư 5 tỷ đồng, quy mô nuôi 19.500 con/vụ, diện tích 15.600m2; dự án chăn nuôi bò thịt, thực hiện tại xã Châu Lăng, quy mô 100 con, diện tích 3.609m2… Các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ tạo nguồn sinh kế, giải quyết được việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương.

Chuẩn bị cho năm “bản lề ” 2023

Cùng với phát triển kinh tế, huyện Tri Tôn còn quan tâm chăm lo giáo dục, y tế, an sinh xã hội. “Qua đợt bùng phát dịch COVID-19 cho thấy, hệ thống y tế cơ sở rất yếu kém. Huyện đã đầu tư nâng cấp nhiều trạm y tế, đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân từ cơ sở. Đối với giáo dục, đến cuối năm 2022 có thêm 3 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng số trường đạt chuẩn toàn huyện lên 24/57 trường, đạt 42,11%. Huyện đang vận động các nguồn lực để chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cho hộ nghèo, khó khăn, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, để không ai bị bỏ lại phía sau” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm thông tin. Theo thống kê, huyện còn 3.623 hộ nghèo (chiếm 10,85%), 3.442 hộ cận nghèo (chiếm 10,31%), đòi hỏi sự đóng góp, chia sẻ rất lớn.

Kết quả thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022 là động lực lớn để huyện Tri Tôn tăng tốc phát triển năm 2023 - năm “bản lề” có ý nghĩa rất quan trọng trong kế hoạch 5 năm (2021-2025). “Thuận lợi của huyện là được đầu tư nguồn vốn lớn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia (NTM, giảm nghèo, dân tộc thiểu số). Huyện sẽ sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, xem đây là thời cơ để đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, tạo đột phá thúc đẩy Tri Tôn phát triển” - ông Liêm khẳng định.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tri Tôn xác định 3 khâu đột phá nhiệm kỳ 2020-2025: “Nông nghiệp, DL và công nghệ chế biến”.  Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm, cả 3 khâu này đang có nhiều cơ hội thuận lợi. Đến nay, các dự án trọng điểm của những tập đoàn, DN lớn đã đưa vào khai thác hoặc đang tăng tốc đầu tư, như: Nhà máy gạo Hạnh Phúc của Tập đoàn Tân Long (đã hoạt động); trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa của Tập đoàn TH; các trang trại heo giống và heo thịt của Tập đoàn THACO; dự án DL tầm cỡ trên đồi Tà Pạ… Đây sẽ là những động lực thúc đẩy 3 mũi nhọn đột phá cùng tăng tốc.

Nguồn: baoangiang.com.vn