Biến tiềm năng, thế mạnh thành động lực tăng trưởng
30/11/2024 15:38
Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa đặc sắc, An Giang đang là điểm đến cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh đang tích cực ưu đãi, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nhằm thu hút dự án đầu tư chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tiềm năng, lợi thế vượt trội
Tỉnh An Giang là vùng đất đặc biệt, có đồng bằng trù phú, đất đai màu mỡ được bồi đắp bởi sông Tiền và sông Hậu, thích hợp để phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là lúa gạo, thủy sản và trái cây. Nơi đây còn có đồi núi hùng vĩ, với nhiều cảnh quan tươi đẹp, hữu tình, sinh động kết hợp nét văn hóa độc đáo của 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer, tạo ra tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí đặc sắc.

Nhà đầu tư tìm hiểu sản phẩm OCOP An Giang
Ngoài ra, tỉnh có tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia dài gần 100km, với 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia (chuẩn bị nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế trong thời gian gần nhất). Đây là đầu mối giao thương quan trọng kết nối với Campuchia và các quốc gia tiểu vùng sông Mekong. Do đó, Chính phủ chọn Khu kinh tế cửa khẩu An Giang là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu quan trọng ưu tiên đầu tư, biến nơi đây thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - logistics - đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp.
“Với lợi thế tự nhiên, tiềm năng sẵn có, giá trị văn hóa, lịch sử được bồi đắp qua nhiều thế hệ, An Giang xác định 3 lĩnh vực trọng tâm phát triển đến năm 2030: Kinh tế nông nghiệp, phát triển du lịch và kinh tế biên mậu. Chúng tôi quyết tâm biến các tiềm năng, thế mạnh này thành động lực tăng trưởng mới cho kinh tế An Giang trong thời gian tới” - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho biết.

Trao Bản thỏa thuận hợp tác, khảo sát đầu tư với 13 nhà đầu tư chiến lược mong muốn hợp tác và nghiên cứu khảo sát đầu tư các dự án thuộc các lĩnh vực quan trọng, nhiều tiếm năng phát triển của An Giang
Với chủ đề “An Giang: Không gian mới - Giá trị mới”, Hội nghị Giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang năm 2024, do UBND tỉnh An Giang tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đã thành công tốt đẹp. Tỉnh kết nối thành công, trao bản thỏa thuận hợp tác, khảo sát đầu tư với 13 nhà đầu tư chiến lược mong muốn hợp tác và nghiên cứu khảo sát đầu tư dự án thuộc các lĩnh vực quan trọng, nhiều tiềm năng phát triển của tỉnh, như: Phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu chức năng khu kinh tế cửa khẩu; công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm, công nghiệp nhẹ; phát triển đô thị và nhà ở thương mại; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; thương mại - dịch vụ logistics - du lịch; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn.
Điểm đến tin cậy, hấp dẫn
Tại hội nghị, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) góp ý, hiến kế giúp tỉnh An Giang nhận diện rõ hơn tiềm năng, lợi thế, cơ hội, môi trường và sự khác biệt khi đầu tư vào tỉnh. Ông Rajib Gupta, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ (INCHAM) cho biết, những năm qua, thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tìm hiếu tiềm năng, chính sách đầu tư tại An Giang
Theo Cục đầu tư nước ngoài, đến tháng 10/2024, DN Ấn Độ đầu tư vào 426 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký gần 1,1 tỷ USD, xếp hạng 24/148 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu tư Ấn Độ đa dạng hóa các khoản đầu tư ở Việt Nam (nhất là ở miền Nam) vào các lĩnh vực chính, như: Năng lượng tái tạo, chế biến nông sản, dược phẩm, công nghệ thông tin, dệt may.
“Chúng tôi tin An Giang có thể thu hút thêm nhà đầu tư Ấn Độ bằng cách đề xuất kế hoạch xúc tiến đầu tư rõ ràng và cụ thể, như: Tổ chức chương trình giới thiệu đầu tư để quảng bá tiềm năng của An Giang; diễn đàn đầu tư theo ngành, tập trung vào lĩnh vực tăng trưởng cao (chế biến nông sản, năng lượng tái tạo). Đồng thời, cung cấp dự án tiềm năng để giúp DN dễ dàng đưa ra quyết định. Cách tiếp cận chủ động này không chỉ tạo sự quan tâm, mà còn xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư Ấn Độ rằng An Giang là điểm đến đầu tư đáng tin cậy và sinh lời. Với những lợi thế độc đáo và sự năng động trong lãnh đạo của chính quyền tỉnh, An Giang sẽ trở thành điểm đến đầy hứa hẹn” - ông Rajib Gupta bày tỏ.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng trao đổi với ông Rajib Gupta, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ
Để phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư vào An Giang, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị lãnh đạo tỉnh cần thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, gồm: Khẩn trương hoàn thiện kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh theo ý kiến góp ý của bộ, ngành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở triển khai quy hoạch tỉnh trong thời gian tới. Tiếp tục huy động tối đa nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, khu, cụm công nghiệp, đô thị động lực; mạng lưới hạ tầng thương mại và dịch vụ chất lượng cao.
"Cần đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Về phía DN, cần thúc đẩy hợp tác giữa DN và Nhà nước, DN với DN, tích cực tìm kiếm kết nối, mở rộng thị trường, tích cực đẩy mạnh xuất khẩu có thế mạnh, tìm hiểu về thông tin về chính sách, luật pháp, nhu cầu thị trường… Với những tiềm năng và lợi thế vượt trội, An Giang đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn. Tin rằng, với sự đồng hành của Chính phủ, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với DN, nhà đầu tư, An Giang sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động của ĐBSCL” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tin tưởng.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Ngẩn ngơ mùa dâu da
Bảy Núi đón mùa mưa
Phụ huynh giám sát con trên môi trường mạng
An Giang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc
Châu Phú phấn đấu hoàn thành kế hoạch quý II
Châu Thành học tập và làm theo lời Bác dạy
"Đam mê" súng, cả nhóm ngồi tù
“Điểm tựa” chùa Kal Pô Prưk
Khơi dậy mạch nguồn văn học, nghệ thuật