Còn khó khăn trong quản lý sau cai nghiện ma túy
22/07/2024 17:18
Nhiều năm qua, công tác cai nghiện ma túy được tỉnh quản lý chặt chẽ, đầu tư nguồn lực lớn, chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, trong công tác quản lý đối tượng sau cai nghiện còn gặp khó khăn, bất cập, cần có giải pháp giải quyết.
Triển khai nhiều hình thức
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang, đến đầu tháng 7/2024, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) tiếp nhận 1.188 người, trong đó, đối tượng cai nghiện 260 người, cai nghiện bắt buộc 834 người, cai nghiện tự nguyện 94 người.
Đối tượng tập trung ở độ tuổi từ 18 đến trên dưới 35 tuổi, phần đông là nam giới, sử dụng cần sa, Heroin, nhiều nhất là Methamphetamin, số ít “xài” cùng lúc nhiều loại ma túy, MDMA (thuốc lắc), Ketamin... Cơ sở giải quyết 511 người hoàn thành cai nghiện, quản lý 898 người.
Căn cứ nội dung Chỉ thị 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Trung ương, Kế hoạch 96-KH/TU, ngày 18/11/2019 của Tỉnh ủy về công tác phòng, chống ma túy, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH An Giang tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành.
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bãi bỏ một số nghị quyết thuộc lĩnh vực LĐ-TB&XH, như quy định định mức các khoản đóng góp về chế độ hỗ trợ, miễn giảm chi phí cai nghiện... Cùng với công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh, sở triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy 2021, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Từ năm 2019 đến tháng 6/2024, đơn vị tổ chức 91 buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy với 10.546 công dân và cán bộ tham dự; tổ chức 23 buổi tuyên truyền chuyên đề về phòng, chống ma túy cho 2.421 lượt công dân, cán bộ, học sinh, đối tượng nghiện ma túy. Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 5 đợt tuyên truyền dự phòng cai nghiện ma túy tại 5 trường THPT, với 1.200 giáo viên và học sinh tham dự; phối hợp phòng LĐ-TB&XH cấp huyện lồng ghép tổ chức 30 buổi tuyên truyền với hơn 3.425 người dân và cán bộ tham dự; phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức 33 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy và phòng, chống mua bán người tại 20 xã, phường, thị trấn biên giới, với trên 4.000 người và học sinh tham dự.
Tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại Cơ sở cai nghiện ma túy
Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH An Giang phối hợp cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền phòng, chống ma túy. Tại Cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức 5 buổi tuyên truyền lồng ghép Luật Bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực cho thanh, thiếu niên. Trong “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, đơn vị triển khai thí điểm mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng” ở 11 xã, phường của 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và bước đầu phát huy tác dụng.
Khắc phục tồn tại
Mặc dù, công tác cai nghiện ma túy đạt được một số kết quả khả quan, nhưng vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Trước hết, số người nghiện ma túy đưa vào cơ sở duy trì ở mức cao, trong khi Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh quá tải 260 người, chưa đảm bảo quy mô sức chứa theo Nghị định 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Về công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc quy định, giao người phải có nơi cư trú ổn định, nhưng đối tượng hoàn thành cai nghiện về cộng đồng thường không ở địa phương. Qua đó, việc thi hành quyết định cai nghiện bắt buộc thường bị trì hoãn, gặp khó khăn trong thực hiện.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 116/2021/NĐ-CP, gia đình người nghiện ma túy (bao gồm cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột từ 18 tuổi trở lên), nhưng trong thực tế nhiều trường hợp người thân đã chết hoặc chưa đủ điều kiện nên khi giao cho người thân khác (cậu, mợ, dì, dượng...) là trái quy định.
Công tác quản lý sau cai nghiện gặp tình trạng người hoàn thành cai nghiện không nơi cư trú ổn định nên chưa thể đưa vào danh sách quản lý. Từ đó, các đối tượng này không được địa phương, cơ quan chức năng thực hiện hoạt động tư vấn, giúp đỡ phòng, chống tái nghiện, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, tham gia hoạt động xã hội hữu ích...
Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH An Giang tiếp tục triển khai thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo hướng dẫn tại Công văn 584/PCTNXH-CNMT, ngày 8/11/2023 của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; thực hiện công tác cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện, duy trì và nhân rộng mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng”.
Kiến nghị cấp trên đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh với quy mô 1.000 người để bảo đảm có khu vực riêng đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; bảo đảm trang thiết bị về y tế, phương tiện cần thiết cũng như số lượng nhân sự theo quy định Luật Phòng, chống ma túy hiện hành.
Đồng thời, kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Bộ Y tế xây dựng các tiêu chí xác định mức độ lạm dụng, nghiện ma túy và phác đồ điều trị nghiện với từng loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp để áp dụng; đề nghị Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tập huấn nâng cao năng lực cán bộ công tác tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, tổ chức tập huấn chuyên môn để thực hiện công tác quản lý sau cai nghiện hiệu quả hơn.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Khai mạc Hội chợ sản phẩm OCOP - Đặc sản vùng miền Tịnh Biên năm 2024
Khai mạc Ngày hội hàng Việt về nông thôn - Sản phẩm OCOP Phú Tân
Nhiệm vụ cao cả của Đội K93
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới
Phê chuẩn ông Ngô Công Thức giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Lang thang núi Dài Năm Giếng
Châu Đốc khai thác tiềm năng, vươn mình phát triển
Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội