Chuẩn bị công bố Quy hoạch tỉnh An Giang

21/12/2023 11:31

Sáng 20/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước chủ trì cuộc họp với các sở, ngành để rà soát công tác chuẩn bị công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước kết luận tại cuộc họp

 

Dự kiến, Lễ công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được tổ chức vào tháng 1/2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chuẩn bị 2 phương án trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến trước lễ công bố. Trong đó, phương án 1 là chỉ công bố quy hoạch; phương án 2 là kết hợp công bố quy hoạch với xúc tiến đầu tư, trao quyết định chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ đầu tư (hoặc ghi nhớ khảo sát nghiên cứu đầu tư). Đối với video clip trình chiếu tại lễ công bố, cần xây dựng hình ảnh ấn tượng, sinh động, chọn tiêu đề ngắn gọn, súc tích, nêu bật quy hoạch và định hướng phát triển lâu dài của tỉnh.

Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở cho định hướng phát triển lâu dài của tỉnh. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của An Giang trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược hội nhập quốc tế của đất nước, thể hiện rõ trên 3 “bảo đảm an ninh” lớn (an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và an ninh biên giới).

Mục tiêu của quy hoạch là phát triển An Giang trở thành tỉnh năng động, hiện đại, văn minh, sinh thái và bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với Quy hoạch vùng ĐBSCL, bảo đảm phát triển bao trùm và hướng tới thịnh vượng; phát triển vì con người, chú trọng gìn giữ và tôn tạo sự đa dạng văn hóa, các giá trị truyền thống, lịch sử; tôn trọng quy luật tự nhiên và bảo về các hệ sinh thái tự nhiên.

Theo quy hoạch, An Giang tập trung phát triển 3 trụ cột là: Nông, thủy sản hàng hóa chất lượng cao; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và công nghiệp năng lượng; các dịch vụ giá trị gia tăng, thương mại nội địa, xuất nhập khẩu, logistics và du lịch văn hóa có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, du lịch sinh thái.

Tỉnh phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với 3 vùng sinh thái đặc trưng (lưu vực sông Tiền, sông Hậu; vùng Bảy Núi; vùng Tứ giác Long Xuyên), gắn với thương mại, du lịch và công nghiệp chế biến; phát triển công nghiệp theo hướng xanh, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến tinh lương thực, thực phẩm; phát triển thương mại theo hướng là đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của một số tỉnh trong vùng sang thị trường Campuchia và ASEAN…

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới