Đa dạng sản phẩm từ vỏ hến
14/01/2025 11:58
Vỏ hến, một loại phế thải từ hoạt động chế biến thủy hải sản, thường gây ô nhiễm môi trường, nếu không được xử lý đúng cách. Tuy nhiên, nhóm tác giả Nguyễn Trung Khang và Hà Thanh Sang (học sinh Trường THPT Chuyên Thủ Khoa Nghĩa, TP. Châu Đốc) đã chứng minh rằng vỏ hến lại chứa đựng nhiều tiềm năng ứng dụng bất ngờ. Sản phẩm “Đa dạng hóa các sản phẩm từ vỏ hến” kết hợp từ vỏ hến, bã trà và xơ thốt nốt của 2 bạn đã xuất sắc đạt giải nhất trong cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh An Giang lần thứ XIII/2024, trong lĩnh vực sản phẩm thân thiện môi trường.
Cụ thể, nhóm tác giả đã nghiên cứu và thử nghiệm các ứng dụng của vỏ hến trong các lĩnh vực kết hợp giữa bã trà, xơ thốt nốt và vỏ hến mở ra những khả năng sáng tạo vô tận. Ví dụ, kết hợp vỏ hến nghiền với xơ thốt nốt và bã trà để tạo ra chậu cây vừa có khả năng thoát nước tốt, vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây. Sự kết hợp giữa vỏ hến và xơ thốt nốt có thể tạo ra vật liệu lọc nước tự nhiên, thân thiện với môi trường, mang tính thẩm mỹ cao và giá trị kinh tế.
Đặc biệt, sự kết hợp 3 nguyên liệu này trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ sẽ tạo ra những sản phẩm độc đáo. Vỏ hến với hình dạng và màu sắc tự nhiên độc đáo được kết hợp với xơ thốt nốt đã qua xử lý để tạo ra các tấm vật liệu trang trí. Nhóm tác giả đã thử nghiệm tạo ra các bức tranh, hộp đựng đồ từ vật liệu này, cho thấy tính thẩm mỹ và khả năng ứng dụng cao. Nghiên cứu của Khang và Sang đã chứng minh rằng, từ những vật liệu tưởng chừng như bỏ đi, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm hữu ích, mang lại lợi ích kinh tế và xã hội.
Nguyễn Trung Khang và Hà Thanh Sang trình bày sản phẩm của mình
Hà Thanh Sang chia sẻ: “Bã trà tưởng chừng là phế phẩm sau mỗi tách trà thơm, lại ẩn chứa tiềm năng vô tận. Trong nông nghiệp, bã trà là nguồn phân bón hữu cơ tuyệt vời, cung cấp dưỡng chất cho cây trồng và cải thiện cấu trúc đất. Xơ thốt nốt, phần xơ cứng bao quanh quả thốt nốt, thường bị bỏ đi sau khi thu hoạch phần thịt quả. Tuy nhiên, nếu biết cách tận dụng, xơ thốt nốt sẽ trở thành nguồn tài nguyên quý giá với nhiều ứng dụng thiết thực. Vỏ hến, một loại phế thải từ hoạt động chế biến thủy hải sản, thường gây ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý đúng cách. Tuy nhiên, vỏ hến lại chứa đựng nhiều tiềm năng ứng dụng bất ngờ. Trong xây dựng, vỏ hến sau khi được nghiền nhỏ có thể được sử dụng làm phụ gia cho xi-măng, vữa, bê-tông, giúp tăng độ bền và khả năng chống thấm của vật liệu”.
Không chỉ vậy, bã trà còn là “vị cứu tinh” cho những không gian bí bách. Khả năng hút ẩm và khử mùi của bã trà giúp loại bỏ mùi hôi khó chịu trong giày dép, tủ lạnh hay thậm chí là nhà vệ sinh. Chỉ cần một túi vải nhỏ đựng bã trà khô, bạn đã có một sản phẩm khử mùi tự nhiên, hiệu quả. Khả năng giữ ẩm tốt của xơ thốt nốt còn được ứng dụng trong việc tạo giá thể trồng cây, đặc biệt là cho các loại cây thủy canh. Bên cạnh đó, với bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công, xơ thốt nốt được tước sợi, đan thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo như giỏ, thảm, đồ trang trí, mang đậm nét văn hóa địa phương.
Vật trang trí làm từ bã trà, xơ thốt nốt và vỏ hến
Vỏ hến còn được sử dụng để trang trí tường, sân vườn, tạo điểm nhấn thẩm mỹ cho không gian sống. Thành phần canxi trong vỏ hến biến chúng thành nguồn phân bón hữu ích cho cây trồng, giúp cải tạo đất và cung cấp dưỡng chất cho cây. Khả năng hấp thụ các chất ô nhiễm trong nước của vỏ hến còn được ứng dụng trong xử lý nước thải, góp phần bảo vệ nguồn nước. Việc đa dạng hóa sản phẩm từ bã trà, xơ thốt nốt và vỏ hến không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường.
“Những nguyên liệu trên đều được chúng em nhặt về từ các quán cà-phê hay 2 bên đường trên địa bàn TP. Châu Đốc. Khi mang bã trà, xơ thốt nốt, vỏ hến về, chúng em sẽ sơ chế bằng cách rửa sạch, phơi khô và sấy thành bột nhỏ. Sau khi có đủ 3 nguyên liệu trên thì bắt tay vào làm ra sản phẩm. Bằng cách pha theo tỷ lệ phù hợp và trộn với một chất keo sinh học, xong phần pha trộn bột sẽ mang đi ép khuôn là hoàn thành sản phẩm” - tác giả Nguyễn Trung Khang cho hay.
Nhóm tác giả đã thử nghiệm pha chế các tỷ lệ khác nhau để tìm ra công thức tối ưu, tạo ra các mẫu gạch có độ bền cao. Bã trà trong hỗn hợp đóng vai trò như chất kết dính tự nhiên, tăng độ liên kết giữa các thành phần. Đây là hướng đi bền vững, cần được khuyến khích và nhân rộng. Hy vọng, các bạn sẽ tiếp tục nuôi dưỡng đam mê tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường để hoàn thiện hơn nữa các sản phẩm từ sự kết hợp bã trà, xơ thốt nốt và vỏ hến.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng thăm, chúc Tết các địa phương, đơn vị
An Giang phấn đấu mục tiêu tăng trưởng
Vạn thọ - Hoa Tết đậm hồn quê
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang chúc Tết các đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy và nguyên lãnh đạo quân đội
Đưa nhà ở đến với xã hội
Phát triển du lịch chợ nổi, sinh thái giữa lòng thành phố
Bếp bánh yêu thương
Kiên quyết chống tham nhũng
Rộn ràng Xuân quê hương
Hoàn thành nâng cấp lán nhựa đường nông thôn phường Bình Khánh