Cẩn trọng “tín dụng đen” dịp cuối năm

19/12/2024 09:09

Cuối năm là thời điểm nhu cầu vay vốn làm ăn, mua sắm của người dân tăng cao. Nắm bắt xu hướng này, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường sử dụng nhiều chiêu trò, như: “Hỗ trợ tài chính”, “cho vay tiêu dùng”… Bên cạnh các cơ quan chức năng đấu tranh triệt phá loại tội phạm này, thì mỗi người dân cần đề cao cảnh giác để tránh mắc bẫy “tín dụng đen”.

 

 

Các đối tượng xấu thường tiếp cận cho vay bằng cách dán, phát tờ rơi, quảng cáo cho vay không cần thế chấp tại một số địa điểm công cộng, như: Cổng trường, khu nhà trọ, trụ điện, cột đèn tín hiệu giao thông, bến xe… với nhiều nội dung, như: “Cho vay nhanh không cần thế chấp”; “Cho vay trả góp, không cần thế chấp”; “Hỗ trợ vay vốn, tiêu dùng trả góp, lãi suất thấp, giải ngân trong ngày, ưu tiên hộ kinh doanh nhỏ lẻ”… Đa phần việc cho vay được thực hiện rất nhanh gọn, thủ tục đơn giản, chỉ cần photo căn cước công dân, cà vẹt xe hoặc giấy phép lái xe…

Ngoài ra, thông qua các công cụ tìm kiếm trên Internet hay trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube…, với từ khóa “vay tiền nhanh”, “vay siêu tốc”, “vay online” sẽ cho ra rất nhiều kết quả liên quan và ứng dụng cho vay trên mạng, trên điện thoại di động. Khi người vay truy cập vào các ứng dụng hoặc trang web vay tiền, sẽ được yêu cầu tạo một tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân, danh bạ điện thoại, hoặc chụp 2 mặt thẻ căn cước công dân. Sau khi hoàn tất các điều kiện, tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản nhưng chỉ nhận được 2/3 số tiền, số còn lại trừ lãi và phí dịch vụ. Chưa dừng lại ở đó, các đối tượng xấu còn tinh vi khi tạo lập và liên kết hàng chục các ứng dụng, trang web vay tiền khác nhau, để khi người vay không có khả năng chi trả, sẽ giới thiệu sang ứng dụng khác để vay tiền trả nợ, dần dần người vay rơi vào “vòng xoắn ốc” giữa các ứng dụng vay với mức lãi suất tăng lên theo bội số nhân. Trần lãi suất ngân hàng chỉ khoảng 10%/năm, nhưng “tín dụng đen” hiện có lãi suất từ 100 - 300%/năm, thậm chí lên đến 800%/năm.

Dù hoạt động theo phương thức nào, các đối tượng tội phạm "tín dụng đen" đều có chung thủ đoạn đòi nợ người vay khi người vay không còn khả năng trả nợ sẽ bị chúng đe dọa, khủng bố tinh thần, tạt sơn nơi ở, ném chất bẩn, thậm chí hành hung để cưỡng đoạt tài sản... hoặc cắt ghép hình ảnh người vay tiền, người thân để bôi nhọ trên Facebook, Zalo. Dễ vay, khó thoát là cái giá chung mà nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin đã trót rơi vào bẫy của “tín dụng đen”. Biến tướng ngày càng tinh vi của tội phạm này không chỉ là nỗi “ám ảnh” của người vay, khiến nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khốn cùng.

Tuy nhiên, không ít người vay đã nhanh chóng bị sập bẫy, rơi vào "mê cung" của “tín dụng đen” có lãi suất rất cao và kéo theo những hệ lụy khôn lường... Đây cũng chính là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm hoạt động mang tính côn đồ, bạo lực, như: Cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Theo anh Trần Văn H. (huyện Châu Phú), do cần tiền đột xuất, cách đây 2 tháng, anh H. “vay nóng” qua app 30 triệu đồng. Sau khi hoàn tất thủ tục, khi bên cho vay chuyển tiền thì mới “tá hỏa” vì phải gánh mức lãi cao hơn rất nhiều lần. Anh Trần Văn H. cho biết: “Cho vay theo kiểu “tín dụng đen” rất đáng sợ, lúc đầu thì mời chào ngon ngọt, thủ tục nhanh gọn. Nhưng sau đó, tôi lại trở thành nạn nhân, lãi suất cắt cổ, cứ tăng theo từng ngày, nào là tiền phạt chậm trả lãi, tiền lãi cộng dồn… Nếu trễ hẹn vài ngày là nhắn tin đe dọa, điện thoại chửi bới, còn làm phiền đến gia đình, người thân, bạn bè, những người mà tôi có số điện thoại. Để thoát khỏi cảnh khổ này tôi phải vay mượn người thân để hoàn trả số tiền gốc và lãi đã vay rất cao”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị L. (TP. Long Xuyên) cho biết: “Do không có vốn nên tôi đã vay 20 triệu để kinh doanh nhỏ tại nhà dịp Tết sắp tới, nhưng họ chỉ đưa tôi có 18,5 triệu đồng, vì nói số tiền 1,5 triệu đồng là tiền đóng bảo hiểm gì đó tôi cũng không rành. Ngoài chuyện lãi suất theo thỏa thuận, tôi phải trả nhiều khoản khác không rõ lý do, khiến số tiền thực tế phải trả cao gấp 2 - 3 lần số tiền đã vay. Từ số tiền vay ban đầu, sau 24 tháng, tôi phải trả trên 40 triệu đồng. mặt khác, tôi thường bị gọi điện thoại hăm dọa, khủng bố tinh thần nếu tôi chậm trả tiền lãi”.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an trong đấu tranh, xử lý tội phạm "tín dụng đen" mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, thận trọng trước những ưu đãi lãi suất, tránh trở thành "con mồi" rơi vào "bẫy". Đồng thời, nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, kịp thời tố giác các đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Người dân nếu có nhu cầu vay tiền nên đến ngân hàng, các đơn vị tài chính có uy tín để làm thủ tục vay theo đúng quy định của pháp luật.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới