Chính sách cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
16/08/2024 09:22
Nghị quyết 36/2022/NQ-HĐND, ngày 12/12/2022 của HĐND tỉnh quy định số lượng, mức phụ cấp đối với công an xã bán chuyên trách tiếp tục được sử dụng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đây là quy định cần thiết, đảm bảo chế độ, chính sách của công an xã bán chuyên trách, trong quá trình “chuyển tiếp”, chờ Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở năm 2023 được ban hành, chính thức có hiệu lực.
“An Giang là một trong những địa phương trên cả nước đi đầu trong việc chuyển toàn bộ mô hình công an xã từ bán chuyên trách sang chính quy, nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo ANTT ở cơ sở trong tình hình mới. Việc bố trí công an xã chính quy là chủ trương đúng đắn, cần thiết, giúp nâng cao chất lượng, tính tinh nhuệ, sức chiến đấu của lực lượng công an cơ sở. Bên cạnh đó, lực lượng công an xã bán chuyên trách thời gian qua hỗ trợ đắc lực cho công an chính quy thực hiện nhiệm vụ. Thực tiễn cho thấy, đây là lực lượng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm; chấp hành nghiêm sự quản lý, lãnh, chỉ đạo trực tiếp của chỉ huy công an xã; tích cực hỗ trợ tuần tra, kiểm soát, giải quyết hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội; tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật; tham gia bảo vệ hiện trường; hòa giải, tuyên truyền, động viên người dân hưởng ứng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và các chương trình mục tiêu quốc gia… Do đó, cần có sự hài hòa trong giải quyết chế độ, chính sách khi kết thúc vai trò của lực lượng này” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng nhấn mạnh.
Theo đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh, thời gian qua, việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 36/2022/NQ-HĐND tại các địa phương, đơn vị nghiêm túc, kịp thời; góp phần đảm bảo đầy đủ, đúng quy định, chế độ, chính sách đối với lực lượng công an xã bán chuyên trách tiếp tục được sử dụng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở. Ngoài ra, còn được hưởng một số chế độ, chính sách khác theo Pháp lệnh Công an xã, như: Được cấp trang phục hàng năm theo định mức; hỗ trợ bảo hiểm y tế. Một số địa phương cân đối từ nguồn kinh phí được giao, hỗ trợ tiền ăn hàng ngày cho lực lượng này. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng công an xã bán chuyên trách được Công an tỉnh quan tâm lãnh, chỉ đạo.
Tuy nhiên, một số khó khăn, vướng mắc lớn đã xuất hiện trong quá trình thực hiện Nghị quyết 36/2022/NQ-HĐND. Rõ nét nhất là chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng công an xã bán chuyên trách tiếp tục được sử dụng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở còn thấp; chưa tương xứng với khối lượng, tính chất công việc, yêu cầu, nhiệm vụ đang gánh vác. Vì vậy, khó giữ chân lực lượng này tiếp tục gắn bó lâu dài. Tính đến cuối tháng 2/2024, toàn tỉnh còn thiếu 430 công an xã bán chuyên trách so với quy định. Trước áp lực về mặt nhân sự, một số địa phương thu tuyển người chưa đúng quy định. Có nơi chưa đảm bảo điều kiện làm việc, ăn nghỉ, sinh hoạt, hỗ trợ tiền ăn cho lực lượng này, phần nào ảnh hưởng đến tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công việc.
Vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình kết quả, hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết 36/2022/NQ-HĐND. Trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, mang tính xây dựng, phiên giải trình đạt yêu cầu đề ra. Lãnh đạo sở, ngành liên quan đã trả lời, giải trình đầy đủ, nêu bật những kết quả đạt được trong thực hiện nghị quyết. Đặc biệt, đã phân tích sâu, kỹ nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, hạn chế, khó khăn; tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, khả thi tháo gỡ vướng mắc trong thời gian tới. Ghi nhận ý kiến của các đơn vị trong phiên chất vấn, đồng chí Lê Văn Nưng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành, địa phương thực hiện Nghị định 42/2021/NĐ-CP, ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy; có giải pháp xử lý trường hợp thu tuyển không đúng đối tượng; báo cáo kết quả tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2024.
Ngày 18/7/2024, tại kỳ họp giữa năm, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 08/2024/NQ-HĐND, quy định tiêu chí thành lập, số lượng thành viên Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết 09/2024/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng. Theo đó, đối với khóm, ấp có dưới 3.000 người, bố trí 3 thành viên/tổ; từ 3.000 - 4.000 người, bố trí 4 thành viên/tổ; trên 4.000 người, khu vực biên giới, bố trí 5 thành viên/tổ. Hàng tháng, tổ trưởng được hỗ trợ 2,7 triệu đồng, tổ phó hơn 2,3 triệu đồng, tổ viên gần 2 triệu đồng; được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Hàng năm, được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế. Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm), được hưởng bồi dưỡng 50.000 đồng/người/ngày (nhưng không quá 10 ngày/người/tháng). Ngoài ra, còn được hỗ trợ trang phục cá nhân, tiền tuất, tiền mai táng phí, văn phòng phẩm, huấn luyện, bồi dưỡng…
Khi 2 nghị quyết trên có hiệu lực, Nghị quyết 36/2022/NQ-HĐND được bãi bỏ, hoàn thành “vai trò” của giai đoạn cũ. Đây là cơ sở quan trọng để đảm bảo chế độ, chính sách và ổn định hoạt động của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Khai mạc Hội chợ sản phẩm OCOP - Đặc sản vùng miền Tịnh Biên năm 2024
Khai mạc Ngày hội hàng Việt về nông thôn - Sản phẩm OCOP Phú Tân
Nhiệm vụ cao cả của Đội K93
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới
Phê chuẩn ông Ngô Công Thức giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Lang thang núi Dài Năm Giếng
Châu Đốc khai thác tiềm năng, vươn mình phát triển
Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội