Chờ mùa nước nổi
30/07/2024 09:52
Cuối tháng 6 (âm lịch), con nước dưới sông đã “lừ lừ chín đỏ”, dân câu lưới cũng tất bật chuẩn bị cho mùa cá mới. Tuy nhiên, do diễn biến khí hậu bất thường nhiều năm qua nên họ chỉ biết trông chờ một mùa lũ “đẹp”, để vun vén cuộc sống gia đình ổn định hơn.
Mưu sinh đầu mùa
Cơn mưa dầm buổi sớm mai vừa dứt, nước sông Vĩnh Hội Đông cuồn cuộn chảy mang theo mấy rặng lục bình thơ thẩn về xuôi. Lúc này, anh Nguyễn Văn Bá, người dân ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang) đã đẩy xuồng giăng lưới kiếm mớ cá về bán chợ.
Anh Bá chia sẻ: “Hổm nước chụp đồng, cá dính cũng khá. Tui giăng lưới kiếm ngày 5 - 7kg cá mè vinh, cá dảnh đem bán chợ sáng, thu nhập được hơn 200.000 đồng/ngày. Mấy nay mưa, cá ít đi ăn nên dính lai rai, tui chỉ đủ sống qua ngày. Quanh năm, tui giăng lưới mưu sinh. Mùa khô, chịu khó lặn lội thì đủ sống. Mùa nước, mình ráng cực khổ để có đồng dư dành cho sấp nhỏ đi học, rồi lo trong nhà ăn Tết. Anh thấy giờ là cuối tháng 6 (âm lịch), loay hoay hết mùa nước là Tết tới sát bên rồi. Không ráng lo từ lúc này, cuối năm nhà tui khó khăn lắm!”.
Con nước lũ chỉ vừa mới “lên đồng”
Nói về cái nghề của mình, anh Bá trải lòng, do gia đình nghèo nên chuyện học hành chỉ dừng lại ở mức biết đọc, biết viết. Lớn lên, anh theo nghiệp sông nước của cha, rồi gắn với nó đến bây giờ. Cũng có vài năm anh đi làm phụ hồ ở tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh nhưng xét ra không đủ sống, đành trở về quê ngụp lặn với con nước ròng, nước lớn.
“Nghĩ kỹ, mình về quê vậy mà cuộc sống thoải mái hơn. Trở về cái nghề hạ bạc, nói dư thì không dư, mà đói thì không đói. Ở quê, đời sống giản đơn, chuyện cơm áo cũng nhẹ gánh hơn xứ người. Tui bắt được cá, nhiều thì đem bán chợ, ít thì cũng có bữa cơm no cho vợ con.
Quê mình nghèo nhưng trái ớt, trái cà không thiếu, chứ quê người đâu ai cho không ai cái gì. Mấy nay, con cá xuất hiện nhiều hơn nên cuộc sống gia đình tui cũng đỡ. Những người đổ dớn, họ bắt được cá linh non thì đồng vô càng khá hơn” - anh Bá thiệt tình.
Ngư dân bủa lưới, kiếm cá trên sông
Tạm biệt người ngư dân chất phác, tôi dạo một vòng chợ Vĩnh Hội Đông, thấy mặt hàng cá đồng chưa nhiều lắm. Một số tiểu thương cho biết, chợ Vĩnh Hội Đông có cá đồng quanh năm, vì chúng theo dòng nước từ Campuchia đổ xuống, đến ngã ba sông thì trở thành nguồn sống cho dân câu lưới.
Do những ngày mưa nên cá đồng hơi ít, chứ lệ thường không thiếu. Hoặc muốn ăn cá ngon, phải đi từ sáng sớm, lúc cá được bạn hàng mang từ vèo lên chợ. Chỉ là, người phương xa như tôi hiếm khi có dịp đi chợ quê đầu nguồn trong buổi sớm mai.
Không chỉ ngư dân đầu nguồn, những “đồng nghiệp” của họ ở vùng biên giới Tịnh Biên, Châu Đốc cũng sẵn sàng cho mùa cá mới. Những ngày này, nước kênh Vĩnh Tế đã mấp mé bờ. Những chỗ thấp, con nước “bò” vào mặt ruộng, bì bõm bước chân nặng trịch của những ngư dân. Dưới bến, mấy chiếc vỏ lãi nằm im ngơi nghỉ sau chuyến mưu sinh mệt nhọc.
Anh Trần Văn Út (ngụ xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) đang xuôi xuồng theo dòng nước, chăm chú bủa lưới kiếm cá cho bữa cơm chiều. Khi được hỏi về sản lượng cá đồng thời điểm này, anh cười hiền: “Cá cũng lai rai, bữa vài ba ký chứ chưa nhiều. Được cái, đầu mùa cá có giá nên mình cũng sống được. Tới con nước tháng 8 (âm lịch), vùng này ngập linh binh thì dân bà cậu mới thực sự vô mùa cá. Lúc đó, tui cũng lên vỏ lãi đi bắt cá đồng xa. Giờ tui đã kiểm tra vỏ lãi, thử máy móc, mang lưới ra vá đôi chỗ rách đợi tới mùa là xuất phát. Hy vọng năm nay nước lũ lớn, để vớt vát lại năm rồi”.
Chờ lũ
Hì hục xốc những thân cây cắm chặt xuống bờ kênh Trà Sư, ông Lê Văn Cần (ngụ phường Nhơn Hưng, TX. Tịnh Biên) vui vẻ trả lời câu hỏi của khách phương xa. Ông cho biết, mình đang dựng lại chiếc cầu dưới bến thật kiên cố, để vỏ lãi neo chắc chắn. Năm nào, thời điểm nước dưới kênh nhuộm đỏ phù sa, ông cũng làm công việc quen thuộc này.
“Mùa nước, mình đi kiếm cá rồi trở về cũng qua cái bến này, nên nó phải cao, phải chắc chắn để chịu đựng được mấy tháng dài. Năm nay, cuối tháng 6 mà mực nước này thì tui thấy có chút hy vọng cho mùa cá mới. Vì tui chỉ giăng lưới hoặc đi chài, nên đời sống cũng bấp bênh. Mình già rồi, kiếm được bao nhiêu thì mừng bấy nhiêu, miễn sao có bữa cơm qua ngày để con cái nhẹ lòng lo” - ông Cần trải lòng.
Trong câu chuyện của lão ngư gần 70 tuổi đời, những ngày cá đồng được bạn hàng cân theo giạ đã trở thành quá vãng. Hồi ấy, người ta ăn cá không hết thì làm vài chục hũ mắm chất dọc lối đi, hay làm vài bao khô bỏ trên gác bếp. Nhớ lại, toàn đặc sản mà hồi ấy chẳng ai biết quý, bởi nhà nào cũng có. Bây giờ, con cá ngày càng ít đi nên ông Cần còn kiếm sống được với nghề cũng là may lắm!
Ông Cần đang trông chờ mùa lũ mới
“Cá tui bắt được để dành ăn, dư mới đem bán chợ. Lúc này, mỗi ngày được vài ba con cá mè vinh, cá dảnh đem bán cũng khó. Đầu mùa tui giăng lưới, chài cá cho đến tháng 9, 10 (âm lịch) thì chuyển sang đặt lờ cá lóc. Góp nhặt được từ chục cái lờ, cũng có thêm nguồn thu cuối mùa.
Gắn bó với vùng này từ nhỏ tới giờ, tui cũng chỉ quẩn quanh với việc làm thuê mướn, làm nghề hạ bạc. Nghề này nói ra cơ cực lắm. Chú ngụp lặn cả ngày, cả đêm, chứ ráo nước cây dầm xuồng là hết tiền. Lúc đó, lại phải đi kiếm con cá, con cua cho những ngày sau!” - ông Cần bộc bạch.
Dù biết mình vất vả, nhưng ông Cần và những người theo nghề hạ bạc vẫn trông chờ vào mùa lũ. Vẫn có những năm, dân câu lưới kiếm được kha khá bởi con nước lên đồng, mang theo sản lượng thủy sản dồi dào. Chỉ là, nước lũ giờ khó đoán định, nên năm nào được thì mừng, năm nào thất thì cố gắng ngụp lặn để có cái ăn.
Với một số ngư dân, ngoài việc ngụp lặn với nghề, họ còn nuôi cá theo kiểu “bán hoang dã”. Anh Trần Văn Mẫm, ngụ phường Thới Sơn (TX. Tịnh Biên) đã làm cách này 2 mùa lũ qua, giúp cải thiện nguồn thu gia đình. “Giờ tui đã chuẩn bị xong chỗ nuôi, sắp tới sẽ thu mua cá nhỏ của mấy anh em câu lưới đổ vô vèo, nuôi đến tháng 10 (âm lịch) thì cất lưới.
Mình nhờ nước lũ có sẵn, rồi mua ốc cho ăn nên chi phí cũng nhẹ. Năm trước, nhờ cách làm này mà gia đình tui có thêm nguồn thu ăn Tết. Hy vọng năm nay “tổ đãi” dân câu lưới để tụi tui bớt khổ, chứ hai mùa rồi cứ quay quắt với cảnh đắp đổi cho qua mùa nước” - anh Mẫm thiệt tình.
Anh Mẫm cũng cho hay, thời điểm này vẫn đang chạy “xe ôm” phụ thêm cho cuộc sống gia đình, bởi con cá chưa lên đồng đẻ trứng. Có lẽ, phải đến hơn tháng nữa, khi nước “nhảy khỏi bờ”, anh mới bỏ mớ lọp lên xuồng đi tìm kế mưu sinh, với mong muốn sẽ sắm quần áo mới, mớ tập sách để các con vui vẻ vào năm học mới.
Dù con nước lũ không còn hào phóng như xưa, nhưng vẫn là niềm hy vọng của những ai theo nghề hạ bạc. Vì nhiều lý do, họ chọn cho mình cái nghiệp ngụp lặn cùng “bà cậu”, cam chịu phận đời gạo chợ nước sông, chỉ với mong mỏi thế hệ tiếp theo sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn trong những ngày tháng tới.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Khai mạc Hội chợ sản phẩm OCOP - Đặc sản vùng miền Tịnh Biên năm 2024
Khai mạc Ngày hội hàng Việt về nông thôn - Sản phẩm OCOP Phú Tân
Nhiệm vụ cao cả của Đội K93
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới
Phê chuẩn ông Ngô Công Thức giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Lang thang núi Dài Năm Giếng
Châu Đốc khai thác tiềm năng, vươn mình phát triển
Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội