Con nước cuối mùa

19/11/2024 17:49

Sau những ngày tung hoành trên cánh đồng mênh mông, con nước lũ cũng đến ngày về lại cùng sông rồi ra biển lớn. Với dân câu lưới, con nước cuối mùa là hy vọng để họ đón năm mới trong sự no đủ, ấm cúng.

Nhiều ngư dân đang trông chờ con nước tháng 10 âm lịch để đón Tết

 

Từ ngày ấy…

Tháng 10 âm lịch, những ô ruộng gò trồi lên mặt nước sau thời gian ngâm mình trong mùa lũ. Mặt ruộng sẫm màu, nâu nâu cái chất phù sa. Gió bấc non ở đâu về thổi liu riu, đánh thức cái lạnh sắt se. Từng đi qua nhiều mùa nước nổi, tôi vẫn còn nhớ như in kỷ niệm xa xưa về tháng bấc non, cái tháng co ro của đứa trẻ miền Tây khi đến lớp.

Còn nhớ, đất trời ngày ấy mưa thuận gió hòa, đến thời nào thì tiết ấy. Giữa  tháng 10 âm lịch, con nước lũ chưa hẳn đi, mùa lạnh thì đã đến. Tôi không biết nhiệt độ những ngày ấy là bao nhiêu, chỉ nhớ rằng chuyện đi học của đám con nít vất vả lắm. Ngồi trong lớp học mà cái lạnh tràn ngập không gian, tiếng đọc bài run run theo nhịp thước của cô. Đời sống hồi ấy khó khăn, đứa nào có chiếc áo ấm là sang lắm. Đa phần, vẫn là chiếc áo trắng quen thuộc hàng ngày tới lớp.

Lạnh thì lạnh, nhưng trưa nắng lên anh em tôi lại rủ nhau đi đặt lờ, xách chài kiếm cá. Ngày đó, anh hai mới lên 10, tôi thì 7 tuổi. Dù nhỏ, nhưng cả 2 vẫn cố kiếm được mớ cá cho bữa cơm nghèo. Những năm 90, người ta chỉ lo chạy gạo, bởi con cá cuối mùa nước còn phong phú. Vì chúng tôi chài lưới, nên dính đủ thứ cá. Dân miền Tây gọi đó là hủn hỉn, đem kho tiêu ăn ngon đáo để!

Những ngày đó, tôi hì hục lội theo anh mình, lâu lâu cũng “đánh bò cạp” vài cái. Có lẽ, những người thuộc thế hệ 8X như tôi trở về trước mới cảm nhận đầy đủ cái lạnh của mùa gió bấc. Từ đầu gối trở xuống lạnh vì lội nước, phần còn lại thì co ro vì gió. Cũng là lạnh mà khác nhau vô kể.

Không riêng chúng tôi, hầu như nhà nào cũng tranh thủ con nước tháng 10 âm lịch để đi kiếm cá. Cá đồng sau mấy tháng thong dong giữa trời nước bao la, đã béo tròn béo trục. Người ta kéo lưới, dỡ chà, đổ dớn… để tận hưởng lộc trời. Cá dính nhiều, các bà, các mẹ cho vào lu ủ mắm, dành ăn dần. Cũng từ những lu cá ủ này, mấy nồi nước mắm đồng thơm lừng mới xuất hiện trong ký ức của tôi. Rồi xâu khô lủng lẳng ngoài sân, hăng hăng mùi của muối cũng từ đó mà ra, để bữa cơm sáng, cơm trưa mặn mòi vị quê nghèo. Rồi hàng chục mùa lũ nữa đi qua, con nước lũ dần thay đổi.

 

Ngư dân tất bật chuẩn bị cho đón con nước cuối mùa

 

… đến bây giờ

Lặng lẽ vá lại tấm lưới chuẩn bị cho vụ cá cuối mùa, ông Trần Văn Sang (ngụ phường Nhơn Hưng, TX. Tịnh Biên) thở dài khi được hỏi về nguồn thu năm nay: “Mùa nước năm nay kiếm tiền đỏ con mắt. Cá mắm cứ lai rai, không có thời điểm rộ. Như tui hổm nay đi giăng lưới, ngày kiếm 3 - 4kg cá mè vinh, đem bán chợ ngót nghét trăm ngàn đồng. Cũng có bữa bà cậu đãi kiếm hơn chục ký, nhưng số ngày đó không nhiều. Hết cách, tui mới làm chà mùng để vớt vát vụ cá cuối mùa. Mong là “tổ đãi” để còn lo đón Tết”.

Trong câu chuyện của lão ngư dân này, thoáng chút gì đó tiếc nuối về ngày trước. Bám nghề câu lưới từ thời trai trẻ, giờ tóc đã “muối tiêu” nên ông hiểu con nước lũ như người bạn thân. Ông tâm sự: “Hồi trước, tháng này tui cất vó, cá dính dày đặc. Có đợt dính nhiều, cất vó lên không nổi, buộc phải xả ra. Bây giờ, tui dẹp luôn vó, chỉ đi giăng lưới lai rai. Mấy đứa con thì đi dổ dớn ở đồng giáp biên, nguồn thu đỡ hơn. Mình già rồi, có thức đêm, thức hôm như tụi nó được đâu. Còn mần được thì ráng lo thân, khi làm không nổi nữa thì trông vô con cháu!”.

Khi được hỏi về mặt cá, ông Sang càng lộ vẻ buồn. Những loài cá từng rất phong phú ở cái xứ biên giới này, như cá ngựa, cá dày bây giờ mất hẳn. Với loài phổ biến hơn như cá mè vinh, cá he cũng lưa thưa. Chủ yếu năm nay cá linh là nhiều hơn cả. Thời điểm này, cá linh to cỡ ngón tay cái, đem cân bạn hàng với giá 7.000 - 8.000 đồng/kg, nên các con ông Sang đủ sống. Riêng ông, đang dồn hết hy vọng vào chiếc chà mùng khoảng 20 ngày nữa sẽ dỡ lên.

Cùng nghề với ông Sang, anh Lê Văn Hào (ngụ xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) đang hy vọng vào con nước cuối mùa. Thong dong bơi xuồng, anh đưa mắt nhìn về phía xa xa với nụ cười hiền. “Tui chờ con nước cuối mùa này nữa, rồi đi Bình Dương kiếm sống. Ở quê thì thuận tiện, nhưng đồng vô hạn hẹp nên mình chỉ đủ ăn. Trong khi chuyện học hành của con cái, chuyện cất lại cái nhà đều phải cần tiền, vợ chồng tui đành trở lại xứ người. Mấy đứa em trên đó nói công ty qua Tết sẽ tuyển người, nên tui định tha hương lần nữa” - anh Hào thật tình.

Trong nụ cười hiền của ngư dân này, tôi cảm nhận rõ nỗi buồn của anh. Anh bộc bạch, không muốn rời quê, nhưng vì nghề bà cậu ngày càng khó kiếm sống, nước lũ “năm vui, năm buồn”. Bây giờ, người ta đâu thể cứ nghĩ đến chuyện đủ ăn, mà còn lo chuyện vươn lên khấm khá, chuyện học hành cho thế hệ tương lai. Đời anh đã gắn với cây dầm, giờ không muốn các con phải vất vả như mình, nhất là khi mùa nước nổi không còn như xưa.

“Mình đã theo nghề, nên giờ phải ráng. Hy vọng là trong mấy ngày tới, con cá sẽ nhiều lên để tui có được đồng vô khá hơn. Cũng đã nhiều năm, con nước lũ dù không lớn nhưng cuối mùa vẫn đãi dân câu lưới, tui hy vọng năm nay cũng vậy, để Tết này nhà cửa vui vẻ!” - anh Hào lạc quan.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới