Dân chủ để gần dân hơn
29/12/2023 11:46
Một khi quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy mạnh mẽ, sẽ tạo thành động lực to lớn, thúc đẩy sự phát triển, đổi mới trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, thực hiện dân chủ ở cơ sở đòi hỏi đi vào thực chất, chiều sâu, hiệu quả.
Phát huy quyền làm chủ trực tiếp của người dân
Những năm gần đây, mức độ người dân được biết, được bàn, được tham gia, được kiểm tra và giám sát... ngày càng tăng. Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp với Nhân dân và địa phương, đều được lấy ý kiến rộng rãi, như: Thủ tục giải quyết các loại việc hành chính; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; các khoản huy động Nhân dân đóng góp; thực hiện chỉnh trang đô thị, công trình phúc lợi xã hội ở địa bàn...
Người dân đóng góp ý kiến cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp
Người dân còn được phát huy quyền làm chủ trực tiếp trong góp ý đối với tổ chức, cá nhân lãnh đạo Đảng, chính quyền, thông qua hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”; hội nghị tiếp xúc cử tri trước, sau kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp...
Gửi gắm ý kiến đến Trung ương và địa phương, ông Vũ Minh Trang (ngụ thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) bày tỏ niềm vui mừng khi giá lúa tăng cao; mặt hàng cà-phê, rau củ quả, trái cây… đều khởi sắc. “Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chưa đảm bảo tính ổn định, lâu dài. Theo tôi, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu thêm chính sách đảm bảo chất lượng sản phẩm; chú trọng chế biến sâu; tìm giải pháp ổn định thị trường, ổn định chất lượng hàng hóa, ổn định giá cả đầu vào, đầu ra…”- ông Trang góp ý.
Công tác tiếp dân được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý Nhà nước. Qua tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, cán bộ lãnh đạo kịp thời nắm bắt, xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết yêu cầu, bức xúc chính đáng của Nhân dân. Năm 2023, toàn tỉnh tổ chức tiếp 8.027 lượt, với 8.136 người; xử lý 2.570 đơn, chủ yếu về tranh chấp đất đai, chính sách đền bù.
Đổi mới dân chủ ở cơ quan, đơn vị
Dân chủ ở cơ quan, đơn vị được thể hiện thông qua hội nghị cán bộ, công chức, người lao động; ban hành quy chế làm việc, quy chế phối hợp thực hiện giữa cấp ủy Đảng, lãnh đạo cơ quan và tổ chức công đoàn; quy chế chi tiêu nội bộ; quy trình đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức; chính sách nâng lương, khen thưởng, kỷ luật, mua sắm tài sản... đều công khai, minh bạch.
Đầu năm, 100% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức; 100% công đoàn cơ sở bầu ban thanh tra Nhân dân theo quy định. Việc thực hiện nội quy, quy chế làm việc, quy chế dân chủ theo ngành, lĩnh vực quản lý được duy trì hiệu quả. Nhờ vậy, tạo cơ sở pháp lý để cán bộ, công chức, viên chức phát huy quyền làm chủ của mình, cùng tham gia quản lý hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Theo Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu cao vai trò lãnh đạo, nói đi đôi với làm, chịu trách nhiệm trước công việc và quyết định của mình; phát huy trí tuệ tập thể lẫn từng cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể, góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ chính trị.
Bảo vệ quyền lợi chính đáng cho lao động
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp (DN) - đặc biệt DN khu vực ngoài Nhà nước - có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ), tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ, đảm bảo cho sự phát triển của chính DN.
Trong năm, 100% DN Nhà nước tổ chức hội nghị NLĐ; 80 cuộc đối thoại giữa người sử dụng lao động với ban chấp hành công đoàn, đoàn viên, NLĐ. Các hoạt động là dịp để NLĐ đóng góp ý kiến trực tiếp cho DN. Ngược lại, cũng là dịp để người sử dụng lao động trực tiếp công khai nội dung pháp luật quy định; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất từ NLĐ.
Hiện nay, 95% DN khu vực ngoài Nhà nước thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Chất lượng thỏa ước ngày được nâng lên từ nội dung đến hình thức, có lợi hơn cho NLĐ, như: Thời gian làm việc 44 giờ/tuần, lao động nữ mang thai ở tháng thứ 7 được nghỉ 60 phút/ngày, tăng số ngày được nghỉ việc được hưởng nguyên lương; hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền xăng, tiền chuyên cần, chế độ hiếu hỉ, chất lượng bữa ăn ca, khám sức khỏe, tham quan…
Tác động tích cực mọi mặt
Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh An Giang Võ Nguyên Nam, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tác động tích cực đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo không khí phấn khởi trong hoạt động của cộng đồng dân cư khi tham gia phong trào, chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đó, tăng cường, củng cố niềm tin trong Nhân dân, hạn chế hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Khi nâng chất quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở, tương ứng với lề lối, phương pháp, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được thay đổi, theo hướng đến gần dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến Nhân dân. Nhiều vụ bức xúc trong Nhân dân được giải quyết tại chỗ, công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng hiệu quả… là minh chứng rõ nét cho điều này.
Để hạn chế bệnh hình thức, kém hiệu quả, thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế, quy định về dân chủ ở cơ sở phù hợp quy định của pháp luật; nâng cao vai trò, trách nhiệm của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở.
Cùng với đó, tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời bức xúc trong Nhân dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài; tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị với cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ. Công đoàn tăng cường giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách gắn liền trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ tại DN; chủ động rà soát, bổ sung nội dung thỏa ước lao động tập thể, nâng cao quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công nhân lao động.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
An Giang tập huấn, nghiệp vụ chuyên môn công tác mặt trận
Mang theo ma túy, thuốc lắc gặp công an bỏ chạy
Thông xe cầu tạm vào xã Vĩnh Phước
Mời gọi thay sơn mới cho “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc”
Bí thư Thị ủy Tịnh Biên động viên gia đình bị hỏa hoạn
Những bác sĩ vì người nghèo
Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ phát triển
An Giang “trải thảm” mời gọi đầu tư