Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh

31/12/2024 10:51

Sức khỏe là vốn quý của con người. Chăm sóc sức khỏe tốt để chúng ta có thể học tập, làm việc hiệu quả, nuôi dưỡng ước mơ và làm được nhiều điều ý nghĩa… Đặc biệt, việc chủ động chăm sóc sức khỏe, trong đó có sức khỏe tâm thần sẽ giúp phòng bệnh từ sớm, có giải pháp phát hiện sớm để can thiệp kịp thời.

 

Khen thưởng học sinh đạt giải Hội thi sáng tạo khẩu hiệu truyền thông về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh

Có nhiều yếu tố liên quan đến sức khỏe tâm thần của học sinh. Ở mỗi lứa tuổi, các em sẽ có những căng thẳng, lo âu, áp lực riêng, không phải cha mẹ hay thầy cô nào cũng có thể dễ dàng nhìn ra những diễn biến tâm lý phức tạp của các em. Thực tế cho thấy, một trong những yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tâm thần của học sinh chính là sự thiếu kiến thức về sức khỏe tâm thần của chính các em, cũng như gia đình và giáo viên. Chính vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các kế hoạch hành động, tổ chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên, chỉ đạo các trường học tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh trong thời gian qua.

Các Hội thi Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh năm 2024 được Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho tất cả mọi người về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh. Từ đó, kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ những học sinh dễ bị tổn thương, thúc đẩy mối quan hệ tích cực giữa giáo viên và học sinh, giảm áp lực học tập, tăng cường kết nối giữa học sinh với nhà trường, cũng như xây dựng mối quan hệ tích cực giữa các em với nhau. Đồng thời, giúp các bậc phụ huynh nhận ra những dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe tâm thần của học sinh để kịp thời can thiệp, hỗ trợ, giúp các em vượt qua khó khăn và phát triển toàn diện.

Điển hình như cô Ngô Nguyễn Xuân Quyền, giáo viên Trường THPT Chu Văn An (huyện Phú Tân) đã lắng nghe học sinh bằng tình yêu thương, sự chân thành và cô đã thật sự trở thành điểm tựa đáng tin cậy để học sinh có thể chia sẻ những tâm tư thầm kín của lứa tuổi học trò. Cô đã dùng nhiều biện pháp giáo dục, tích cực hỗ trợ học sinh vượt qua nỗi sợ hãi, tự ti vì sự khác biệt về giới tính; giúp học sinh vượt qua được những mặc cảm, để có thể tự tin thể hiện giá trị của bản thân. Trong bài viết “Yêu những điều khác biệt”, cô Xuân Quyền bày tỏ: “Tôi không nghĩ nhiều về việc khi là một người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục sẽ được học sinh nhớ về mình như thế nào, đền đáp lại với mình ra sao? Với tôi, khi đi dạy được học sinh tin mình, chia sẻ những điều khó nói với mình và thỉnh thoảng nghĩ về mình với những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò như vậy đã là rất ý nghĩa”.

 

Quan tâm lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với học sinh

Trong cuộc sống hiện nay, đối với một số người, để có thể “yêu những điều khác biệt” hay lựa chọn sống tử tế cũng là một việc khiến họ suy tư, đắn đo rất nhiều. Với câu chuyện của thầy Nguyễn Bình An, giáo viên Trường THPT Châu Phong, TX. Tân Châu, chúng ta sẽ thấy được sự chọn lựa rất đời và hiển nhiên theo diễn biến tâm lý phức tạp của một con người. Thầy cô phải mạnh mẽ để tạo động lực cho học sinh phấn đấu, bởi các em rất cần được giúp đỡ. Thầy An đã viết: “Để dứt ra khỏi những cảm xúc tiêu cực ấy, không còn cách nào khác hơn là bản thân tôi phải thay đổi. Không có vấn đề gì là không có cách giải quyết! Phải tìm giải pháp hiệu quả! Không phải hết cách mà là chưa tìm ra cách mới”…

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Bình Thư, Trưởng ban Tổ chức, hội thi mong muốn mang lại nhiều ý nghĩa, tốt đẹp cho tất cả mọi người, đánh thức được những cảm xúc yêu thương, cách nhìn sự vật, sự việc ở hướng tích cực, biết “yêu những điều khác biệt”. Để duy trì và phát huy những kết quả mà ngành giáo dục và đào tạo đã đạt được, giúp học sinh được chăm sóc tốt nhất về thể chất lẫn tinh thần, không cảm thấy cô đơn trên chính hành trình của mình, luôn có sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của nhà trường và cộng đồng xã hội, tôi đề nghị các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và gia đình học sinh về tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh. Phối hợp với các ngành chức năng triển khai tài liệu nâng cao kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn các phương pháp nhận biết và hỗ trợ sàng lọc, can thiệp đối với học sinh có rối loạn sức khỏe tâm thần trong trường học.

Cùng với đó, tiếp tục tổ chức các hoạt động giáo dục kiến thức, các kỹ năng cho học sinh về sức khỏe tâm thần, chú trọng rèn luyện kỹ năng điều chỉnh cảm xúc, giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột, nhận biết dấu hiệu trầm cảm, lo âu, phòng chống bạo lực trong học đường. Tổ chức hoạt động tuyên truyền giáo dục, chăm sóc, hỗ trợ, phòng ngừa và can thiệp sớm đối với các trường hợp học sinh có rối loạn sức khỏe tâm thần, chú trọng đến yếu tố giới và nhạy cảm về giới phù hợp lứa tuổi ở học sinh.

Nguồn baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới