Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

05/08/2024 15:49

Tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm sẽ làm công việc trì trệ, cản trở sự phát triển. Khi có cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, sẽ khuyến khích tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn tạo đột phá để phát triển cơ quan, đơn vị, địa phương, đất nước.

Đột phá vì lợi ích chung

Đất nước ta đang trải qua gần 40 năm đổi mới với những thành tựu to lớn, từ một nước nghèo đói, lạc hậu vươn lên vị thế của một quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu, điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài, có tiếng nói uy tín trên trường quốc tế. Kết quả này có được nhờ những đột phá, sáng tạo, thậm chí là “xé rào” của một số địa phương trong “đêm trước đổi mới”, đóng góp bài học thực tiễn cho Trung ương để có Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 - bước ngoặt lịch sử quan trọng về đổi mới tư duy kinh tế, giải phóng sức ì để tạo đột phá phát triển.

Từng đột phá, vươn lên từ nông nghiệp, An Giang được Trung ương đánh giá là địa phương có nhiều sáng kiến đổi mới, giúp Trung ương đúc kết, nhân rộng một số mô hình hiệu quả ra toàn quốc. Tuy nhiên, khi quyết định có những “xé rào”, các lãnh đạo tỉnh An Giang thời kỳ đầu đổi mới chắc hẳn cũng phải đắn đo. “Nhưng suy cho cùng, mình làm vì lợi ích chung, không vì tư lợi cá nhân thì dù có bị “rầy” cũng không sợ” - nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Hữu Khánh (thường gọi Út Vũ) chia sẻ.

 

Thăm hỏi, động viên tại công trường là cách khuyến khích cán bộ, công nhân viên đóng góp vì lợi ích chung

 

Một trong những “xé rào” làm nên dấu ấn của An Giang là giao đất về cho nông hộ sản xuất, ngay trong thời kỳ kinh tế tập trung, bao cấp. “Thời đó, đồng chí Nguyễn Văn Hơn (Sáu Hơn) là Bí thư Tỉnh ủy, đứng trước bài toán làm sao tạo đột phá phát triển lương thực, lãnh đạo tỉnh chọn nông dân là chủ thể, là gốc của sản xuất; khi giao đất cho nông hộ, người dân rất phấn khởi, hăng say trên đồng ruộng của mình, năng suất, sản lượng lúa tăng lên nhanh chóng. Lúc ấy, cũng có ý kiến quy “tội” An Giang là phá tập đoàn sản xuất, nhưng trước thực tiễn sản xuất tăng phơi phới, hiệu quả thấy rõ nên Trung ương cũng không... bắt tội” - ông Út Vũ nhớ lại.

Một đột phá khác của An Giang là cho nông hộ vay vốn tín dụng để phục vụ sản xuất. “Nếu chiếu theo quy định thì việc cho vay này là sai, nhưng nhờ có vốn, nông dân trang bị thêm được nông cụ, máy móc, giúp hiệu quả canh tác lúa tăng lên thấy rõ. Từ thực tiễn này, Trung ương nhân rộng mô hình cho vay nông hộ ra toàn quốc, tạo sức bật mới cho chương trình tam nông, nên An Giang vẫn không bị... bắt tội” - ông Út Vũ nói tiếp.

Tự tạo đề kháng

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động đã đưa khá nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm vào “lò”, được Nhân dân hoan nghênh, dư luận đánh giá cao. Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Hữu Khánh, công cuộc này góp phần làm trong sạch bộ máy, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Hữu Khánh phấn khởi khi Trung ương có chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung (Kết luận 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị), được thể chế hóa bằng Nghị định 73/2023/NĐ-CP, ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

 

 

Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước có đóng góp rất quan trọng của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý với bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực tổng kết thực tiễn sắc bén, tư duy đổi mới sáng tạo, khả năng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, để khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Thể chế thành hành động

Năng động, sáng tạo không phải là tùy tiện hành động mà phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, có suy nghĩ, phân tích, đánh giá lợi ích của cơ quan, đơn vị, địa phương; đề xuất giải pháp rõ ràng, khả thi, xin ý kiến cấp trên để tổ chức thực hiện thí điểm; có đánh giá, tổng kết để rút kinh nghiệm nhân rộng.

Đảng, Nhà nước khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp thực tế, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. “Vì lợi ích chung” được hiểu là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, cộng đồng, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị mà không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không có động cơ vụ lợi.

Những đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm. Người đứng đầu các tổ chức, đơn vị, địa phương phải quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện. Đồng thời, xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới