Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang thảo luận nhiều nội dung tại tổ
10/11/2024 11:13
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 9/11, Tổ 17 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Cao Bằng, Gia Lai, An Giang) tiếp tục thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà giáo, Luật Việc làm (sửa đổi).
Quang cảnh thảo luận tổ sáng 9/11
Đóng góp dự án Luật Nhà giáo, đại tá Chau Chắc (Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ĐBQH tỉnh An Giang) nhận xét, Khoản 1 Điều 8 (quyền của nhà giáo) chưa bao hàm rõ nhà giáo trong cơ sở giáo dục đào tạo thuộc lực lượng vũ trang, quân đội. Lực lượng này có đặc thù riêng, không thể áp dụng theo quy định về viên chức được. Do đó, cần bổ sung, chỉnh sửa để bao quát được tất cả đối tượng nhà giáo. Tại Điều 9 (nghĩa vụ của nhà giáo), đề nghị nghiên cứu bổ sung bao quát nghĩa vụ của nhà giáo với các luật chuyên ngành, như Luật Công an nhân dân…
Đóng góp dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong (ĐBQH tỉnh An Giang) thống nhất cần phải sửa đổi cho phù hợp tình hình mới. Tuy nhiên, dự án luật vẫn “trống vắng” quy định về việc làm đối với người nước ngoài - một đối tượng đang khá quan trọng hiện nay ở Việt Nam. Quá trình hội nhập sâu rộng, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam lao động ngày càng tăng, không thể để nhóm đối tượng này đứng ngoài bức tranh về lực lượng lao động nói chung. Đề nghị xem xét quy định thêm cho chính xác và đầy đủ.
Trước đó, chiều 8/11, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương chủ trì thảo luận Tổ 17, về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Hóa chất (sửa đổi).
Đại biểu Đôn Tuấn phong đóng góp ý kiến
ĐBQH Đôn Tuấn Phong phản ánh, vấn nạn quảng cáo sai sự thật vẫn hiện hữu, nhất là về thực phẩm chức năng, thuốc… để lại hậu quả lớn cho xã hội, người tiêu dùng. Do đó, việc sửa đổi luật là rất cần thiết, nhưng phải đáp ứng nhu cầu của xã hội. Về nội dung quảng cáo sản phẩm (Khoản 7, Điều 1), cần điều chỉnh theo hướng: Luật quy định nguyên tắc, nội dung cụ thể thì giao Chính phủ quy định. Bởi các sản phẩm dịch vụ thay đổi rất nhanh, nếu quy định cứng thì không kịp điều chỉnh.
Về việc quảng cáo trên báo in, cần chú ý tỷ lệ phù hợp, xem xét cơ sở khoa học thực tiễn kỹ lưỡng. Nếu quy định cứng hoặc ít quá thì giảm khả năng tự chủ của cơ quan báo chí, nhiều quá thì ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, độc giả. Tương tự, quảng cáo trên báo nói hay báo hình cũng cần đánh giá tác động cụ thể và sâu hơn. Quan trọng nhất vẫn là cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin, đảm bảo cao nhất lợi ích người tiêu dùng.
Đại biểu Chau Chắc phát biểu
ĐBQH Chau Chắc thống nhất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy theo tờ trình của Chính phủ. Điểm c, Khoản 1, Điều 1 đề cập nhóm chỉ tiêu trên 70% lực lượng cảnh sát điều tra, chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy, đại biểu đề xuất nâng lên trên 80% để rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tốc độ thực hiện. Nhóm chỉ tiêu về giảm tác hại (trên 50% người nhà của người sử dụng ma túy được tuyên truyền), nên tăng “trên 70%” để có kiến thức, biện pháp hỗ trợ tâm lý cho các đối tượng được tốt hơn.
Về Luật Hóa chất (sửa đổi), ĐBQH Chau Chắc đề nghị tiếp tục rà soát nghiên cứu phạm vi điều chỉnh cho thống nhất với các luật khác, đảm bảo sự thống nhất, tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bí thư Tỉnh ủy An Giang gặp gỡ Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Paraguay
Kích cầu tiêu dùng cuối năm
Những người “lấy mật” thốt nốt
Hương cốm dẹp Bảy Núi
Chú trọng bảo vệ người dân trên không gian mạng
Chống buôn lậu, hàng giả lĩnh vực nông nghiệp
Nỗ lực bảo tồn lúa mùa nước nổi
Vun đắp mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện
Lắng nghe trẻ em nói
Biến tiềm năng, thế mạnh thành động lực tăng trưởng