An Phú tăng cường chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin mạng
31/12/2024 11:20
Theo UBND huyện An Phú, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện năm 2024 đạt 29/32 chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ 90,62%. Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đạt hiệu quả cao.
Mạng truyền số liệu chuyên dùng băng thông rộng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn huyện bao phủ các xã, thị trấn với 14 điểm kết nối
Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương cho biết, việc thực hiện nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số, nhân lực số, kinh tế số, chính quyền số, xã hội số, doanh nghiệp số và an toàn thông tin mạng… của huyện đạt nhiều kết quả tích cực. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phân công tổ công nghệ số cộng đồng tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hướng dẫn người dân nộp hồ sơ hành chính trực tuyến; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn học sinh THCS và THPT tạo tài khoản, nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia; hướng dẫn cài đặt và sử dụng các phần mềm thanh toán trực tuyến, nhằm nâng cao nhận thức của người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến và công tác chuyển đổi số của địa phương.
Mỗi trang thông tin điện tử trên địa bàn huyện đều có chuyên mục chuyển đổi số riêng. Hệ thống truyền thanh huyện, xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền về chuyển đổi số lồng ghép trong chuyên mục cải cách hành chính, bình quân 1 ngày/tuần (3 buổi/ngày). Ngoài ra, các trang mạng xã hội: Zalo, Facebook, YouTube do huyện thành lập thực hiện công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, các nội dung liên quan đến chuyển đổi số ở địa phương.
Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo điều kiện kỹ thuật cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp. 100% các cơ quan thuộc UBND huyện, 14 xã, thị trấn đều có hệ thống mạng nội bộ, phục vụ các ứng dụng và dữ liệu dùng chung của tỉnh; mạng truyền số liệu chuyên dùng băng thông rộng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn huyện phủ đến các xã, thị trấn với 14 điểm kết nối. Huyện phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống phòng họp không giấy; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến phủ tới các xã, thị trấn với 14 điểm cầu. Công tác đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được duy trì ổn định trên mô hình đảm bảo an toàn thông tin cho cả hệ thống.
UBND huyện đã triển khai ứng dụng phần mềm “một cửa” tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện và UBND 14 xã, thị trấn, đồng thời cung cấp dịch vụ công trực tuyến để hỗ trợ cá nhân, tổ chức đăng ký hồ sơ trực tuyến và tra cứu tình trạng hồ sơ “một cửa” trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ https://dicvucong.angiang.gov.vn. “Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của huyện được trang bị kios tra cứu thông tin hồ sơ, thủ tục hành chính, quy hoạch sử dụng đất và phần mềm chấm điểm các bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận. Người dân chúng tôi rất thuận tiện trong việc đóng góp ý kiến đối với cán bộ, công chức khi thực thi công vụ” - anh Huy, người dân ở thị trấn An Phú cho biết.
Đồng thời, UBND huyện tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ hệ thống mạng LAN và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt. Qua đó, có 14 đơn vị xây dựng và gửi đề nghị về Sở Thông tin và Truyền thông. Cùng với đó, thực hiện phân tách hệ thống truy cập mạng LAN của cán bộ, công chức, viên chức (sử dụng mạng Internet và mạng truyền số liệu chuyên dùng) với truy cập mạng không dây phục vụ người dân tại 14/14 đơn vị đã thực hiện. UBND huyện chỉ đạo thực hiện rà soát và đảm bảo không còn người dùng sử dụng tính năng lưu mật khẩu tự động, đăng nhập tự động trên các trình duyệt web đảm bảo 100% số cán bộ phụ trách các đơn vị.
Đối với chuyển đổi sang IPv6, UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp các doanh nghiệp viễn thông triển khai chuyển đổi 100% hệ thống mạng, dịch vụ công nghệ thông tin, các phần mềm và hệ thống thông tin trên địa bàn các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn của UBND huyện sang IPv6 đạt 100%...
Huyện tập trung triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn. Kết quả, 100% cán bộ, công chức, viên chức thực hiện cài đặt các phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt như Viettel money, VNPT money để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại, Internet và các giao dịch điện tử khác. 100% cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thanh toán lương, các khoản phí qua thẻ ngân hàng.
Tất cả 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã được phủ sóng di động 3G/4G; mạng truyền dẫn cáp quang tới trung tâm xã đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng trên 80%; tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh trên 97%. Thực hiện thanh toán học phí, phí, lệ phí không dùng tiền mặt bằng công cụ như mã QR (chuyển khoản/thanh toán), qua website (chuyển khoản/thanh toán), Mobile money; phần mềm quản lý trường học, cơ sở giáo dục tích hợp sẵn chức năng thanh toán. Hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh… |
Nguồn baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Thoại Sơn tổng kết hoạt động công tác dư luận xã hội
Long Xuyên khởi công tuyến đường năng lượng xanh
Bình dị làng Chăm Châu Phong
Khởi công xây dựng Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh An Giang
Long Xuyên công bố nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã
Cảnh giác lừa đảo dịp cuối năm
Hương đường thốt nốt trong phum, sóc
Lãnh hậu quả vì lái xe thiếu an toàn
Biên phòng An Giang bắt giữ vụ vận chuyển hơn 22kg ma túy
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng chủ trì họp Thành viên UBND tỉnh